Đường mòn trên biển

Thứ sáu - 29/07/2022 10:58 902 0
Thật tình mà nói giai đoạn thập niên 80, chúng tôi vừa tốt nghiệp trung học phổ thông, lứa bạn bè chúng tôi lần lượt đứa đi học chuyên nghiệp, đứa vào bộ đội, đứa đi làm mưu sinh kiếm sống giúp đỡ gia đình, nhưng lứa chúng tôi có chung sở thích là rất thích tìm đọc các sách viết về cuộc chiến hào hùng mà cha anh chúng ta vừa cầm súng trải qua chiến tranh giữ nước tàn khốc và oanh liệt để thống nhất nước nhà.
“ Đường mòn trên biển ” của tác giả Nhà báo Tư Đương (tên thật Nguyễn Văn Đương), nguyên phóng viên Báo Quân đội nhân dân, là một trong những nhà báo đầu tiên viết về cán bộ, chiến sĩ, thủy thủ làm nhiệm vụ trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển – con đường huyền thoại được tạo bởi những chiến tích huyền thoại và những con người dũng cảm, gan dạ và mưu trí một cách… huyền thoại. Ông đã viết “ Đường mòn trên biển ” theo kiểu Ký sự, với trên 300 trang, được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản lần đầu năm 1986 mà tôi được đọc.
Ký sự “ Đường mòn trên biển” của nhà báo Nguyễn Tư Đương đã tạo ấn tượng thật sâu sắc đối với tôi. Tìm lại trong tủ sách- tàng thư gia đình, dù trải qua 35 năm, tuy bìa sách đã sờn do năm tháng, do thời tiết nhiệt đới nóng ẩm, nhưng tôi vẫn nhớ nó được cất ở vị trí nào vì đây sách được tôi rất yêu thích, và trở thành cuốn sách theo tôi mãi trong suốt quá trình công tác, hoặc nói cách khác là từ tuổi thanh xuân cho đến khi sắp tuổi nghỉ hưu. Trong hoạt động chuyên môn đến công tác điều hành quản lý, sách đã giúp tôi nhiều về nhân sinh quan trong cuộc sống, giúp tôi từ tư tưởng lập trường thái độ trong quá trình làm việc cho đến ngày hôm nay và cho mãi mai sau.
Qua ký sự “Đường mòn trên biển” tác giả Tư Đương cho chúng ta cảm nhận rất thật về nỗi khó khăn gian khổ cực kỳ nguy hiểm trong từng mỗi chuyến đi của các con tàu không số, nỗi hy sinh mất mát của cán bộ, chiến sĩ, thủy thủ nhưng những “ thủy thủ ngư dân” đó đã có những mưu trí tuyệt vời, thông minh sắc sảo và dũng cảm một cách lạ thường, đều xác định chấp nhận “quyết tử để tổ quốc quyết sinh”.
Chúng tôi mê mẫn với cách mô tả của tác giả, dù viết về biển đêm, ông đã cho ta cảm nhận ánh sáng các chòm sao tỏa nhiệt như thế nào, qua đó ông cho thấy niềm tin thắng lợi vào tương lai. Ông viết: “ Đêm khuya. Những chòm sao lưa thưa, tỏa ánh sáng lạnh trên mặt biển. Ánh sáng chỉ đủ nhìn rõ bàn tay của mình, nhưng cũng đủ để cảm thấy những nụ cười đang nở trên khuôn mặt khắc khổ của bạn bè ”. Với cảnh hoàng hôn trên biển, ông viết “ …mặt trời là quả cầu màu lửa từ từ rơi xuống sát mép nước tạo ánh sáng huyền diệu thay đổi từng giây, đám mây lung linh như dát vàng, biển giống tấm Sa-tanh khổng lồ từ từ tím sẫm chuyển sang màu đen mịn màng…Từ mặt trời đến mắt người nối liền một vệt sóng lấp lánh như khảm xà cừ và để rồi một thủy thủ của chúng ta reo lên : Thấy không anh Hai! Kỳ lạ chưa, giây phút tận cùng của muôn màu sắc.
Như thế đấy! những người con quê biển như tôi, càng nhớ biển nhớ quê da diết qua từng trang sách, càng đọc càng mong sớm đến phép năm để tranh thủ về quê ngắm biển đêm và đi ngắm cảnh hoàng hôn bên biển.
“ Đường mòn trên biển ” đã viết rất thật mọi sự kiện, kể cả bị thất bại ! Điều quý giá là giúp cho mỗi chúng ta là rút ra bài học thất bại cho các sai lầm chủ quan, nắm tình hình không tốt, tổ chức thiếu thận trọng… khi viết về thất bại ở Vũng Rô tháng 2-1965. Vụ việc Tàu 143 làm lộ con đường vận tải chiến lược. Tàu 143 được lệnh vận chuyển vũ khí vào sâu Nam Bộ, khi đi được quá nửa đường thì gặp địch theo sát, không thể hành trình tiếp. Lẽ ra tàu quay trở lại miền Bắc thì lại được trên yêu cầu vào bến Vũng Rô, chuyển toàn bộ vũ khí cho Khu 5. Việc mở bến đưa hàng vào Khu 5 một cách ào ạt, rộng rãi, nhưng việc giáo dục ý thức bảo mật của bến lại chưa kỹ càng nên bị lộ là không tránh khỏi. Vì thế chúng ta cần chuẩn bị kỹ càng đến tiểu tiết khi thực hiện bất cứ công việc nào để tránh thất bại.
Có một chi tiết trong sách làm cho tôi được một số anh em đồng nghiệp trong cơ quan khen khiến mình cũng vừa tự hào vừa vui mừng đến phỗng cả mũi ! “ Này! ông đọc đâu ra xuất xứ tên đảo Nguyễn Phan Vinh mà kể như bách khoa thư vậy hả ông thánh mọt sách !? ”
Vâng, khi lần đầu nghe một báo cáo viên sinh hoạt tình hình biển đảo, báo cáo viên có nhắc đến tên của một trong những hòn đảo của quần đảo Trường Sa mang tên Nguyễn Phan Vinh. Lúc giải lao tôi được anh em bạn bè hỏi Nguyễn Phan Vinh là ai mà được đặt tên cho đảo ? như được chực chờ nói từ lâu, tôi vội trả lời một lèo trôi chảy : Nếu trong anh em mình, ai đã đọc “ Đường mòn trên biển ” sẽ biết ngay một sự kiện bi hùng được tác giả Nguyễn Tư Đương thuật lại từng chi tiết hồi hộp mà người đọc như đang được xem bộ phim hoặc như cùng có mặt trong cuộc, đó là sự kiện tàu 235 rời bến Đồ Sơn, ngày 27-2-1968. Sau 2 ngày đêm hành quân trên vùng biển quốc tế, tàu đến ngang vùng biển Nha Trang thì bị quân địch phát hiện. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh nhận định tàu đã bị lộ nên ngụy trang, chờ đêm tối để chuyển hướng vào bờ, đồng thời chuẩn bị thả hàng và sẵn sàng chiến đấu. Đêm 29-2-1968, quân địch dàn trận 7 tàu chiến, triển khai đội hình bao vây nhằm bắt sống tàu 235. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã lệnh cho các thủy thủ thả khói mù, điều khiển tàu lách qua đội hình địch để vào bờ. Đội tàu chiến của địch điên cuồng khép chặt vòng vây, với sự yểm trợ của máy bay trực thăng. Cuộc chiến không cân sức đã diễn ra quyết liệt, nhiều thủy thủ trên tàu 235 đã bị thương, máy tàu hỏng nặng. Nguyễn Phan Vinh lệnh cho tất cả thủy thủ bơi vào bờ trước, còn mình ở lại cùng thợ máy Ngô Văn Thứ, điểm hỏa khối thuốc nổ hủy tàu rồi nhảy xuống nước bơi vào bờ. Cột lửa bùng lên từ tàu 235, sức nổ dữ dội chấn động cả vùng biển, hất tung một nửa thân tàu 235 lên triền núi Bà Nam.
Sau giây phút hoảng loạn, quân địch điều thêm máy bay và gọi pháo bắn dọn đường, chúng đổ bộ lên bờ bao vây. Cuộc chiến diễn ra vô cùng ác liệt, Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và đồng đội đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, dũng cảm hy sinh. Tôi vanh vách như đang cầm cuốn sách đọc suông một mạch. Vậy từ đó tôi tự nhũ là ít ra đọc được nhiều sách để tích lũy chút vốn liếng lịch sử cũng làm cho bạn bè nhìn mình có chút nể phục phải không nè !
Con đường Hồ Chí Minh trên biển trở nên huyền thoại, huyền thoại một các lạ kỳ là thế.Trong mỗi chuyến đi ấy tác giả cho chúng ta thấy mỗi lớp sóng, mỗi hòn đảo, mỗi cửa biển, mỗi khe lạch đều được chứng kiến sức mạnh của ý chí giải phóng miền Nam, chứng kiến trí tuệ và tài năng, tinh thần gan góc táo bạo phi thường, chứng kiến sự đoàn kết nhất trí muôn người như một của quân và dân ta.
Vâng, đọc ký sự “Đường mòn trên biển” càng làm cho chúng ta càng mê say, như coi thước phim hay, được thấy các hình ảnh sống động đầy dũng cảm mưu trí và rất đỗi hào hùng, giúp chúng ta trong những tình huống gian nan khó khăn cần giữ vững niềm tin để vượt qua giành lấy thắng lợi, biết giải quyết các sự cố một cách bình tĩnh. Khi viết về những con tàu không số chở vũ khí chi viện cho cách mạng miền nam, sau những ngày giông bão, tàu đã đi được hơn nghìn hải lý, thì gặp một tai họa hết dầu giữa biển! Đọc đến đây thì cũng vừa hết trang, chưa biết sang trang thì số phận con tàu sẽ như thế nào ? không vội đọc tiếp, cứ để con tim hồi hộp với nhiều suy nghĩ miên man thì ngay bắt đầu dòng trên cùng, tác giả bất ngờ cho ta bài học, ông viết “ Con người tầm thường, đứng trước tai biến thường suy nghĩ cứu lấy bản thân trước đã. Anh em thủy thủ của chúng ta đã vượt lên được những suy nghĩ bản năng đó. Trong gian nan họ càng tin nhau, cùng nhau phấn đấu. Trong tình huống như tuyệt vọng này, họ vẫn tiếp cho nhau niềm hy vọng.”
Những gì đọc được trong “ Đường mòn trên biển ”, tôi cũng đã nhủ lòng mình rằng lịch sử có thể không ghi hết được sự hy sinh to lớn và thầm lặng của thế hệ cha anh trên các con tàu vận chuyển vũ khí vào miền nam, góp phần thắng lợi giải phóng quê mình thống nhất đất nước, nhưng với cách viết ký sự trong từng câu chuyện, cũng đủ làm lay động muôn triệu trái tim, cách viết của tác giả kể về những con tàu thuở ban đầu vượt biển từ miền Nam ra miền Bắc nhận vũ khí, đạn dược, rồi hành trình trở lại miền Nam. Đúng như tác giả Tư Đương nói: "Tôi rất xúc động và cảm phục những cán bộ, thủy thủ, những người con quê hương miền Nam khi họ tâm sự, ngoài mong muốn đưa được vũ khí về miền Nam, khi ra miền Bắc, họ còn mong mỏi được gặp Bác Hồ ! ” . Thật không ngoa khi nói tình yêu của chiến sĩ đồng bào đối với Bác Hồ - với lãnh tụ cha già dân tộc của chúng ta chỉ có ở đất nước Việt Nam hình cong chữ S anh hùng giàu truyền thống đấu tranh vẻ vang giữ nước chúng ta mà thôi.
“Đường mòn trên biển ” huyền thoại cùng “ Đường Trường Sơn- Đường Mòn Hồ Chí Minh mãi mãi đi vào lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam như một kỳ tích của thế kỷ XX ”
Vâng, tác giả kết thúc ký sự trên 300 trang của mình bằng những dòng viết như trên làm cho tôi biết ơn ông , nhờ ông đã cho chúng ta thấy được sức mạnh của ý chí giải phóng miền Nam, chứng kiến trí tuệ và tài năng, tinh thần gan góc táo bạo phi thường, chứng kiến sự đoàn kết nhất trí muôn người như một của quân và dân ta.
Ngước mặt nhìn lên trời xanh tôi thầm cảm ơn ông đã cho tôi biết say mê đọc sách và đôi khi còn nghiện đọc những ký sự và các loại sách khác nữa
Tháng bảy năm nay ngồi nơi đây cảm nhận về tác phẩm hay của Ông, càng xúc động khi được biết cũng trùng với tháng bảy của bốn năm về trước Ông đã về với tổ tiên, an nghỉ cõi vĩnh hằng vào một ngày tháng 7 năm 2018. TÔI NHỚ ÔNG.
Trần Thung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Hộp thư điện tử Tây Ninh
CÔNG KHAI, MINH BẠCH
Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Tây Ninh lần thứ II - năm 2022
Họp không giấy
Tôn chỉ mục đích các cơ quan báo chí
Công báo tỉnh Tây Ninh
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM
Danh sách người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
Hướng Dẫn Dịch Vụ Công
Danh sách phóng viên thường trú địa bàn Tây Ninh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập11
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm8
  • Hôm nay623
  • Tháng hiện tại121,805
  • Tổng lượt truy cập18,488,676
Tra cứu hồ sơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây