Tây Ninh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, được xem là một trong những tỉnh giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tây Ninh là tỉnh đầu mối và là cửa ngõ giao thông về đường bộ quan trọng phía Tây Nam của Việt Nam; có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng của quốc gia; là đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ - thương mại - du lịch của các nước tiểu vùng sông Mêkông, có vị trí địa lý nằm trong trục không gian phát triển chính của vùng: trục dọc có tuyến cao tốc đường Hồ Chí Minh (đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây) đi qua, trục ngang có tuyến đường Xuyên Á (thành phố Hồ Chí Minh –cửa khẩu Mộc Bài), quốc lộ 22B và quốc lộ 22B kéo dài.
Cách TP. HCM 99km về phía Tây Bắc theo quốc lộ 22, Tây Ninh nằm ở vị trí cầu nối giữa TP. HCM và thủ đô Phnôm Pênh (Vương quốc Campuchia); phía Tây và Tây Bắc giáp vương quốc Campuchia, phía Đông giáp tỉnh Bình Dương và Bình Phước, phía Nam giáp TP. HCM và tỉnh Long An; có sự chuyển tiếp giữa vùng núi và cao nguyên Trung bộ xuống đồng bằng sông Cửu Long;
Sau 8 năm tổ chức triển khai đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo Quy hoạch tổng thể giao thông vận tải tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân được an toàn, thuận lợi, dễ dàng.
Tuy nhiên, do có nhiều yếu tố khách quan thay đổi, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, định hướng phát triển đô thị, phát triển du lịch của tỉnh; đặc biệt là các khâu đột phá của tỉnh, trong đó có đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là Hạ tầng giao thông (hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy chưa được kết nối đồng bộ, để khai thác có hiệu quả cao, phù hợp với định hướng phát triển…); Các quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ GTVT chủ trì lập, đến nay Thủ Tướng Chính phủ đã phê duyệt 4 Quy hoạch, gồm: Quy hoạch mạng lưới đường bộ, Quy hoạch mạng lưới đường sắt, Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa, Quy hoạch hệ thống cảng biển...do đó, cần thiết phải rà soát, quy hoạch ngành cho phù hợp với các quy hoạch của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải; đồng thời, các địa phương đề nghị điều chỉnh vị trí, hướng tuyến của một số tuyến đường tỉnh, đường huyện, bến xe khách so với quy hoạch được duyệt cho phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương.
Để đảm bảo cho quá trình đầu tư phát triển mạng lưới giao thông vận tải đạt hiệu quả cao và khắc phục những hạn chế đang tồn tại, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, UBND tỉnh phê duyệt Đề án rà soát thực hiện quy hoạch và định hướng phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Đề án, đến đến năm 2030, Tây Ninh hoàn thành các tuyến giao thông kết nối Tây Ninh với Vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, như: cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, cao tốc Gò Dầu - Xa Mát, đường Hồ Chí Minh; chuyển cấp các tuyến đường địa phương thành quốc lộ theo quy hoạch và từng bước đầu tư nâng cấp mở rộng đạt tiêu chuẩn quy hoạch các tuyến QL.22C, QL.56B, QL.14C.
Cùng với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Long An, thành phố Hồ Chí Minh từng bước đầu tư các tuyến mới kết nối giữa hai địa phương hoặc cải tạo, nâng cấp các tuyến hiện hữu đảm bảo yêu cầu phát triển KTXH.
Bổ sung các công trình cầu vượt sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn kết nối thuận lợi giữa hai bờ.
Nối thông các tuyến, phá thế chia cắt tự nhiên bởi sông, rạch, kênh thuỷ lợi, tạo mạng lưới liên hoàn, thông suốt. Đầu tư, nâng cấp, mở rộng đạt tiêu chuẩn quy hoạch các tuyến trục dọc và trục ngang, đảm bảo kết nối thuận lợi, an toàn và đáp ứng nhu cầu phát triển. Tập trung nâng cấp mặt đường, tăng cường hệ thống an toàn giao thông, xử lý các điểm đen, cải tạo nâng cấp các cầu yếu.
Nâng cao năng lực vận tải đường thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh; phát triển hệ thống cảng hành khách để khai thác vận tải hành khách du lịch đường thuỷ nội địa, kết hợp du lịch sinh thái.
Xã hội hoá đầu tư phát triển cảng, bến thuỷ nội địa, các công trình phục vụ dịch vụ vận tải, như Bến xe, trạm dừng nghỉ, trạm dừng chân. Đảm bảo các huyện, thị xã, thành phố điều có bến xe. Đầu tư các trạm dừng nghỉ, trạm dừng chân tại các trục giao thông chính, phục vụ phát triển du lịch.
Đến năm 2050, phấn đấu hoàn thiện mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, đảm bảo sự kết nối và phát triển hợp lý giữa các phương thức vận tải. Chất lượng vận tải và dịch vụ được nâng cao, đảm bảo thuận tiện, an toàn, chi phí hợp lý.