Quy hoạch điện, giá điện là nội dung giám sát trọng tâm

Thứ sáu - 13/10/2023 10:40 347 0
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng điện là vấn đề trọng tâm, các phân ngành như dầu khí, than đều tập trung để sản xuất điện và cho rằng đây là vấn đề trọng tâm của giám sát.
Sáng 12/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.” (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Sáng 12/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.” (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Sáng 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về báo cáo kết quả tiến hành giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.”

Điện là vấn đề trọng tâm giám sát

Tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết đây là chuyên đề giám sát rất quan trọng, đối tượng giám sát nhiều, nội dung rộng, phức tạp, có tính chuyên môn sâu. Thời gian qua, Đoàn giám sát đã làm việc khẩn trương, tích cực, tập hợp thông tin, số liệu lớn để làm căn cứ cho hoạt động giám sát chuyên đề này.

Tổng Thư ký Quốc hội cho biết trong quá trình giám sát nổi lên một số vấn đề, đó là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa đảm bảo ổn định, toàn diện và thống nhất. Có 21 nhóm vấn đề cần phải xem xét sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất 2 luật mới để xem xét điều chỉnh công tác quản lý nhà nước về vấn đề này.

Việc triển khai quy hoạch về năng lượng đối mặt với nhiều khó khăn vướng mắc, đặc biệt trong việc huy động vốn ứng dụng phát triển công nghệ, nguồn nhân lực và cơ chế quản lý. Mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đối mặt với nhiều thách thức, các nguồn cung trong nước chưa đáp ứng yêu cầu và có nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn ngắn hạn và dài hạn. Các điều kiện tiên quyết để hình thành thị trường điện lực chưa được triển khai, chính sách giá điện, giá than, giá khí, giá xăng dầu chưa hoàn thiện.

Báo cáo kết quả giám sát cũng chỉ ra những bất cập, hạn chế chính trong chính sách pháp luật cũng như tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về tăng về năng lượng và kiến nghị các giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị trên cơ sở ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ, Đoàn giám sát sẽ tập trung hoàn thiện báo cáo, dự thảo Nghị quyết và xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản, để gửi bằng văn bản tới Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Giải trình làm rõ một số nội dung được nêu tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát Lê Quang Huy cho biết đây là chuyên đề giám sát có phạm vi rộng, nội dung phức tạp, nguồn lực triển khai có hạn, Đoàn Giám sát đã có nhiều nỗ lực trong triển khai công việc.

Về điểm mới, điểm trọng tâm trong dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng điện là vấn đề trọng tâm, các phân ngành như dầu khí, than đều tập trung để sản xuất điện.

"Đối mặt với vấn đề an ninh năng lượng, đảm bảo cung cấp điện, điều vướng mắc nhất là giá điện. Đó chính là vấn đề trọng tâm của giám sát," ông Lê Quang Huy nhấn mạnh.

 
dien220231012135622
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)​​​​​​
Về giá điện, Đoàn giám sát đề nghị tập trung vào 2 vấn đề, trong đó có các cơ chế đầu tư về tài chính trong lĩnh vực điện; việc đảm bảo các cơ chế đầu tư tài chính liên quan đến đảm bảo an ninh năng lượng điện.


Về đảm bảo chuyển đổi năng lượng công bằng, đây là mục tiêu quan trọng, trong lộ trình đảm bảo năng lượng công bằng, giảm phát thải bằng 0, cần có sự hỗ trợ, cam kết của cộng đồng quốc tế, từ nguồn vốn, công nghệ đến năng lực quản trị. Đoàn giám sát sẽ làm rõ khía cạnh này.


Đối với các dự án trọng điểm, Đoàn giám sát đã có phụ lục chi tiết về nội dung này, báo cáo đầy đủ cũng đã có thông tin chi tiết về từng dự án, từng vướng mắc, khó khăn. Về dự thảo Nghị quyết, Đoàn giám sát sẽ nghiên cứu để bố cục lại kết cấu, đưa ra những đánh giá, nhận định, đưa ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cụ thể, bổ sung các vấn đề về quy hoạch, dự trữ năng lượng, cung năng lượng, chính sách xã hội, việc làm… mà dư luận quan tâm.


Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ cần phải có những đánh giá về những ách tắc, vướng mắc trong điều hành giá điện, giá than, giá khí và xăng dầu vừa qua, nguyên nhân và trách nhiệm. Bên cạnh đó đánh giá kỹ hơn thực trạng thực hiện Quy hoạch điện VII, điều chỉnh những vướng mắc giữa quy hoạch và truyền tải điện khi để xảy ra tình trạng điện thừa nhưng không hòa được lưới điện quốc gia…


"Đây là những vấn đề cần phải chỉ rõ nguyên nhân và trách nhiệm cụ thể của các cơ quan địa phương, các đơn vị quản lý để đề xuất biện pháp trong thời gian tới, đưa ra các đề nghị với Chính phủ chỉ đạo giải quyết các vấn đề trọng tâm," Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.


Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị xác định các giải pháp trọng tâm về kịch bản để bảo đảm an toàn năng lượng; giải pháp trọng tâm vấn đề quy hoạch tổng thể với quy hoạch phân ngành, xử lý bất cập của các quy hoạch ngành gây lãng phí lớn nguồn lực của xã hội, doanh nghiệp khi không phù hợp giữa công suất và truyền tải điện; giải pháp trọng tâm về hạ tầng năng lượng, về khoa học kỹ thuật, công nghệ năng lượng và thị trường năng lượng.


Đồng tình nhận định với các ý kiến, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy cho rằng đây là một chuyên đề giám sát rất khó khăn, phức tạp, rộng, đòi hỏi chuyên môn sâu và được dư luận hết sức quan tâm. Qua báo cáo của Đoàn giám sát, Thanh tra Chính phủ đề nghị Đoàn giám sát và Quốc hội cân nhắc bổ sung kiến nghị những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm, Chính phủ cũng rất quyết liệt trong việc thực hiện như: điều chỉnh cơ chế giá điện và xăng dầu, quản lý nguồn và lưới điện. Các cơ quan đã và đang vào cuộc, tập trung kiểm tra, thanh tra vấn đề này.


Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị Đoàn giám sát bổ sung vào Nghị quyết của Quốc hội kiến nghị rõ hơn vấn đề quy hoạch và thực hiện quy hoạch của các phân ngành liên quan đến năng lượng như quy hoạch về điện và xăng dầu.


Khẳng định chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” có ý nghĩa rất quan trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị việc ban hành Nghị quyết phải tạo ra chuyển biến khác biệt trong thực tiễn bởi một số nội dung trong báo cáo và dự thảo nghị quyết vẫn còn mang tính định tính.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh giám sát phải chỉ ra được trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, liên quan. Trọng tâm của hoạt động giám sát cần tập trung vào việc thực hiện Quy hoạch điện VII và kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII. Việc ban hành Nghị quyết cần chỉ ra những vấn đề lớn cần triển khai thực hiện trong giai đoạn tới, trong đó có chuyển đổi năng lượng công bằng; tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, chính sách trong việc phát triển năng lượng; bổ sung các số liệu, cập nhật tình hình thực tế trong dự thảo Nghị quyết.


Nhiều thách thức trong phát triển năng lượng

Theo báo cáo, trong giai đoạn 2016-2021, với định hướng chiến lược đúng đắn của Đảng, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự tham gia, ủng hộ của người dân, ngành năng lượng nước ta đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực; bám sát định hướng và đạt được nhiều mục tiêu cụ thể đề ra. Cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện.


Tuy nhiên, báo cáo giám sát cũng chỉ ra một số hạn chế, bất cập. Trong đó, việc triển khai quy hoạch các phân ngành năng lượng còn nhiều hạn chế, bất cập, nhất là trong việc tổ chức thực hiện Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh đối với việc phát triển điện mặt trời, điện gió, thủy điện nhỏ. Việc đầu tư nguồn điện và lưới điện giai đoạn 2016-2021 chưa đồng bộ, đạt mục tiêu đề ra. Cơ sở hạ tầng ngành năng lượng còn nhiều bất cập.


Về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chuyển dịch năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tiêu thụ năng lượng gia tăng đáng kể, cơ cấu tiêu thụ năng lượng chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày càng được quan tâm; chuyển dịch năng lượng theo hướng công bằng, bền vững đã được chú trọng nhằm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về biến đổi khí hậu.


Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi năng lượng ở nước ta đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn, thay đổi tư duy, phương thức quản trị, đổi mới công nghệ, trong khi quy mô nền kinh tế nước ta còn khiêm tốn, thị trường năng lượng trong nước ngày càng phụ thuộc vào thị trường năng lượng thế giới. Tình hình trên tiếp tục ảnh hưởng và đặt ra nhiều thách thức đối với nước ta trong phát triển năng lượng, nhất là bảo đảm an ninh năng lượng trước mắt và lâu dài.


Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập, thích ứng kịp thời với bối cảnh trong giai đoạn mới, Đoàn giám sát kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.
 

Tác giả: BCXB

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Hộp thư điện tử Tây Ninh
CÔNG KHAI, MINH BẠCH
Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Tây Ninh lần thứ II - năm 2022
Họp không giấy
Tôn chỉ mục đích các cơ quan báo chí
Công báo tỉnh Tây Ninh
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM
Danh sách người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
Hướng Dẫn Dịch Vụ Công
Danh sách phóng viên thường trú địa bàn Tây Ninh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập144
  • Máy chủ tìm kiếm49
  • Khách viếng thăm95
  • Hôm nay5,178
  • Tháng hiện tại91,134
  • Tổng lượt truy cập18,458,005
Tra cứu hồ sơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây