Tại Việt Nam, số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho thấy, hiện cả nước phát hiện khoảng 250.000 người nhiễm HIV trong cộng đồng. Năm 2023, cả nước ghi nhận 13.445 trường hợp dương tính HIV mới; 1.623 ca tử vong. Trong đó, tỉ lệ nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) trẻ tuổi đang tăng lên một cách đáng lo ngại. Hiện nay, trên toàn quốc, tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm này chiếm xấp xỉ 60% số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện. Thậm chí, có những địa phương báo cáo tới hơn 80% người nhiễm HIV được phát hiện trong năm 2023 là nhóm quan hệ tình dục đồng giới.
Theo Bộ Y tế, dịch HIV/AIDS đang lây lan nhanh tại khu vực phía Nam và các thành phố lớn nơi tập trung nhiều khu công nghiệp và các trung tâm giáo dục. Nguy cơ lây nhiễm HIV khó kiểm soát trong nhóm MSM do hành vi quan hệ tình dục không an toàn.
Cùng đó, là việc gia tăng tỉ lệ nhiễm HIV qua đường tình dục, hành vi nguy cơ của các nhóm nguy cơ cao ngày càng phức tạp như sử dụng ma túy tổng hợp, quan hệ tình dục tập thể,… khả năng tiếp cận triển khai can thiệp khó. Điều đáng lưu ý là hiện nay người nhiễm HIV vẫn còn nhiều rào cản, đặc biệt tình trạng phân biệt đối xử vẫn còn trong cộng đồng.
Đẩy mạnh chương trình can thiệp giảm hại, nhằm ngăn chặn lây nhiễm HIV trong nhóm thanh niên và MSM, Việt Nam là nước thứ 3 trên thế giới thực hiện chiến dịch K=K và là nước đầu tiên ở châu Á đi tiên phong trong chiến dịch này. Lễ khởi động Chiến dịch Truyền thông Quốc gia về Không phát hiện bằng Không lây truyền (K=K) được bắt đầu vào năm 2019. Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên trong các nước PEPFAR ban hành Hướng dẫn truyền thông về K=K nhằm khuyến khích tất cả những người có nguy cơ đi xét nghiệm HIV với mục đích điều trị sớm bằng thuốc kháng virus cho những người HIV và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) với mục đích dự phòng cho những người âm tính với HIV.
Sự kết hợp của PrEP và K=K sẽ thúc đẩy nhanh hơn việc kết thúc đại dịch vào năm 2030 như mong muốn. PrEP để dự phòng lây nhiễm HIV ở người có nguy cơ cao chưa bị nhiễm HIV, giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV. PrEP (Dự phòng trước phơi nhiễm HIV) sử dụng thuốc kháng virus (ARV) để dự phòng lây nhiễm HIV ở người có nguy cơ cao chưa bị nhiễm HIV, giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV. PrEP bao gồm việc dùng thuốc kháng virus hay chất ức chế men sao chép ngược nucleoside của HIV (NRTI) để ngăn chặn sự phát triển của virus HIV trong cơ thể người dùng.
Trước khi bắt đầu sử dụng PrEP và tối thiểu 3 tháng/lần trong thời gian điều trị bằng thuốc, người tham gia điều trị sẽ phải xét nghiệm HIV và có kết quả âm tính. Nếu đã tiếp xúc với HIV hoặc có các triệu chứng cấp tính, người bệnh sẽ phải đợi để chắc chắn rằng mình có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi tiếp tục dùng thuốc PrEP. Không được dùng PrEP cho những người đang mắc HIV. Hiện nay trên thế giới có hai loại gồm thuốc uống và PrEP dạng tiêm. Tại Việt Nam, PrEP dạng uống đang được sử dụng tại 26 địa phương.
Còn K=K, là khi người nhiễm đang sống chung với HIV, nếu tuân thủ điều trị ức chế vi-rút bằng thuốc kháng virus tốt, sẽ đạt duy trì tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện, thì không có nguy cơ làm lây truyền HIV sang cho người khác. Chiến dịch PrEP và K=K, giúp cho những người nhiễm HIV cải thiện cuộc sống và tăng tốc mục tiêu kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.
Việt Nam đã triển khai chiến lược sử dụng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) cho 65 nghìn người (năm 2023). Duy trì hơn 70% người dùng PrEP trong ba tháng. Bên cạnh đó, triển khai PrEP với nhiều mô hình linh hoạt, đa dạng để đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khác nhau. Mô hình Phòng khám toàn diện và thân thiện OSS cũng được triển khai và mở rộng mang lại dịch vụ phòng ngừa toàn diện cho người sử dụng PrEP. Với những nỗ lực và kết quả triển khai trong thời gian qua, Việt Nam dẫn đầu châu Á-Thái Bình Dương về PrEP và K=K.
Mặt khác tỷ lệ thanh thiếu niên nhiễm HIV tăng lên là do lối sống, suy nghĩ phóng khoáng trong quan hệ nam nữ. Đặc biệt, nhóm MSM có nguy cơ lây nhiễm cao do không sử dụng biện pháp an toàn, quan hệ tình dục qua hậu môn, có nhiều bạn tình, thậm chí còn sử dụng chất kích thích, ma túy khi quan hệ, do đó gia tăng tình trạng lây nhiễm.
Bên cạnh việc tăng cường công tác can thiệp, giảm hại, cần có biện pháp trang bị kiến thức đầy đủ cho nhóm đối tượng thanh thiếu niên để giảm hành vi nguy cơ thì số người nhiễm mới sẽ tiếp tục tăng lên.Công tác phòng, chống HIV trong mỗi giai đoạn khác nhau, tập trung vào những đối tượng khác nhau, do đó với trẻ vị thành niên, đang trong quá trình trưởng thành cần những kỹ năng, biện pháp để tự bảo vệ bản thân trước những hành vi nguy cơ. Nếu không được giáo dục, tuyên truyền thường xuyên thì sẽ khiến tình trạng nhiễm HIV trong nhóm đối tượng này ngày càng tăng.
Việc phòng, chống HIV cho thanh thiếu niên ở trường học giữ vai trò quan trọng nhất vì học sinh, sinh viên. Đây là môi trường trang bị cho họ kiến thức, kỹ năng sống cần thiết để bảo vệ và phát triển bản thân, trong đó có các biện pháp phòng, chống HIV. Nhà trường nên thường xuyên đổi mới nội dung, chương trình để truyền thông phòng chống HIV chính xác, đầy đủ, sâu rộng và toàn diện, để góp phần hướng tới mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030 và thực hiện thắng lợi các mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS.