Dẫu vậy, trong “gia tài” sách khiêm tốn của tôi không phải là không có những quyển sách mà tôi đặc biệt trân trọng và gìn giữ đến tận bây giờ. Một trong số đó chính là quyển “Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin” của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia. Nghe đến tên sách các bạn suy nghĩ gì đầu tiên ạ? Có phải là quen thuộc, bất ngờ, trừu tượng, tò mò thích thú hay thậm chí nhiều bạn sinh viên còn cảm thấy một chút sợ nữa ạ. Tôi cam đoan các bạn đang có một trong những cảm xúc này và dù là với cảm xúc gì đi nữa thì tôi sẽ lý giải vì sao các bạn nên tìm đọc nó, còn đối với những bạn đã từng đọc, từng học qua thì cũng rất đáng để trải nghiệm lại sách một lần nữa nhưng không phải để thi lại hay học lại đâu ạ. Để các bạn hiểu hơn về vấn đề này, tôi xin được chia sẻ một câu chuyện của chính bản thân tôi.
“Giáo trình những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin” của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia phát hành, có kích thước 14.5 x 20.5cm, gồm 491 trang, xuất bản năm 2014. Bìa sách được thiết kế trang nhã đóng bìa mềm màu xanh lá cây dịu mắt. Cuốn sách gồm ba phần:
Phần I: Thế giới quan và phương pháp luận triết học của chủ nghĩa Mác – Lê-nin
Phần II: Học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác – Lê-nin về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa
Phần III: Lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin về chủ nghĩa xã hội.
Đối với tôi cũng như nhiều bạn sinh viên khác, một trong những kiến thức quan trọng, nền tảng được tiếp cận đầu tiên chính là môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin.
Các bạn biết không, bất kỳ quyển sách nào cũng có “linh hồn” của nó. “Linh hồn” ở đây tôi xin phép được đặt trong dấu ngoặc kép. Nó chính là thông điệp tác giả muốn gửi gắm đến người đọc. Bạn cảm thấy sách phù hợp với bạn vì bạn đồng cảm, bạn tìm thấy chính bản thân mình trong sách hay những điều mình muốn khám phá, trải nghiệm và vận dụng đang được chứa đựng trong sách. Thông điệp mà tôi muốn gửi đến các bạn trên hai khía cạnh sau đây.
Thứ nhất, tại sao các bạn nên đọc quyển sách này
Sinh thời, Bác Hồ đã chỉ ra rằng: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế… “Không có lý luận thì như nhắm mắt mà đi”.
Có thể thấy, trong mọi giai đoạn cách mạng, việc học tập lý luận chính trị nói chung và nắm vững những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác Lênin nói riêng đều có vai trò rất quan trọng.
Một người dù giỏi chuyên môn, nhưng không nắm chắc lý luận chính trị, “mù về chính trị” thì họ không rõ làm theo chủ nghĩa nào, đường lối nào, phục vụ ai, dễ dẫn đến mất phương hướng, kết quả thường thất bại.
Qua đó, giúp cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ, đảng viên trẻ như tôi và các bạn trang bị đầy đủ, toàn diện hơn, có sự hiểu biết sâu sắc hơn tri thức lý luận chính trị; giữ vững bản lĩnh chính trị; từ đó vận dụng vào thực tiễn cuộc sống và công việc, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch… Chính vì vậy, việc nghiên cứu giáo trình kết hợp với những định hướng từ thầy cô chính là một trong những kênh học tập, rèn luyện nhận thức lý luận chính trị cơ bản, hiệu quả mà các bạn cần quan tâm, chú trọng.
Điều thứ hai tôi muốn truyền tải đến với các bạn chính là hai từ “cảm hứng”
Hôm nay, tôi đến với cuộc thi này, chính là muốn nói với các bạn một điều rằng, không quan trọng sách ở lĩnh vực nào, chỉ cần các bạn tìm được nguồn cảm hứng, sự đồng điệu với sách hay đơn giản là sự gắn bó lâu dài với nó và khi bạn đặt tình cảm của mình vào trong đó thì chính điều đó sẽ khiến bạn tự giác đọc sách và say mê với sách.
Các đồng chí thân mến! Cuốn sách chứa đựng những kiến thức rộng lớn mà có thể nói bản thân tôi dành cả đời cũng chưa thể lĩnh hội trọn vẹn hay khám phá hết được tất cả. Tôi trân quý sách không chỉ trên phương diện học tập, nghiên cứu khoa học, lý luận mà sách đối với tôi thật sự như một người bạn đồng hành, tri kỷ trong suốt chặng đường sinh viên và cả quãng đường tương lai sau này.
Có thể với nhiều bạn, cuốn sách này rất bình thường như bao cuốn sách học thuật khác và khi hoàn thành môn học thì cuốn sách lại rơi vào lãng quên. Nhưng sau khi nghe được những thông điệp mà tôi vừa chia sẻ, điều tôi muốn truyền tải đến các bạn chính là nguồn cảm hứng cho những người đã, đang và sẽ tiếp cận với sách sẽ có những cách nhìn mới về sách để nó không là quá khó khăn hay trừu tượng. Riêng tôi sẽ luôn yêu quý sách và lưu giữ giá trị của nó bằng việc gửi tặng sách cho em trai tôi, người sắp bước vào giảng đường đại học, chuẩn bị viết nên những ước mơ, hoài bão, như một món quà tinh thần ý nghĩa nhất.
Và điều cuối cùng tôi muốn nói chính là “Hãy yêu quý và trân trọng sách theo cách của bạn”.
Nguyễn Thái Thịnh