Nơi đây còn lưu giữ rất nhiều di sản phong phú gắn với thời đại Hùng Vương. Hiện nay trên địa bàn tình Phú Thọ có 1064 di tích lịch sử - văn hoá, trong đó có trên 324 di tích đã được Nhà nước xếp hạng, 73 di tích Quốc gia, 1 di tích quốc gia đặc biệt. Bên cạnh đó, hệ thống di sản văn hoá phi vật thể ở Phú Thọ vô cùng đặc sắc với 874 di sản, trong đó có 14 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, 5 bảo vật Quốc gia và 2 di sản được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, đó là “Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ”. Cùng với hệ thống di sản văn hoá, Phú Thọ có nhiều cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh độc đáo như Vườn quốc gia Xuân Sơn, đồi chè Long Cốc (huyện Tân Sơn), Đầm Ao Châu (huyện Hạ Hòa), mỏ nước khoáng nóng Thanh Thủy (huyện Thanh Thủy)….
Tất cả là nguồn tài nguyên giàu giá trị, là lợi thế để Phú Thọ phát triển nhiều loại hình sản phẩm du lịch như du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch làng nghề, du lịch lễ hội, du lịch ẩm thực, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, du lịch trải nghiệm… góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa vùng đất Tổ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Công tác bảo tồn giá trị di sản văn hóa Phú Thọ đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức vẫn đang hiện hữu với thực trạng nguy cơ thất truyền, mai một của nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể; việc nhận diện của cộng đồng về giá trị của các di sản văn hóa còn khó khăn, việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích, thực hành di sản văn hóa phi vật thể ở nhiều nơi chưa được thực hiện một cách khoa học, đồng bộ, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có; cấp uỷ, chính quyền một số địa phương chưa nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của di sản văn hóa trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế.
Hội thảo khoa học - thực tiễn “Đền Mẫu Âu Cơ, Tín ngưỡng Thờ Mẫu Âu Cơ - Bảo tồn và Phát huy giá trị” do Uỷ ban nhân dân huyện Hạ Hoà, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ và Hội Di sản Văn hoá Việt Nam phối hợp tổ chức, nhằm nhận diện giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, tín ngưỡng, tâm linh của Di tích Đền Mẫu Âu Cơ, bao gồm cả di sản văn hoá vật thể và phi vật thể; đánh giá toàn diện và và cụ thể thực trạng bảo vệ và phát huy giá trị Di tích Đền Mẫu Âu Cơ, Tín ngưỡng Thờ Mẫu Âu Cơ, từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Đền Mẫu Âu Cơ, Tín ngưỡng Thờ Mẫu Âu Cơ gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để chuẩn bị cho Hội thảo quan trọng này, Uỷ ban nhân dân huyện Hạ Hòa đã Phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Phú Thọ và Hội Di sản văn hóa Việt Nam thống nhất kế hoạch và chủ đề Hội thảo; tổ chức 2 đợt khảo sát thực địa Di tích Đền Mẫu Âu Cơ và một số di tích quan trọng khác trên địa bàn huyện Hạ Hoà vào tháng 8 và tháng 9 -2023. Ban Tổ chức đã nhận được 19 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia, đại diện cộng đồng thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu…xung quanh chủ đề Hội thảo có thể khẳng định rằng, các tác giả tham gia tham luận Hội thảo đã thể hiện sự nghiên cứu công phu, nghiêm túc, tâm huyết của mình trên tinh thần khách quan, khoa học về những vấn đề mà cuộc Hội thảo của chúng ta mong muốn và cũng đặt ra những vấn đề để sau Hội thảo mà chúng ta cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu.
Từ những ý kiến khá phong phú, đa dạng của các bài tham luận, Ban Tổ chức Hội thảo xin được tạm chia các tham luận theo 3 hướng nội dung chính sau:
1. Đền Mẫu Âu Cơ, Tín ngưỡng Thờ Mẫu Âu Cơ - Những vấn đề chung.
2. Đền Mẫu Âu Cơ, Tín ngưỡng Thờ Mẫu Âu Cơ - Giá trị và biện pháp bảo vệ.
3. Đền Mẫu Âu Cơ, Tín ngưỡng Thờ Mẫu Âu Cơ và sự phát triển bền vững.
Là một trong những điểm di tích, di sản quan trọng của tỉnh Phú Thọ, Đền Mẫu Âu Cơ ở huyện Hạ Hoà đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá quốc gia theo Quyết định số 1371/QĐ-BVHTTDL ngày 3 tháng 8 năm 1991. Tín ngưỡng Thờ Mẫu Âu Cơ được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 217/QĐ-BVHTTDL ngày 23 tháng 01 năm 2017. Bức tượng Mẫu Âu Cơ được đặt trong Thượng cung của Di tích được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 15 tháng 01 năm 2020. Điều đó cho chúng ta thấy giá trị văn hóa lịch sử rất đặc biệt, tầm quan trọng của Đền Mẫu Âu Cơ, Tín ngưỡng Thờ Mẫu Âu Cơ, cũng như sự quan tâm của Nhà nước đối với Di sản quan trọng này.
Bên cạnh đó, đối với nhân dân địa phương cũng như những con dân đất Việt ở mọi vùng miền của Tổ quốc, đến với Đền Mẫu Âu Cơ, về với Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ vào mỗi dịp tháng Chạp, tháng Giêng hàng năm, là dịp để mỗi chúng ta lắng đọng tâm linh, để hướng về cội nguồn, tri ân công đức của Quốc Mẫu Âu Cơ, thể hiện đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Với mong muốn Đền Mẫu Âu Cơ, Tín ngưỡng Thờ Mẫu Âu Cơ luôn được bảo tồn và phát huy những giá trị vốn có, gắn với phát triển du lịch và kinh tế - xã hội của địa phương, Ban Tổ chức mong muốn nhận được nhiều ý kiến phát biểu của các nhà khoa học, các nhà quản lý và các đại biểu có mặt hôm nay nhằm làm sáng tỏ hơn những giá trị cốt lõi của di sản, đồng thời khuyến nghị các biện pháp bảo vệ một cách hiệu quả và thiết thực, biến di sản thành tài sản trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương một cách bền vững.