Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cùng chủ trì hội nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.
Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, tham dự có đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc – Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Tại hội nghị, báo cáo về công tác truyền thông chính sách, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, công tác truyền thông các chủ trương, đường lối, chính sách hiện nay được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng với phương châm truyền thông luôn phải đi trước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý hiệu quả đối với những xu hướng thông tin sai lệch bản chất, không có lợi cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh rất nhiều thành tựu về truyền thông chính sách thời gian qua, nhiều vấn đề cũng đã nảy sinh trong cách thức tổ chức lực lượng và đầu tư nguồn lực cho công tác này, dẫn đến nhiều tình huống một số cơ quan nhà nước còn bị động, lúng túng trong việc chủ động cung cấp thông tin chính sách hoặc thực hiện công việc này chưa thật sự hiệu quả.
Hệ thống báo chí, truyền thông (bao gồm cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước, các báo, đài, các trang thông tin điện tử tổng hợp hệ thống thông tin ở cơ sở, các phương thức truyền thông mới qua mạng xã hội, tin nhắn qua hệ thống viễn thông... ) cũng góp phần hết sức to lớn vào việc truyền đi kịp thời những thông điệp quan trọng trong chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Tất cả để nhằm mục tiêu “Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm”. Các cổng thông tin điện tử của cơ quan hành chính nhà nước đang hoạt động ngày một tốt hơn. Truyền thông chính sách giờ đây cũng được coi là phương thức quan trọng để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức chấp hành, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, tự giác chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc chủ trì hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.
Kết quả khảo sát do Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành tại 59 cơ quan là Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho thấy đại bộ phận các cơ quan đang thiếu bộ phận chuyên trách về truyền thông, với 40/59 cơ quan khảo sát chưa có đội ngũ truyền thông chuyên trách, chiếm tỷ lệ 68%.
Kết quả khảo sát sơ bộ cũng cho thấy đại bộ phận nhân lực làm công tác truyền thông ở cơ quan nhà nước chưa được chuẩn hóa, từ khâu tuyển dụng không có vị trí việc làm được thiết kế cho công tác này, cho tới bố trí nhiệm vụ, đào tạo và bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về truyền thông.
Từ thực tiễn khảo sát và kinh nghiệm truyền thông chính sách của các nước, Bộ Thông tin và Truyền thông đề ra 5 giải pháp, kiến nghị để nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
Các đại biểu tập trung thảo luận về các nhóm vấn đề nâng cao nhận thức, hoàn thiện thể chế để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, nội dung hình thức hiệu quả của công tác này hiện nay, tổ chức bộ máy và nguồn lực thực hiện công tác truyền thông; trách nhiệm, nhiệm vụ chính trị của các cơ quan hành chính, báo chí trong truyền thông chính sách đến người dân…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính thống nhất cao với mục tiêu của hội nghị, làm sao mọi chính sách phải đến được với người dân, theo tinh thần dân là gốc, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và thụ hưởng”, góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo quản lý điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nhằm thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đánh giá vai trò quan trọng ý nghĩa của công tác truyền thông chính sách tạo ra nguồn lực lớn, sự đồng thuận cao trong xã hội, Thủ tướng khẳng định “Công tác truyền thông không tốt thì cuối cùng cũng chẳng làm được, hiệu quả không cao”.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, để thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách không phải chỉ có quyết tâm mà cần có phương pháp, cách làm, bối cảnh, nội dung khoa học, nghệ thuật. Chính sách được ban hành phải được triển khai, đánh giá, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, góp phần giáo dục pháp luật, xây dựng niềm tin của người dân đối với Chính phủ.
Khẳng định công tác truyền thông chính sách là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng lưu ý, song song với tăng cường thông tin chính thống kịp thời cần đấu tranh với thông tin xấu độc; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong công tác truyền thông, để từ nhận thức chuyển sang hành động, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới; ứng phó hiệu quả phù hợp với vấn đề mới phát sinh.
Sau khi phân tích, làm rõ những hạn chế và nguyên nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị truyền thông chính sách phải được thực hiện trước, trong, sau khi ban hành chính sách, có đánh giá tác động của chính sách; tạo cơ chế, điều kiện để doanh nghiệp, tổ chức, người dân góp ý, với tinh thần xây dựng chính sách lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, thúc đẩy tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, xây dựng lối sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của cơ quan báo chí trong truyền thông chính sách gắn với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng đối với việc phản bác các luận điệu sai trái, thù địch; khuyến khích đổi mới sáng tạo về nội dung, hình thức, cách làm để chuyển tải thông tin đơn giản, dễ hiểu, dễ nghe, dễ làm, dễ thực hiện, dễ giám sát, dễ kiểm tra, dễ đánh giá.
Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp thu các ý kiến hoàn thiện chỉ thị của Thủ tướng về truyền thông chính sách để triển khai thực hiện hiệu quả hơn công tác này trong thời gian tới.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 94 Đài Truyền thanh cấp xã đang hoạt động, sử dụng và tồn tại song song hai hệ thống truyền thanh gồm: 17 hệ thống truyền thanh FM vô tuyến (không dây), 77 hệ thống truyền thanh FM hữu tuyến (có dây). Trong đó, Tây Ninh có 50 đài truyền thanh sử dụng đồng thời hệ thống truyền thanh, phát thanh công nghệ cũ và hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT-VT, chiếm tỷ lệ khoảng 53,2% tổng số Đài truyền thanh cơ sở.
Những năm qua, hệ thống truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã phát huy tốt vai trò, chuyển tải kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và của tỉnh đến Nhân dân.
|