Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninhhttps://sotttt.tayninh.gov.vn/uploads/logo-so_1.png
Thứ năm - 01/12/2022 16:451.0790
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, công tác thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải đã được Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện, thị xã, thành phố triển khai đồng bộ đến các đối tượng chịu phí bằng nhiều hình thức (bằng văn bản, thông qua các đoàn kiểm tra, các lớp tập huấn về bảo vệ môi trường); các tổ chức, cá nhân đã thực hiện việc kê khai nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải đầy đủ theo đúng quy định.
Theo phân công, phân cấp, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải của các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền phê duyệt hồ sơ môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh; UBND cấp huyện tổ chức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải của các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền phê duyệt hồ sơ môi trường cấp huyện.
Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản hướng dẫn Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã, thành phố trong công tác thẩm định, thu, nộp quản lý sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải theo đúng quy định tại Nghị định số 53/2020/NĐ-CP. Đối với các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng chịu phí, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản hướng dẫn cụ thể, đồng thời đăng tải đầy đủ các nội dung liên quan trên Cổng thông tin điện tử của Sở để các tổ chức, cá nhân biết và thực hiện.
Kết quả, tính từ đầu năm 2022 đến ngày 31/8/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận 166 tờ khai nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải của các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý; đã thẩm định ban hành 139 thông báo nộp phí; số phí đã thu được 6.125.559.499 đồng, đạt 249% so với dự toán giao thu (dự toán giao thu trong năm 2022: 2.500.00.000 đồng).
Qua rà soát các đối tượng phải kê khai và nộp phí đã thực hiện việc kê khai nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải đầy đủ theo đúng quy định.
Đối với cập huyện, theo báo cáo của 07/09 đơn vị, tổng số phí đã thu được 405.428.960 đồng.
Để đảm bảo việc thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải thuộc thẩm quyền của UBND huyện, thị xã, thành phố đồng bộ, hiệu quả, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức rà soát, tăng cường trong công tác thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải quản lý đúng theo quy định tại Nghị định số 53/2020/NĐ-CP. Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải
Nghị định 53/2020/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2020 quy định rõ, đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường là nước thải công nghiệp thải vào nguồn tiếp nhận nước thải theo quy định pháp luật và nước thải sinh hoạt, trừ trường hợp miễn thu phí theo quy định.
Trong đó, nước thải công nghiệp là nước thải từ các nhà máy, địa điểm, cơ sở sản xuất, chế biến (sau đây gọi chung là cơ sở) của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, bao gồm: Cơ sở sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, thực phẩm, rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá; cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại theo quy định pháp luật về chăn nuôi; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; cơ sở nuôi trồng thủy sản thuộc diện phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định; nhà máy cấp nước sạch, nhà máy điện; hệ thống xử lý nước thải tập trung tại khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, cảng cá, khu công nghệ cao và các khu khác…
Nước thải sinh hoạt là nước thải từ hoạt động của: Hộ gia đình, cá nhân; cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức khác; cơ sở rửa ô tô, rửa xe máy, sửa chữa ô tô, sửa chữa xe máy; cơ sở khám, chữa bệnh; nhà hàng, khách sạn; cơ sở đào tạo, nghiên cứu; cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác.
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thải nước thải quy định trên là người nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Trường hợp các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thải nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung và trả tiền dịch vụ xử lý nước thải cho đơn vị quản lý, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung theo cơ chế giá dịch vụ thì đơn vị quản lý, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung là người nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải theo quy định.
Mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cần áp dụng mức phí cao hơn, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định mức phí cụ thể cao hơn đối với từng đối tượng chịu phí.
Mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp: Cơ sở có tổng lượng nước thải trung bình trong năm dưới 20m3/ngày (24 giờ) áp dụng phí cố định tính theo khối lượng nước thải (không áp dụng mức phí biến đổi) như sau: Năm 2020, áp dụng mức phí 1.500.000 đồng/năm. Kể từ ngày 1/1/2021 trở đi, áp dụng theo biểu sau: Từ 10 đến dưới 20m3/ngày, có mức thu 4 triệu đồng/năm; Từ 5 đến dưới 10m3/ngày có mức thu là 3,5 triệu đồng/năm; dưới 5m3/ngày có mức thu là 2,5 triệu đồng/năm.
Đối với cơ sở sản xuất, chế biến có tổng lượng nước thải trung bình trong năm từ 20m3/ngày trở lên, mức phí tính theo công thức sau: F = f + C. Trong đó, F là số phí phải nộp. f là mức phí cố định 1.500.000 đồng/năm (kể từ ngày 1/1/2021 trở đi là 4.000.000 đồng/năm); trường hợp cơ sở bắt đầu hoạt động sau quý I, số phí phải nộp tính cho thời gian từ quý cơ sở bắt đầu hoạt động đến hết năm, mức phí cho 1 quý = f/4.
C là phí biến đổi, tính theo: tổng lượng nước thải ra, hàm lượng thông số ô nhiễm của từng chất có trong nước thải và mức thu đối với mỗi chất theo biểu dưới đây: Nhu cầu ô xy hóa học (COD), mức phí là 2.000 đồng/kg; Chất rắn lơ lửng (TSS), mức phí là 2.400 đồng/kg; Thủy ngân (Hg) có mức phí là 20 triệu đồng/kg; Chì (Pb) có mức phí là 1 triệu đồng/kg; Arsenic (As) có mức phí là 2 triệu đồng/kg và Cadimium (Cd) có mức phí 2 triệu đồng/kg.
Thông số ô nhiễm được xác định căn cứ vào quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với nước thải hiện hành. Trường hợp nước thải của cơ sở chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường tương ứng thì căn cứ vào thông số ô nhiễm có trong hồ sơ môi trường (hồ sơ đã được cơ quan quản lý nhà nước về môi trường phê duyệt, xác nhận). Lượng nước thải/ngày được xác định theo số liệu đo đạc thực tế hoặc kết quả thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường.