Toàn cảnh Hội nghị
Hội nghị được tổ chức với mục tiêu phổ biến và hướng dẫn triển khai những nội dung cơ bản liên quan đến định hướng phát triển, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, an toàn thông tin trong lĩnh vực thông tin cơ sở giúp các địa phương thực hiện hiệu quả những chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng; định hướng chiến lược các chương trình, đề án phát triển thông tin cơ sở của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm khẳng định, công tác thông tin cơ sở là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Công tác thông tin cơ sở phải đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin, kiến thức cần thiết cho cuộc sống, lao động, sản xuất, kinh doanh của người dân trên các địa bàn dân cư ở xã, phường, thị trấn; đồng thời phải chủ động đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, xấu độc, xuyên tạc, góp phần củng cố sự đoàn kết, niềm tin và sự đồng thuận xã hội ở cơ sở và từ cơ sở.
Hệ thống thông tin cơ sở của chúng ta với đặc điểm quan trọng là thông tin đa dạng, phạm vi bao phủ rộng, thông tin trực tiếp đến người dân và được chỉ đạo, định hướng thống nhất từ trung ương đến cơ sở là điểm khác biệt rất lớn so với cách tổ chức thông tin cơ sở của hầu hết các nước trên thế giới.
Với cách thức tổ chức như vậy, nếu chúng ta sử dụng hệ thống thông tin cơ sở hiệu quả, phát huy hết sức mạnh của hệ thống với những nhiệm vụ trọng tâm hướng đến toàn dân, toàn diện thì sẽ tạo ra những giá trị to lớn mà ít quốc gia nào trên thế giới có thể làm được.
Trên thực tế, hệ thống thông tin cơ sở đã tham gia rất tích cực vào công cuộc phòng chống đại dịch COVID-19 thời gian vừa qua. Kết quả đạt được là một minh chứng rõ ràng nhất của sức mạnh, vai trò của hệ thống thông tin cơ sở trong tình hình mới.
Thứ trưởng Phan Tâm phát biểu tại Hội nghị
Hiện nay, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra rất nhanh, tác động sâu rộng và đa chiều lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước, thúc đẩy chuyển đổi số toàn dân và toàn diện; mở ra cho lĩnh vực thông tin cơ sở những thời cơ, vận hội mới thay thế, chuyển mình, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số và hiện đại hóa.
Hệ thống thông tin và truyền thông quốc gia đang phát triển mạnh mẽ, hiện đại và kết nối rộng khắp. Các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lớn tạo nền tảng phát triển ứng dụng công nghệ, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số, đô thị thông minh, phát triển kinh tế số và xã hội số ngày càng được hoàn thiện, mang lại hiệu quả cao trong hoạt động của chính quyền, các cơ quan quản lý, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội.
Theo đánh giá của Thứ trưởng, chuyển đổi số, hiện đại hóa thông tin cơ sở dựa trên hạ tầng viễn thông và các nền tảng công nghệ mới trong nước đã có sẵn nên giá thành đầu tư, chi phí quản lý, sử dụng rẻ hơn; giải quyết được bài toán thiếu nhân lực là công tác thông tin, tuyên truyền ở cơ sở hiện nay. Đồng thời, cũng đã hình thành thị trường doanh nghiệp trong nước sản xuất, cung cấp các thiết bị kỹ thuật, công nghệ mới, các dịch vụ phục vụ công tác quản lý, vận hành, bảo dưỡng thiết bị và tổ chức các hoạt động thông tin cơ sở.
Trong điều kiện đó, thông tin cơ sở sẽ phải thay đổi căn bản phương thức tổ chức và quản lý theo hướng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, CNTT để hiện đại hóa, thực hiện liên thông đồng bộ từ trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện đến cơ sở; để cho thông tin chỉ đạo điều hành từ trên xuống cơ sở sẽ nhanh hơn, kịp thời hơn; người dân có thêm kênh thông tin để tương tác thuận lợi hơn với chính quyền, cơ sở quản lý các cấp trên môi trường số; chính quyền cơ sở có thêm phương tiện, công cụ hiện đại phục vụ cho công tác quản lý và điều hành.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Phan Tâm yêu cầu các đại biểu tham dự tập trung nghiên cứu, tìm hiểu và tích cực trao đổi với các báo cáo viên để nắm vững nội dung. Trên cơ sở đó, sau hội nghị tập huấn các đại biểu chủ động triển khai có hiệu quả ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
Báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở Nguyễn Văn Tạo cho biết đây là lần đầu tiên, lĩnh vực thông tin cơ sở có chiến lược phát triển riêng, trong đó xác định rõ quan điểm, tầm nhìn chiến lược, mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đột phá để hiện đại hóa, phát triển thông tin cơ sở trong giai đoạn 5 năm.
Chiến lược xác định tầm nhìn đưa thông tin cơ sở trở thành kênh thông tin hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin thiết yếu của người dân, tương tác thông tin 2 chiều giữa chính quyền với người dân trên môi trường số; phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền, cơ quan quản lý các cấp; người dân tham gia nhiều hơn vào các hoạt động của chính quyền, cơ quan quản lý các cấp, cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng và tạo niềm tin, sự đồng thuận xã hội ở cơ sở và ngay từ cơ sở.
Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở Nguyễn Văn Tạo phát biểu tại Hội nghị
Một giải pháp đột phá để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở đến năm 2025 là chuyển đổi số hoạt động thông tin cơ sở. Theo đó, nhiều nhiệm vụ sẽ được tập trung triển khai như: Tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở, phục vụ công tác quản lý nhà nước trên môi trường số; Tổ chức cung cấp tài liệu và các hình thức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền; Tổ chức hoạt động thu thập, tổng hợp và xử lý dữ liệu về ý kiến phản ánh của người dân về hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật ở cơ sở trên môi trường số...
“Bộ TT&TT đang phát triển một số nền tảng để triển chuyển đổi số hoạt động thông tin cơ sở như nền tảng cung cấp thông tin và đánh giá hoạt động thông tin cơ sở, nền tảng tổ chức tập huấn online, nền tảng khảo sát thu thập ý kiến của người dân”, ông Nguyễn Văn Tạo cho hay.
Nhận định truyền thanh sử dụng phương thức truyền dẫn tín hiệu âm thanh trên hạ tầng viễn thông, Internet là một giải pháp công nghệ mới tạo sự thay đổi lớn cho lĩnh vực thông tin cơ sở những năm gần đây, đại diện Cục Thông tin cơ sở còn cho biết, từ năm 2018 đến tháng 12/2021, cả nước đã có 46 tỉnh, thành phố đầu tư mới cho những xã chưa có đài hoặc đầu tư chuyển đổi từ đài truyền thanh có dây/không dây FM sang truyền thanh ứng dụng CNTT- Viễn thông được 628 đài, với tổng số 6.272 cụm loa; năm 2018 là 11 đài.
Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã được nghe các báo cáo viên cập nhật, phổ biến tới cán bộ làm công tác thông tin cơ sở trên cả nước về quy định quản lý đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-Viễn thông; hướng dẫn xây dựng hệ thống thông tin nguồn trung ương, cấp tỉnh và kết nối các hệ thông thông tin; cũng như hướng dẫn an toàn thông tin đối với hệ thống đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-Viễn thông./.
Theo mic.gov.vn
Ý kiến bạn đọc