Dự tại đầu cầu Hà Nội có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh. Ảnh Thành Hưng.
Trong năm 2020 và giai đoạn 2016-2020, ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Mạng lưới bưu chính, viễn thông và hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia đã có những bước phát triển nhanh chóng, vững chắc. Công nghệ thông tin (CNTT), công nghệ số có sự phát triển mạnh mẽ, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội từ trung ương đến địa phương. Đặc biệt, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia do ngành TT&TT chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện với mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh của Việt Nam đã được lan tỏa sâu rộng trên phạm vi toàn quốc, tạo nên một làn sóng chuyển đổi số trên khắp các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước. Báo chí đã khẳng định được vai trò vị trí của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc; phản ánh dòng chảy của xã hội Việt Nam, góp phần tạo đồng thuận niềm tin xã hội và khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng.
Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã khẳng định vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế số. Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử – viễn thông (ICT) tiếp tục có đóng góp lớn vào GDP quốc gia. Ngành TT&TT cũng đã có những bước đi quan trọng trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng, hình thành nên bộ máy tổ chức quản lý nhà nước về an toàn, an ninh mạng từ trung ương đến địa phương. Đến nay, hầu hết các chỉ tiêu phát triển ngành đề ra cho cả giai đoạn đều đã đạt hoặc vượt mức các chỉ tiêu. Các chỉ số tăng trưởng của nhiều lĩnh vực thuộc ngành đều được các tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá cao. Tốc độ tăng trưởng ngành CNTT&TT gấp 2,5 lần tăng trưởng GDP. Tỷ lệ người sử dụng Internet chiếm 68,7%. Tỷ lệ phủ sóng di động đạt 99,80%. Tỷ trọng CNTT&TT đóng góp vào GDP chiếm 33,3%.
Trong lĩnh vực viễn thông, tỷ lệ hộ gia đình kết nối Internet tăng gần 3 lần trong 5 năm qua, đạt 75%, cao hơn mức trung bình của thế giới 1,3 lần (57,4%). Tỷ lệ thuê bao băng rộng di động/100 dân đã vượt ngưỡng trung bình của thế giới vào năm 2020, đạt 76,42 thuê bao băng rộng/100 dân.
Trong lĩnh vực báo chí, Bộ TT&TT đã thực hiện quy hoạch báo chí theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, triển khai sắp xếp tinh gọn các cơ quan báo chí và tính đến cuối năm 2020, cả nước có 779 cơ quan báo chí (năm 2016 có 859 cơ quan báo chí).
Trong 5 năm qua, thứ hạng của Việt Nam trong các lĩnh vực bưu chính, ứng dụng ICT, chỉ số phát triển ICT, chính phủ điện tử, an toàn an ninh mạng trong các bảng xếp hạng quốc tế đã có những bước tiến mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực an toàn an ninh mạng. Năm 2019, Việt Nam xếp hạng thứ 50 về chỉ số an toàn thông tin toàn cầu (CGI) trên 175 quốc gia được khảo sát, đánh giá, tăng 50 hạng so với năm 2017…
Tại Hội nghị, Bộ TT&TT công bố Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số; công bố nền tảng hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí; khai trương Cổng thông tin tiếp nhận phản ánh và công bố tin giả, ra mắt đầu số tiếp nhận phản ánh tin giả 18008108.
LA
Ý kiến bạn đọc