Kinh tế tuần hoàn: Hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp

Thứ tư - 02/03/2022 14:59 1.892 0
Những năm gần đây, nhất là hai năm trở lại đây, thuật ngữ “Kinh tế tuần hoàn” là từ khóa được nhắc đến nhiều trên khắp các diễn đàn kinh tế - thương mại trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
Khái niệm “Kinh tế tuần hoàn” đã ra đời khá lâu, được sử dụng chính thức đầu tiên bởi Pearce và Turner từ năm 1990. “Kinh tế tuần hoàn” là mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”, hoàn toàn không giống với cách nhìn của nền kinh tế tuyến tính truyền thống.
Tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn
Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO), nền kinh tế tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người. 
Theo Ellen MacArthur Foundation (2012), định nghĩa về kinh tế tuần hoàn được nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế thừa nhận rộng rãi hiện nay là “một hệ thống có tính khôi phục và tái tạo thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động. Nó thay thế khái niệm “kết thúc vòng đời” của vật liệu bằng khái niệm khôi phục, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và hướng tới giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kỹ thuật và cả các mô hình kinh doanh trong phạm vi của hệ thống đó”.
Mục đích của kinh tế tuần hoàn là nhằm kéo dài thời gian sử dụng các sản phẩm, tăng năng suất của các tài nguyên. Tất cả các "phế thải" của một quy trình sản xuất tiêu dùng đều nên được xem như nguyên vật liệu của các quy trình sản xuất tiêu dùng khác, bất kể đó là sản phẩm phụ hay tài nguyên được thu hồi từ một quy trình công nghiệp khác hay tài nguyên được tái sinh cho môi trường tự nhiên. Cách tiếp cận này là tương phản với mô hình mô hình kinh tế tuyến tính đang được phổ biến rộng rãi.
Có thể có những cách thể hiện khác nhau đôi chút nhưng các quan điểm tương đối đồng thuận về khái niệm kinh tế tuần hoàn. Nói một cách đơn giản, kinh tế tuần hoàn là biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác hay tuần hoàn trong nội tại bản thân của một doanh nghiệp. 
(Nguồn: https://congnghiepmoitruong.vn)
 
Những lợi ích to lớn của nền kinh tế tuần hoàn đem lại có thể kể đến như giảm thiểu ô nhiễm, giảm phát thải khí nhà kính, giảm nguyên vật liệu sơ cấp. Bảo tồn, phục hồi nguồn tài nguyên thiên nhiên; tạo thị trường mới và tạo việc làm mới; nâng cao hiệu quả cạnh tranh; gia tăng giá trị xã hội - kinh tế. 
Trong bối cảnh hiện nay, việc chuyển đổi từ kinh tế thẳng sang kinh tế tuần hoàn là thiết yếu đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, không ngoại trừ Việt Nam và đây là bốn lý do chính. Thứ nhất, sự gia tăng nhu cầu về nguyên liệu thô đang ngày càng cạn kiệt, đặc biệt đối với khoáng sản, nguồn tài nguyên không thể tái tạo được cũng như sự phụ thuộc vào các nước khác, đặc biệt các quốc gia phụ thuộc nước khác về nguyên liệu thô. Sự phụ thuộc này dẫn đến căng thẳng về chính trị toàn cầu. Thứ hai, tác động của biến đổi khí hậu (phát thải các khí nhà kính, đặc biệt là CO2) làm gia tăng quá trình biến đổi khí hậu cực đoan, gây nên các hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Sự chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn với mục tiêu sử dụng năng lượng bền vững sẽ làm giảm quá trình này. Thứ ba, kinh tế tuần hoàn giúp vượt qua khó khăn và thách thức trong cuộc chiến phòng chống Đại dịch Covid 19 vô cùng gian nan, phức tạp. Và cuối cùng, kinh tế tuần hoàn tạo ra các cơ hội kinh tế, đặc biệt đối với doanh nghiệp và khoa học trong lĩnh vực việc đổi mới, thiết kế, tái chế và sáng tạo.
Về tầm quan trọng, kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam đóng góp trực tiếp 9/17 Mục tiêu phát triển bền vững trong Kế hoạch hành động Quốc gia Thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Tháng 2/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, carbon thấp; khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất.
Kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực bán lẻ 
Một số ngành được đánh giá là có cơ hội lớn hơn trong việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn như: lương thực và nông nghiệp, thời trang và dệt may, xây dựng và vật liệu xây dựng, hệ thống năng lượng và cacbon, hóa chất, điện tử và công nghệ cao. Từ góc độ của cộng đồng DN bán lẻ, chúng tôi cho rằng ngành công nghiệp dịch vụ bán lẻ muốn phát triển bền vững phải chú trọng đến kinh tế tuần hoàn. Một nghiên cứu sơ bộ của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam gần đây về thị trường bán lẻ của một số nước trên thế giới đã cho thấy mối liên hệ gắn bó giữa nền kinh tế tuần hoàn với các hoạt động bán lẻ muôn màu sắc và vai trò của các nhà bán lẻ trong việc định hình, khuyến khích và phát triển nền kinh tế tuần hoàn, mang lại những cơ hội lớn cho phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Câu hỏi đặt ra là kinh tế tuần hoàn đang được thực hiện như thế nào trong các lĩnh vực bán lẻ khác nhau?
Lĩnh vực thời trang: Khoảng vài chục năm gần đây, người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới đã quen với cụm từ “thời trang nhanh” và có thể thấy, thời trang nhanh được triển khai rầm rộ, bài bản …. đã trở thành một xu hướng tiêu dùng, một trào lưu không chỉ của giới trẻ và có lẽ, nó dẫn đến tâm lý khá sai lệch khi cho rằng những bộ quần áo chúng ta mua cách đây vài tuần đã lỗi thời, nên vứt bỏ để mua sắm đồ mới. Khách quan mà nói, thời trang nhanh có ảnh hưởng và giúp ngành công nghiệp thời trang phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, tỉ lệ thuận với lợi nhuận là những tác động xấu đến môi trường. Công nghiệp thời trang được xem là ngành gây ô nhiễm lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau ngành dầu mỏ. Nó chiếm 10% lượng khí thải carbon toàn cầu do năng lượng được sử dụng trong sản xuất, chế tạo và vận chuyển.
Chỉ riêng năm 2018, 11,3 triệu tấn hàng dệt may đã được đưa vào các bãi chôn lấp và 3,2 triệu tấn được đốt, thải ra một lượng lớn khí nhà kính theo đánh giá của Cục Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (EPA). Một nghiên cứu khác cho thấy, 57,1% chất thải thời trang từ 15 quốc gia trên khắp EU được đưa vào các bãi chôn lấp và ngành công nghiệp thời trang là tác nhân dẫn đến lượng rác thải trung bình 13 kg/người trên hành tinh.  Còn theo một báo cáo của tổ chức WRAP của Anh, có tới 350.000 tấn quần áo (ước tính trị giá 140 triệu bảng Anh) đã qua sử dụng đổ vào bãi rác mỗi năm ở nước này. 
May thay, thời trang tuần hoàn (Circular Fashion) đã xuất hiện. Thuật ngữ này được sử dụng lần đầu tiên vào năm 2014 bởi H&M và đã nhanh chóng trở thành một khái niệm bền vững được đón nhận nồng nhiệt trong lĩnh vực thời trang. Có đến 90 thương hiệu thời trang và nhà bán lẻ có tên tuổi, bao gồm Nike, Adidas, Gani, Reformation, Lacoste, VF Corporation,… đã ký kết Bảng cam kết Hệ thống Thời trang Tuần hoàn 2020 của Global Fashion Agenda.
Các đặc điểm của hệ thống Thời trang Tuần hoàn mới này bao gồm thiết kế theo cách dễ dàng sửa chữa và tháo rời các bộ phận để có thể tái chế hoặc cung cấp cho sản phẩm cuộc sống thứ hai; Thiết kế bằng vật liệu chất lượng với kiểu dáng vượt thời gian nhằm tối đa hóa khả năng sử dụng. Được làm bằng nguyên vật liệu có thể phân hủy sinh học hoặc ít nhất là có thể tái chế; Được sản xuất sao cho tạo ra chất thải tối thiểu; Phân phối và vận chuyển một cách bền vững; Có thể được sử dụng bởi nhiều người dùng trong suốt thời gian hữu dụng của nó.
Trong thực tế, đã có nhiều chương trình thời trang tuần hoàn thành công và thu hút được nhiều người quan tâm. Chẳng hạn như, hãng thời trang H&M tổ chức thu gom hàng may mặc, khuyến khích người dùng mang quần áo mà họ không dùng đến hoặc đơn giản là họ không thích nữa để tái chế và biến đổi nó. Đổi lại, người dùng nhận được séc trị giá € 5, € 25 trở lên để chi tiêu trong cửa hàng của H&M. Thương hiệu denim Levi’s giảm giá 20% khi khách hàng giao lại những sản phẩm may mặc mà họ không còn muốn dùng nữa. Nike có chương trình tái chế giày. Bạn chỉ cần tìm một cửa hàng Nike, nơi bạn có thể giao gửi những đôi giày đã qua sử dụng và Nike sẽ biến chúng thành nguyên liệu thô một lần nữa để tái sử dụng làm chất cách điện, sàn cao su và những thứ khác. Công ty denim Mud Jeans cho thuê quần jean với giá $ 7,50 hàng tháng. Đó chính là một mô hình kinh doanh tuần hoàn.
Lĩnh vực điện và điện tử tăng trưởng 4% mỗi năm ở EU. Mặc dù là một lĩnh vực phát triển liên tục và nhanh chóng, nhưng sản phẩm điện và điện tử gây nhiều nguy hiểm cho môi trường vì chúng chứa các vật liệu độc hại.
Lĩnh vực này bị chi phối bởi thói quen sản xuất và mua bán số lượng lớn, giá rẻ … của sản phẩm mà ít quan tâm đến vòng đời hoặc độ bền của chúng. Một giải pháp cho lĩnh vực này là các nhà bán lẻ điện máy – điện tử cần phối hợp với nhà sản xuất để sản xuất – kinh doanh các sản phẩm dễ sửa chữa, dễ tháo rời và tách rời để tái sử dụng.
Lĩnh vực đồ nội thất: Ikea có một số chương trình kinh tế tuần hoàn. Gần đây, họ đã công bố “Chương trình Mua lại”, theo đó người dùng có thể giao đồ nội thất Ikea đã qua sử dụng để đổi lấy phiếu quà tặng và chi tiêu tại hệ thống Ikea. Với chương trình này, Ikea uớc tính rằng họ sẽ ngăn chặn hơn 15.000 sản phẩm nội thất bị kết thúc ở bãi rác. Một sáng kiến khác mà Ikea đề xuất là cho thuê đồ nội thất văn phòng. Chương trình sẽ bắt đầu tại Hà Lan, Thụy Sĩ, Ba Lan và Thụy Điển, nơi họ sẽ kiểm tra tính khả thi của dự án để mở rộng danh mục sản phẩm có sẵn cho thuê tại hơn 30 thị trường. Trong tương lai, không chỉ cho thuê đồ nội thất văn phòng, Ikea cũng có thể cho thuê tủ bếp và đồ dùng nhà bếp ở nhiều nước.
Lĩnh vực Mua bán đồ cũ là sự trao đổi, theo đó người dùng gửi sản phẩm có thương hiệu, hàng cao cấp đã qua sử dụng cho doanh nghiệp để đổi lấy chiết khấu mà họ sử dụng khi mua sắm các sản phẩm mới. Bằng cách này, người dùng có thể đổi mới sản phẩm của mình và các mặt hàng second-hand lại tiếp tục vòng đời của chúng. REI và Eileen Fisher là các thương hiệu quần áo của Mỹ rất nổi tiếng với các chương trình này. Xu hướng mua bán hàng cũ gần đây tăng nhanh và thị trường đồ cũ hiện có giá trị 24 tỉ USD, dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên 51 tỉ USD vào năm 2024 (thredUp).  
Báo cáo “Resale Report 2019” của ThredUp (hợp tác với GlobalData) cũng cho thấy: Mô hình mua bán đồ cũ, thuê, hay thuê bao theo gói (subscription) đang là 3 mảng tăng trưởng nhanh nhất của lĩnh vực bán lẻ hàng second-hand. 72% người tiêu dùng đã thay đổi cách chi tiêu, chuyển từ mua hàng mới sang mua đồ đã dùng rồi nhiều hơn, đặc biệt là thế hệ Thiên niên kỷ và thế hệ Z. Trong vòng 10 năm, mua bán quần áo dùng rồi dự kiến sẽ tăng 1,5 lần so với quy mô của thời trang nhanh. ⅓ người được ThredUp hỏi cho biết họ sẽ chi nhiều tiền hơn tại những cửa hàng bán lẻ nếu những nơi này có bán cả quần áo đã sử dụng rồi.
Hai doanh nghiệp đang nổi lên trong ngành thời trang dùng rồi là ThredUp và The RealReal.  Ngoài thời trang, The RealReal còn mở rộng ra cả đồ nội thất và còn đảm nhận cả những công việc như xác minh tính xác thực của thương hiệu, phục chế sản phẩm. Công ty cũng cung cấp dịch vụ định giá chuyên gia miễn phí với những mặt hàng xa xỉ.
Nhìn rộng hơn các sản phẩm thời trang, ta thấy Spotify đã thay thế các đĩa CD và Netflix thay thế các cửa hàng video là những ví dụ về cách người tiêu dùng chọn thuê hơn là sở hữu hàng hóa hoàn toàn. Các mô hình cho thuê, bán lại và tân trang sẽ kéo dài vòng đời của sản phẩm đồng thời mang đến sự mới mẻ mà người tiêu dùng mong muốn.
Các chuyên gia cho rằng, mặc dù người tiêu dùng chỉ trả 20 đến 30% giá bán lẻ khi họ thuê, nhưng nhà bán lẻ có thể cho thuê mặt hàng ở bất kỳ đâu từ 10 đến 20 lần để tạo ra giá trị mới mỗi lần trước khi bán lại hàng đã qua sử dụng. Và như vậy, các nhà bán lẻ hoàn toàn có thể linh hoạt chuyển đổi từ hoàn toàn bán hàng theo kiểu truyền thốngsang cho thuê và bán lại.
Lĩnh vực nhà hàng và quán ăn Nhà hàng và Quán ăn thường được xem là thuộc bán lẻ, nơi được coi là kết hợp của bán lẻ thực phẩm và bán lẻ dịch vụ ẩm thực. Loài người đang lãng phí và bỏ đi 1/3 tổng số thực phẩm được sản xuất ra, trong khi đó rất nhiều người đang chết đói và môi trường thì phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã tạo điều kiện để một lượng lớn đồ ăn thừa, thức ăn chưa bán được từ các nhà hàng, quán café, siêu thị, các cửa hàng bánh, để xử lý thay vì những nơi này phải đổ bỏ chúng.
Một cách nữa để kinh tế tuần hoàn hỗ trợ bảo vệ môi trường là nguồn thực phẩm cung cấp cho hệ thống nhà hàng, quán café, siêu thị, các cửa hàng bánh, cần được tập trung lấy từ các nguồn địa phương và theo mùa. Về mặt sinh thái, việc này chắc chắn giảm thiểu lượng khí thải carbon trong quá trình vận chuyển và tránh các vấn đề về nước trong các loại cây ăn quả. Đã có những thành công lớn qua các điển hình của Too Good To Go, Casa Elena, K & Co., vv … Thành lập tại Copenhagen năm 2015, Too Good To Go đã mở rộng mô hình của mình ra 12 quốc gia trên thế giới và tiết kiệm được 20 triệu bữa ăn /năm. 
Casa Elena, một chuỗi nhà hàng ở Toledo cũng là một điển hình của nền kinh tế tuần hoàn. Định kỳ, họ thực hiện các khóa đào tạo cho lực lượng lao động của mình, nơi nhân viên được đào tạo về tính bền vững và giảm tiêu thụ năng lượng. Họ cũng tái chế 85% chất thải và có một khu vườn hữu cơ, nơi họ trồng các sản phẩm theo mùa.
K & Co., nhà hàng Tapas (Món khai vị) ở Madrid, khởi đầu áp dụng kinh tế tuần hoàn với việc xây dựng nhà hàng bằng vật liệu tự nhiên bền vững và để tối đa hóa hệ số hiệu quả năng lượng, giảm chi phí … và chỉ nhận sản phẩm của địa phương. Ngoài ra, họ chỉ sử dụng vật liệu và đồ dùng tái chế, có thể phân hủy, quản lý chất thải và tái chế chúng.
Siêu thị Woolworths là chuỗi cửa hàng tạp hóa lớn nhất của Australia với gần 1 000 cửa hàng hoạt động trên toàn quốc và khoảng 115.000 nhân viên. 96% trái cây và rau quả và 100% thịt tươi trong hệ thống Woolworths là từ nông dân Australia và phục vụ 28 triệu khách hàng mỗi năm. Nói chung, lượng lương thực trị giá 20 tỷ đôla Australia mỗi năm và ước tính 40% thực phẩm được sản xuất ở Australia để tiêu thụ trong nước đã bị lãng phí. Trong một nỗ lực để giải quyết vấn đề rác thải thực phẩm, Woolworths đã công bố vào tháng 6 /2019 rằng 100% siêu thị của họ sẽ triển khai một chương trình KTTH, bao gồm – thu mua thực phẩm tươi dư thừa và phân phối lại cho các đối tác từ thiện cứu trợ nạn đói.  Bất kỳ thực phẩm nào không còn phù hợp cho con người đều được chuyển đến các trang trại để sử dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc làm phân hữu cơ.
Woolworths đã cùng với các đối tác phi lợi nhuận triển khai mô hình kinh doanh mới - sáng kiến tuần hoàn này, theo đó các tổ chức từ thiện cung cấp lò nướng, tủ đông, phòng mát, phương tiện giao thông và cơ sở hạ tầng quan trọng khác để giúp việc lưu trữ, nấu nướng và chia sẻ các bữa ăn để đáp ứng nhu cầu cứu trợ thực phẩm ngày càng tăng. Với các chương trình này, Woolworths đã ghi nhận mức giảm trung bình hàng năm trong số tám phần trăm rác thực phẩm được gửi đến bãi chôn lấp trong ba năm qua. Woolworths đã cứu được hơn 55.000 tấn thực phẩm lẽ ra đã bị vứt bỏ ra bãi rác và 10 triệu bữa ăn đã được chuyển đến những người Úc có nhu cầu trên khắp đất nước.

Tác giả: BCXB

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Hộp thư điện tử Tây Ninh
CÔNG KHAI, MINH BẠCH
Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Tây Ninh lần thứ II - năm 2022
Họp không giấy
Tôn chỉ mục đích các cơ quan báo chí
Công báo tỉnh Tây Ninh
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM
Danh sách người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
Hướng Dẫn Dịch Vụ Công
Danh sách phóng viên thường trú địa bàn Tây Ninh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập53
  • Máy chủ tìm kiếm39
  • Khách viếng thăm14
  • Hôm nay11,656
  • Tháng hiện tại97,612
  • Tổng lượt truy cập18,464,483
Tra cứu hồ sơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây