Tăng cường công tác bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp
Trên địa bàn tỉnh có 02 khu kinh tế cửa khẩu, 06 khu công nghiệp và 05 cụm công nghiệp đang hoạt động. Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có rất nhiều nỗ lực trong công tác xử lý chất thải, bảo vệ môi trường. Các khu công nghiệp đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thu gom nước thải và nước mưa riêng biệt, các khu công nghiệp đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt Quy chuẩn quy định (QCVN 40:2011/BTNMT cột A) trước khi xả ra môi trường.
Các nhà máy đầu tư trong khu công nghiệp đều được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải, khí thải đạt quy định, thực hiện tốt công tác thu gom, quản lý chất thải rắn.
Các dự án đầu tư trong các cụm công nghiệp đều thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và xây dựng hệ thống xử lý chất thải trước khi hoạt động đúng theo quy định.
Một góc khu xử lý nước thải ở KCN Trảng Bàng. (Ảnh Đình Chung)
Chú trọng bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản
UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Quyết định số 52/2013/QĐ-UBND ngày 26/11/2013 về quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2013-2015, tầm nhìn đến năm 2020 và Quyết định số 3172/QĐ-UBND ngày 26/12/2018 về việc Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Tây Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 (thay thế Quyết định số 52/2013/QĐ-UBND). Trong đó, lồng ghép nội dung khoanh định, công bố vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất. Công tác cải tạo phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản được quan tâm thường xuyên và từng bước đi vào nề nếp, các hồ sơ đề nghị cấp giấy phép mới và gia hạn đã thực hiện ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường là 100%, thực hiện nghĩa vụ nộp phí bảo vệ môi trường theo quy định.
Các nghề truyền thống và làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh hoạt động với quy mô công suất nhỏ lẻ như: 01 nghề truyền thống bánh tráng tại khu phố Lộc Du và phường Trảng Bàng, 01 nghề truyền thống rèn tại thị xã Trảng Bàng, 03 nghề truyền thống làm nhang tại phường Long Thành Bắc, thị xã Hòa Thành, 03 nghề truyền thống nón lá tại thành phố Tây Ninh, 01 nghề truyền thống mộc gia dụng tại phường Hiệp Tân, thị xã Hòa Thành, 01 nghề truyền thống đúc gang tại thị xã Hòa Thành, 01 nghề truyền thống chế biến mì rấm ở xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành, và 01 làng nghề truyền thống sản xuất mây tre đan tại xã Long Thành Nam, thị xã Hòa Thành. Phần lớn đã đăng ký hoạt động kinh doanh và lập hồ sơ môi trường cho các ngành nghề hoạt động.
Tỉnh đã tích cực xử lý triệt để việc xả nước thải của các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, nhà máy chế biến mía đường, chế biến tinh bột khoai mì, cao su, Bệnh viện và các cơ sở sản xuất đang hoạt động trên lưu vực sông Vàm Cỏ Đông, phải xử lý đạt cột A, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Kiên quyết đình chỉ hoạt động các cơ sở chưa nâng cấp, cải tạo hệ thống thu gom và xử lý nước thải đạt cột A, đặc biệt là các nhà máy chế biến tinh bột khoai mì và cao su. Các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ ít gây ô nhiễm và lắp đặt thiết bị xử lý chất thải để bảo vệ môi trường theo quy định.
Hàng năm, xây dựng kế hoạch giám sát công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, chế biến bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, đồng thời tăng tần suất giám sát tại một số vị trí thường xảy ra cá chết ở rạch Tây Ninh và sông Vàm Cỏ Đông nhằm theo dõi diễn biến chất lượng nước và có biện pháp xử lý, ngăn ngừa mức độ gia tăng ô nhiễm. Ngoài ra, tỉnh Tây Ninh đã tích cực phối hợp với các tỉnh Long An, Tiền Giang và thành phố Hồ Chí Minh quan trắc nước sông Vàm Cỏ Đông với tần suất 04 lần/năm.
Nhờ sự nỗ lực trên, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, các chỉ tiêu về môi trường đều đạt theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh. Cụ thể, tỷ lệ dân số đô thị sử dung nước sạch, nước hợp vệ sinh, đạt 100%; duy trì tỷ lệ che phủ rừng (đã loại trừ cây cao su) đạt 16,3%; tỷ lệ chất thải rắn nguy hại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đạt 100%.