Ngoài ra, trình độ, nhận thức của nông dân về bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế; việc quá lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, kháng sinh, chất kích thích tăng trường, hóa chất bảo quản nông, lâm, thủy sản, chất thải chăn nuôi, giết mổ, tiêu hủy gia súc, gia cầm, chất thải làng nghề… đang làm cho vấn đề ô nhiễm môi trường nông nghiệp ngày càng nghiêm trọng.
Trên địa bàn tỉnh, với khoảng 257 nghìn ha diện tích đất canh tác cây trồng các loại thì lượng hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ ước sử dụng khoảng 180 nghìn tấn phân bón và 1.750 tấn hóa chất bảo vệ thực vật, ước phát sinh 219 tấn bao bì thuốc bảo vệ thực vật.
Sau khi sử dụng bao bì thuốc bảo vệ thực vật, người dân vẫn có thói quen vứt tùy tiện trên bờ ruộng, xuống mương, xuống suối đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường tự nhiên.
Bên cạnh đó, việc canh tác không theo quy trình sản xuất an toàn làm xuất hiện tồn dư lượng phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật và kích thích sinh trưởng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp gây ô nhiễm nguồn nước và suy thoái tài nguyên đất.
Hoạt động sản xuất của các làng nghề cũng có nguy cơ lớn gây nên sức ép về rác thải sinh hoạt, rác thải sản xuất và ô nhiễm tiếng ồn.
Giai đoạn 2016, 2020, trên địa bàn tỉnh có 10 nghề truyền thông và 01 làng nghề truyền thông, tỉnh đã triển khai dự án hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường nghề truyền thống đúc gang, nhôm tại ấp Trường Thọ, xã Trường Hòa, thị xã Hòa Thành; xây dựng mô hình xử lý chất thải thí điểm cho một số cơ sở, hộ sản xuất ngành nghề điển hình và định hướng nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh. Dự án “Điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường làng nghề; xây dựng kế hoạch giải pháp, lộ trình bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh”. Dự án lưu trữ rác tạm thời phục vụ cho nghề rèn truyền thống tại xã Gia Lộc với kinh phí hỗ trợ là 250 triệu đồng nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.
Nhận biết được tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện thành công cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng bền vững, thời gian qua công tác bảo vệ môi trường trong nông nghiệp, nông thôn được ngành quan tâm thực hiện.
Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã tổ chức được 616 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật hằng năm kết hợp lồng ghép tập huấn, hướng dẫn nông dân về kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn hiệu quả, thu gom tập trung bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
Xây dựng và trang bị 12 pano tuyên truyền hướng dẫn, xử phạt vi phạm hành chính trong công tác bảo vệ môi trường thuộc lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật tại một số vùng sản xuất trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.
Phối hợp Đài Truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố phổ biến các biện pháp xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường. Hướng dẫn người chăn nuôi và cơ sở giết mổ thực hiện đảm bảo vệ sinh môi trường.
Giai đoạn 2016-2020, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã trang bị 345 bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại một số vùng sản xuất tập trung trên địa bàn tỉnh; tổ chức thu gom và tiêu hủy 6.173 kg bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng theo quy định.
Ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các hộ chăn nuôi, giết mổ, chế biến, kinh doanh sản phẩm động vật thực hiện nghiêm các biện pháp xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường. Kết quả đã hỗ trợ xây dựng 93 công trình biogas, đệm lót sinh học cho các trang trại, hộ chăn nuôi nhằm cải thiện môi trường, cung cấp khí đốt, phân bón và xử lý mầm bệnh tồn dư, gây bệnh. Tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y và an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở giết mổ và cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm, kịp thời chấn chính và xử lý các trường hợp vi phạm.
Định kỳ hằng năm, lực lượng thú y đều tổ chức thực hiện các đợt tiêu độc, khử trùng chuồng trại và môi trường xung quanh, hướng dẫn các hộ và trang trại thu gom, xử lý chất thải nguy hại (như vỏ chai thuốc thú ý, thuốc sát trùng, vỏ vắc xin…nhằm phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi cũng như bảo vệ môi trường chăn nuôi, môi trường sinh thái. Tăng cường triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát việc xả chất thải chăn nuôi ra môi trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm sẽ góp phần bảo vệ môi trường chăn nuôi, môi trường sống của con người.
Ngành chức năng tổ chức 75 cuộc thanh, kiểm tra trên hồ Dầu Tiếng và sông Vàm Cỏ Đông về việc sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc trong khai thác thủy sản của người dân, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định. Thực hiện thả 38 triệu con cá giống các loại vào hồ Dầu Tiếng nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản và giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước, xử lý chất thải trong hồ.
Lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra tình hình phát triển ngành nghề nông thôn (nghề đúc gang, nghề rèn, chế biến tinh bột khoai mì, đậu hũ, bánh tráng,...) trên địa bàn tỉnh nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường khu dân cư.
Về công tác phát triển rừng, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã trồng được 553 ha rừng mới, đầu tư 1.048.000 cây giống các loại để trồng cây phân tán…Thông qua công tác trồng rừng, khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 16,1% năm 2015 lên 16,3% năm 2020.