Ngoài ra, còn có một số đối tượng, cơ sở nhập khẩu nguyên bản hàng hóa nước ngoài, rồi đóng nhãn mác ghi xuất xứ Hàn Quốc, Nhật Bản... để lừa dối, tạo niềm tin với người tiêu dùng.
Hàng giả sản xuất từ nước ngoài vào Việt Nam tiêu thụ chủ yếu là giả sản phẩm các nhãn hiệu nổi tiếng. Các sản phẩm này đòi hỏi độ tinh xảo, phải có máy móc, thiết bị hiện đại để sản xuất. Chính vì vậy, các đối tượng buôn bán hàng giả trong nước thường mang mẫu sang nước ngoài đặt làm giả... Sau đó, hàng hóa được nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu bằng đường bộ hoặc trà trộn với hàng nhập khẩu chính ngạch, nhưng khai báo gian dối về xuất xứ, chủng loại hàng hóa để qua mặt lực lượng kiểm tra. Các sản phẩm bị làm giả này gần như giống với sản phẩm thật nếu như chỉ nhìn qua bằng mắt thường.
Những mặt hàng kém chất lượng sản xuất tại nước ngoài tráo nhãn thành “made in Việt Nam” phổ biến nhất hiện nay là đồ điện, điện gia dụng, hàng thời trang như quần áo, giày dép,... Đặc biệt, hàng may mặc khi người tiêu dùng đang có xu hướng “săn” hàng Việt Nam xuất khẩu.
Hàng Việt Nam xuất khẩu thường chỉ có một vài chiếc bị lỗi mới bán ra thị trường. Trong khi đó, trên thị trường có rất nhiều nơi bán đề bảng “hàng Việt Nam xuất khẩu” hoặc “hàng xuất” mà đủ size, đủ màu sắc, mua số lượng bao nhiêu cũng có thì đó chỉ là hàng sản xuất ở nước ngoài làm giả hoặc là hàng Việt Nam nhưng kèm theo cái mác xuất khẩu nhằm dễ bán. Vì nhiều người tiêu dùng quan niệm, hàng xuất khẩu bao giờ cũng tốt hơn hàng sản xuất bán cho thị trường nội địa.
Theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, riêng số vụ vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị phát hiện, bắt giữ từ đầu năm đến nay lên tới trên 4.000 vụ (tăng trên 126%, so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, có nhiều vụ việc đã được chuyển cho cơ quan Công an khởi tố với tội danh liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng giả và xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ. Các lô hàng giả, xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ được cơ quan Hải quan phát hiện trong thời gian qua chủ yếu có xuất xứ từ nước ngoài. Trong đó, có những vụ nhập khẩu hàng với số lượng lớn.
Trong thời gian qua, rất nhiều mặt hàng nhập lậu từ nước ngoài đội lốt hàng Việt Nam đã bị các lực lượng kiểm tra bắt giữ. Không chỉ là những mặt hàng tiêu dùng, hàng gia dụng, mà còn có rất nhiều loại thực phẩm, thực phẩm chức năng… đã gây thất thu thuế và ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường trong nước.
Ngoài mua hàng giả ở nước ngoài hoặc đặt sản xuất hàng giả ở nước ngoài, thời gian gần đây, xuất hiện một số trường hợp, các đối tượng không sở hữu, xây dựng nhà xưởng mà thuê các tổ chức, cá nhân khác sản xuất gia công cho mình từng đơn hàng nhỏ theo phương thức chộp giật. Sau đó, các đối tượng thường xuyên thay đổi đơn vị sản xuất gia công cho mình để trốn tránh lực lượng chức năng.
Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho rằng, khó khăn trong công tác chống hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm Sở hữu trí tuệ thời gian qua là do một số cơ chế, chính sách về chống buôn lậu, gian lận thương mại của Việt Nam còn bất cập, có kẽ hở chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời. Trong khi đó, lực lượng chức năng còn mỏng, trang thiết bị máy móc hạ tầng chưa đạt yêu cầu trong tình hình mới. Hàng hóa trong nước chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật cho người tiêu dùng còn nhiều hạn chế… Do đó, số vụ việc vi phạm bị phát hiện, xử lý thời gian qua vẫn còn hạn chế, đặc biệt là trên môi trường thương mại điện tử.