Thực thi chính sách với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng

Thứ năm - 27/07/2023 10:43 644 0
Thương binh - Liệt sĩ là những người đã hy sinh, cống hiến cho nền độc lập, tự do của dân tộc, cho sự trường tồn, phát triển của đất nước. Cuộc đời, sự nghiệp của họ là biểu tượng cao đẹp của tinh thần yêu nước và truyền thống cách mạng. Tưởng nhớ, tri ân và thực thi tốt chính sách với Thương binh - Liệt sĩ và người có công với cách mạng không chỉ thể hiện đạo lý uống nước, nhớ nguồn mà góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tạo động lực cho quá trình phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh hiện nay.
IMG 3235
Ngày 2/9/1955, Bác Hồ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới đặt vòng hoa viếng các liệt sĩ tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh
TÌNH CẢM CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH DÀNH CHO THƯƠNG BINH – LIỆT SĨ

Trong suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam luôn bị các thế lực hùng mạnh ở phương Bắc, phương Tây nhòm ngó, xâm lăng. Để gìn giữ biên cương, lãnh thổ, biết bao thế hệ người dân Việt Nam đã ngã xuống để bảo vệ nền độc lập, tự do.

Cảm phục, biết ơn trước những tấm gương anh dũng đã “quyết tử” cho “Tổ quốc quyết sinh”, cũng như nhằm chia sẻ, cảm thông với nỗi đau của thân nhân các gia đình có công với cách mạng, ngay khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi. Người viết: "Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền Tự do, Độc lập và Thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh, hoặc trong thời kỳ kháng chiến. Tôi gửi lời chào thân ái cho gia đình các liệt sĩ đó, và tôi nhận con các liệt sĩ làm con nuôi của tôi"

Để tưởng nhớ, tri ân những cống hiến, hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh và thân nhân của họ, vào tháng 6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra chỉ thị cho các ban ngành chọn một ngày trong năm làm Ngày Thương binh. Thực hiện chỉ thị của Người, một hội nghị trù bị bao gồm các đại biểu đến từ các cơ quan trung ương và một số khu, tỉnh đã được tổ chức tại Phù Minh (Đại Từ, Thái Nguyên) thống nhất lấy ngày 27/7/1947 là Ngày Thương binh toàn quốc. Từ năm 1955, Ngày Thương binh toàn quốc được đổi tên thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27 tháng 7 hằng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh - Liệt sĩ” của cả nước. Đây là ngày có ý nghĩa quan trọng để đồng bảo cả nước bày tỏ lòng biết ơn sâu nặng trước những cống hiến, hy sinh to lớn của những thế hệ cha anh đã ngã xuống vì lý tưởng, mục tiêu cao đẹp: Bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc, đem lại hòa bình, hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.

Viết về thương binh, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”

Nhằm đảm bảo tốt cuộc sống của thương binh, thân nhân các gia đình có công với cách mạng, với tư cách là người đứng đầu Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký nhiều sắc lệnh quan trọng như: Sắc lệnh số 20-SL ngày 16/2/1947 quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất cho thương nhân tử sĩ; Sắc lệnh số 58-SL ngày 6/6/1947 tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập để thưởng hoặc truy tặng cho đoàn thể hay những người có công với nước, với dân hoặc tặng cho các nhân vật ngoại quốc đã có công với nước Việt Nam…

Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc viết năm 1968, Người căn dặn toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng, kháng chiến. Người căn dặn: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”.

Tư tưởng, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng là sự kế thừa và phát triển những tư tưởng, truyền thống tốt đẹp của dân tộc: Uống nước nhớ nguồn; Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.

Truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc đã trở thành nét đẹp văn hóa, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc, kết thành sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết, ý chí quyết tâm đánh đuổi quân thù xâm lược, bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do, thống nhất đất nước và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

ĐẢNG, NHÀ NƯỚC TA LUÔN QUAN TÂM, CHĂM LO THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH VỚI NGƯỜI CÓ CÔNG

Kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quan tâm, chăm lo thực hiện chính sách với người có công, Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình lãnh đạo cách mạng cũng như thực hiện công cuộc đổi mới luôn dành những điều kiện tốt nhất nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người có công và thân nhân của người có công với cách mạng.

Sau khi đất nước thống nhất, bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm chính trị, Đảng đã ban hành nhiều chỉ thị, kết luận quan trọng để tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng như: Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 14/12/2006 của Ban Bí thư về “tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"”; Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 15-5-2013 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; Kết luận số 63-KL/TW ngày 27-5-2012 của Ban Chấp hành Trung ương về “Một số vấn đề cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020”; Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19-7-2017 của Ban Bí thưvề “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng”, trong đó nhấn mạnh việc chăm lo, thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”; ủng hộ “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa” để giúp các gia đình chính sách khắc phục khó khăn, cải thiện cuộc sống.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh quan điểm nhất quán về thực hiện tốt chính sách với người có công, đó là tiếp tục “hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách đối với người có công trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước và xã hội, đảm bảo người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn cư trú”.

Nhằm cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước cũng đã xây dựng, ban hành hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật đông bộ, đầy đủ, tạo cơ sở, hành lang pháp lý để việc thực thi chính sách với người có công đạt được kết quả tốt nhất. Tính từ năm 2012 đến nay đã có 69 văn bản quy phạp pháp luật được ban hành, trong đó có 3 pháp lệnh của Quốc hội, 1 chỉ thị của Bộ Chính trị, 1 chỉ thị của Ban Bí thư, 2 nghị quyết của Chính phủ, 11 nghị định của Chính phủ, 10 quyết định của Chủ tịch nước, 2 chỉ thị và 10 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 29 thông tư và thông tư liên tịch của các bộ, ngành.

Việc xây dựng và triển khai đồng bộ các chính sách đã tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân tham gia tích cực vào hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo người có công, tạo sự đồng thuận trong xã hội và tạo điều kiện để người có công có cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhờ đó mà việc thực thi chính sách với người có công đạt được những kết quả nổi bật(6).

Tính đến nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, trong đó có trên 1,2 triệu liệt sĩ, gần 140.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trên 800.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, gần 185.000 bệnh binh, trên 320.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Về đời sống vật chất của người có công

Hiện cả nước có trên 1,2 triệu người có công được hưởng trợ cấp hằng tháng và hơn 280.000 thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng. Mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công được điều chỉnh tăng phù hợp với lộ trình điều chỉnh tăng mức tiền lương cơ sở. Giai đoạn 2012 - 2022, mức trợ cấp tăng khoảng 40% đạt 1.624.000 đồng từ năm 2019, cao hơn mức lương cơ sở của cán bộ, công chức hiện nay (1.490.000 đồng). Đến nay, 99% số hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nới cư trú, 99% số xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.

Nhằm tiếp tục nâng cao đời sống vật chất của người có công phù hợp với điều kiện, tình hình mới, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 1.624.000 đồng lên 2.055.000 đồng, được thực hiện kể từ ngày 1/7/2023.

Từ năm 2013 đến cuối năm 2019, đã cơ bản hoàn thành hỗ trợ dứt điểm nhà ở cho 339.176 hộ người có công trên cả nước, đạt tỷ lệ 96.7% số hộ người có công cần hỗ trợ sau rà soát (khoảng 350.700 hộ).

Về chính sách giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe đối với người có công và thân nhân các gia đình chính sách. Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách và sự vào cuộc của các bộ ngành mà hàng năm, có 512.000 lượt người có công được điều dưỡng luân phiên; hỗ trợ giáo dục cho khoảng 54.200 lượt người (trong đó, gần 27.800 người đang hưởng trợ cấp hằng tháng và gần 26.400 người hưởng trợ cấp một lần); gần 1.815.000 đối tượng người có công được Nhà nước mua bảo hiểm y tế. Có khoảng 49.000 người có công và con của họ được hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, trong đó có trên 24.000 người được đào tạo nghề nông nghiệp và 25.000 người được đào tạo nghề phi nông nghiệp. Bộ Quốc phòng đã tiếp nhận 1.149 người là con của thương binh, bệnh binh nặng vào làm việc tại các doanh nghiệp quốc phòng.

Cả nước hiện có 65 cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và bố trí nhân sự đủ để đáp ứng cơ bản yêu cầu chăm sóc, điều dưỡng người có công, nhất là thương binh nặng. Hiện có hơn 1.000 người có công được nuôi dưỡng tại các cơ sở.

Về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được khẩn trương triển khai từ năm 2013 với nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực, như rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ; lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; xây dựng cơ sở dữ liệu về liệt sĩ; xây dựng quy trình xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở địa bàn trong nước và tăng cường hợp tác quốc tế. Nhờ đó từ năm 2012 đến năm 2022, toàn quốc đã tìm kiếm, quy tập được 18.583 hài cốt liệt sĩ, trong đó từ Lào: 2.988 hài cốt, từ Campuchia: 6.499 hài cốt. Trong nước: 9.096 hài cốt, đã tiếp nhận 38.217 mẫu hài cốt liệt sĩ và thân nhân, phân tích ADN được 23.355 mẫu, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được 4.277 trường hợp.

Về việc thực hiện các phong trào đền ơn đáp nghĩa

Việc nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ được quan tâm đầu tư. Cả nước có trên 3.200 nghĩa trang liệt sĩ và trên 3.000 công trình ghi công liệt sĩ. Bên cạnh nguồn ngân sách địa phương và xã hội hóa, hàng năm, Nhà nước đều bố trí một phần kinh phí từ ngân sách Trung ương để tu bổ, nâng cấp mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ.

Phong trào Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng, ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa ngày càng phát triển sâu rộng, trở thành nét đẹp truyền thống trong đời sống văn hóa. Qua đó, cả nước đã vận động được trên 13.000 tỷ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công xây dựng mới trên 84.000 căn nhà và sửa chữa trên 69.000 căn nhà tình nghĩa; tặng gần 126.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với tổng số tiền trên 1.000 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn; 3.625 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.

Về kết quả huy động và sử dụng nguồn lực

Từ năm 2012 đến nay, ngân sách nhà nước chi ưu đãi người có công đều tăng qua các năm. Tổng kinh phí giai đoạn 2012-2022 là khoảng 357.373 tỷ đồng, trong đó số quyết toán chi giai đoạn 2012-2020 là 289.717 tỷ đồng, số dự toán bố trí giai đoạn 2021-2022 là 7.620 tỷ đồng.

Công tác xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia vào các hoạt động đền ơn đáp nghĩa được đẩy mạnh, nhờ đó trong giai đoạn 2012-2021, tổng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cả nước đã huy động được gần 7.270 tỷ đồng, trong đó quỹ rung ương đạt gần 45 tỷ đồng; quỹ địa phương hơn 7.320 tỷ đồng.

Có thể nói với sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự tham gia tích cực của cộng đồng, cuộc sống của người có công ngày càng được cải thiện, nâng cao. Các chính sách về ưu đãi đối với người có công với cách mạng luôn được bổ sung, hoàn thiện; các phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công được phát động với những hình thức đa dạng, phong phú, tạo sức cộng hưởng lớn trong đời sống xã hội.

Những kết quả đạt được thể hiện qua những con số cụ thể là minh chứng sinh động cho thấy chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước, sự chung sức, đồng lòng của toàn xã hội trong việc quan tâm, chăm lo, tri ân và biết ơn sâu sắc đối với những cống hiến, hy sinh của những anh hùng, liệt sĩ, thương bệnh binh, người có công với cách mạng, kháng chiến.

Trân trọng, biết ơn quá khứ, hướng về nguồn cội với những giá trị cao đẹp: lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần sẵn sàng cống hiến, hy sinh với niềm tin, khát vọng mãnh liệt vào tương lai tất thắng, vào sự trường tồn của quốc gia dân tộc, sẽ tạo động lực để những thế hệ hôm nay viết tiếp những trang sử vàng và tô thắm truyền thống cách mạng của một dân tộc anh hùng, không ngừng sáng tạo, cống hiến để xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo

Tác giả: BCXB

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Hộp thư điện tử Tây Ninh
CÔNG KHAI, MINH BẠCH
Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Tây Ninh lần thứ II - năm 2022
Họp không giấy
Tôn chỉ mục đích các cơ quan báo chí
Công báo tỉnh Tây Ninh
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM
Danh sách người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
Hướng Dẫn Dịch Vụ Công
Danh sách phóng viên thường trú địa bàn Tây Ninh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay2,275
  • Tháng hiện tại172,424
  • Tổng lượt truy cập18,338,295
Tra cứu hồ sơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây