Tổ chức thực hiện Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em

Thứ ba - 23/02/2021 11:00 1.060 0
Ngày 19/02/2021, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch số 461/KH-UBND tổ chức thực hiện Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

​Kế hoạch nhằm xác định cụ thể trách nhiệm của các sở, ban, ngành và địa phương trong việc tổ chức thực hiện có hiệu quả Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (Công ước ACTIP), góp phần hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả phòng, chống mua bán người có tổ chức xuyên quốc gia và các loại tội phạm có liên quan. Xác định nội dung, lộ trình nội luật hóa các quy định của Công ước ACTIP phù hợp với Hiến pháp, pháp luật, chính sách và điều kiện của Việt Nam; bảo đảm các yêu cầu về đối nội, đối ngoại, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của quốc gia thành viên Cộng đồng ASEAN trong phòng, chống buôn bán người; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân; góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Kế hoạch tập trung tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước ACTIP và các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người. Trong đó, tập trung vào các quy định về phòng ngừa mua bán người, bảo vệ nạn nhân bị mua bán, thực thi pháp luật, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi mua bán người, hợp tác, điều phối quốc tế và khu vực nhằm thống nhất nhận thức, nâng cao trách nhiệm, năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, quản lý, cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống mua bán người ở các sở, ban, ngành, địa phương và người dân, phù hợp với từng đối tượng, giới tính, độ tuổi, nghề nghiệp, trình độ dân trí, đặc điểm của từng địa phương để chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện các hành vi mua bán người. Cùng với đó, rà soát, nghiên cứu tính tương thích giữa các quy định của pháp luật Việt Nam với nội dung Công ước ACTIP để đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật về phòng, chống mua bán người phù hợp với quy định của Công ước. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Phòng, chống mua bán người, Luật Tương trợ tư pháp, Luật Điều ước quốc tế, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật Trẻ em, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và các văn bản pháp luật khác có liên quan bảo đảm phù hợp với các quy định của Công ước ACTIP, gắn với kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về phòng, chống mua bán người. 

Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, xác định nạn nhân bị mua bán và chuyển tuyến để thực hiện các chế độ hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ và bí mật thông tin về nạn nhân theo quy định của pháp luật. Bảo đảm chỗ ở tạm thời cho nạn nhân bị mua bán, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em được bảo vệ, hỗ trợ để phục hồi thể chất, tâm lý, xã hội và tái hòa nhập cộng đồng, huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội và các doanh nghiệp. Nghiên cứu xây dựng và thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật để bảo đảm nhanh chóng trong việc thực hiện các hoạt động giải cứu, bảo vệ, phục hồi, hồi hương và tái hòa nhập cộng đồng đối với nạn nhân bị mua bán. Bảo đảm cho nạn nhân bị mua bán sử dụng ngôn ngữ mà họ hiểu được; thông tin về các quyền và lợi ích hợp pháp của họ, tạo điều kiện để họ tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, bảo đảm quyền bào chữa của nạn nhân bị mua bán phù hợp với Công ước ACTIP. Triển khai khẩn trương việc xác định nạn nhân, đặc biệt là tuổi của nạn nhân để bảo đảm cung cấp các dịch vụ phù hợp. Trong trường hợp chưa chắc chắn về độ tuổi nhưng nếu nạn nhân có khả năng là trẻ em thì cần coi nạn nhân đó là trẻ em và quy trình xác định nạn nhân, phỏng vấn cần áp dụng đầy đủ các nguyên tắc và quy định của pháp luật trong nước, phù hợp với pháp luật quốc tế về quyền trẻ em, nhất là Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Xây dựng các chương trình giúp nạn nhân bảo đảm sinh kế, bao gồm giáo dục căn bản, tập huấn về kỹ năng đặc biệt cho nạn nhân là phụ nữ. Cải thiện khả tiếp cận với các cơ hội và hoạt động giáo dục cho trẻ em để nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người và tăng tỷ lệ trẻ em đến trường, đặc biệt là trẻ em gái. Xây dựng chương trình để bảo đảm cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp, phục hồi và tái hòa nhập cho nạn nhân bị mua bán. Chương trình này cần áp dụng cách tiếp cận đa ngành, lấy nạn nhân là trung tâm khi cung cấp gói dịch vụ toàn diện cho nạn nhân như: Hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại, y tế, tâm lý, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn cũng như nâng cao nhận thức nhằm phòng tránh kỳ thị và phân biệt đối xử với nạn nhân khi họ hồi hương.

Bên cạnh đó, tăng cường nỗ lực để điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người, nhất là các nhóm tội phạm có tổ chức tham gia vào hoạt động mua bán người; áp dụng các biện pháp thích hợp như phong tỏa tài sản, áp dụng hình phạt tương xứng với tính chất và mức độ nghiêm trọng của loại tội phạm này. Áp dụng hiệu quả các phương pháp điều tra và các biện pháp cần thiết khác để thu thập chứng cứ phục vụ công tác truy tố trong các vụ án mua bán người, kể cả trong trường hợp các nạn nhân không cung cấp lời khai của mình. Điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tham nhũng, rửa tiền; những người tham gia, tạo điều kiện hoặc cản trở hoạt động tư pháp liên quan đến phòng, chống mua bán người theo đúng quy định của pháp luật trong nước phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Tăng cường năng lực cho điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, cán bộ quản lý xuất, nhập cảnh, Bộ đội Biên phòng, lực lượng Kiểm lâm, thanh tra lao động tham gia vào các hoạt động phòng, chống mua bán người. Nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội trên các lĩnh vực như: Cư trú; hộ tịch; hoạt động du lịch; du học; xuất khẩu lao động; cho, nhận con nuôi; kết hôn với người nước ngoài; hiến, tặng mô, tạng; biên giới; cửa khẩu...để phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh xử lý tội phạm có hiệu quả.
Tiếp tục xây dựng các đề án nghiên cứu về hoạt động điều tra tố tụng đặc biệt, hợp tác quốc tế trong điều tra hình sự; tăng cường ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế song phương, đa phương trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự và dẫn độ; ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về phòng, chống mua bán người với các nước ASEAN phù hợp với Công ước ACTIP. Tăng cường hợp tác trao đổi thông tin, giải quyết vụ việc mua bán người, truy bắt đối tượng phạm tội, giải cứu, bảo vệ, hỗ trợ và hồi hương các nạn nhân bị mua bán, chia sẻ kinh nghiệm và đào tạo nâng cao năng lực phòng, chống buôn bán người với các nước ASEAN. Nghiên cứu xây dựng hệ thống thông tin tổng hợp liên quan đến mua bán người và phương pháp trao đổi những thông tin đó với các quốc gia thành viên ASEAN nhằm mục đích xây dựng cơ sở dữ liệu của khu vực về mua bán người. Tổ chức nghiên cứu, khảo sát tình hình hoạt động tội phạm mua bán người, các đối tượng có liên quan và tìm hiểu chính sách, pháp luật tại các nước ASEAN, đặc biệt là một số nước có nhiều nạn nhân là công dân Việt Nam bị mua bán để xác định cơ quan đầu mối, cơ chế phối hợp trong trao đổi thông tin, giải quyết vụ việc mua bán người, giải cứu và hồi hương nạn nhân, bắt giữ đối tượng phạm tội. Tăng cường hợp tác và phối hợp giữa các quốc gia thành viên ASEAN trong điều tra, truy tố tội phạm mua bán người hoặc các hành vi phạm tội liên quan đến mua bán người, bao gồm: Rửa tiền, tham nhũng, đưa người di cư bất hợp pháp và các loại tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia.Tăng cường hợp tác với các cơ quan có liên quan của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế về phòng, chống mua bán người, bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em để nâng cao năng lực quốc gia trong đấu tranh phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán một cách có hiệu quả. Tăng cường phối hợp với các cơ chế, diễn đàn liên quan của ASEAN nhằm tạo điều kiện cho việc hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN trong đấu tranh phòng, chống buôn bán người, nhất là các Hội nghị quan chức cấp cao về tội phạm xuyên quốc gia, Nhóm công tác về buôn bán người và Hội nghị những người đứng đầu các đơn vị chuyên trách. Thúc đẩy hợp tác cùng có lợi với các đối tác của ASEAN và các tổ chức quốc tế, khu vực và tiểu khu vực có liên quan khác để đấu tranh phòng, chống mua bán người, vận động các đối tác và tổ chức có liên quan hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm tăng cường năng lực tập thể của cả khối và của mỗi quốc gia thành viên ASEAN trong lĩnh vực này.  Tích cực tham gia hoặc chủ trì tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo quốc tế nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về việc tổ chức thực hiện, đánh giá hiệu quả quá trình triển khai Công ước ACTIP với các quốc gia thành viên ASEAN.
Kế hoạch triển khai qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 2021 - 2022: Tổ chức tuyên truyền, tập huấn chuyên sâu về Công ước ACTIP và các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người cho người dân, các lực lượng chức năng của các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người, đặc biệt là các cơ quan tư pháp, Bộ đội Biên phòng, Kiểm lâm. Rà soát, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật về phòng, chống mua bán người phù hợp với quy định của Công ước ACTIP. Giai đoạn 2022 - 2025: Triển khai thực hiện các nhiệm vụ và tiến hành sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện Kế hoạch này.

Căn cứ nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch này, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan có liên quan có trách nhiệm ban hành Kế hoạch của cơ quan hoặc bổ sung, lồng ghép nhiệm vụ vào các Kế hoạch, đề án, chương trình…bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả khi thực hiện.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Hộp thư điện tử Tây Ninh
CÔNG KHAI, MINH BẠCH
Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Tây Ninh lần thứ II - năm 2022
Họp không giấy
Tôn chỉ mục đích các cơ quan báo chí
Công báo tỉnh Tây Ninh
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM
Danh sách người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
Hướng Dẫn Dịch Vụ Công
Danh sách phóng viên thường trú địa bàn Tây Ninh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập10
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm8
  • Hôm nay1,220
  • Tháng hiện tại122,402
  • Tổng lượt truy cập18,489,273
Tra cứu hồ sơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây