Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninhhttps://sotttt.tayninh.gov.vn/uploads/logo-so_1.png
Thứ tư - 29/11/2023 16:054090
Ngày 02/11/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt.
Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt đưa ra nhận diện tối đa chủng loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân và phân loại thành 3 nhóm chất thải chính theo đúng quy định tại khoản 1, Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác.
Tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải, sản phẩm thải bỏ
Triển khai quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố nghiên cứu, áp dụng hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt để xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn bảo đảm phù hợp với các quy định tại Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Trong đó lưu ý, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt nhằm thúc đẩy tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải, sản phẩm thải bỏ, tận dụng tối đa giá trị, kéo dài vòng đời của sản phẩm, vật liệu; khuyến khích cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân tham gia chương trình tái chế, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thực hiện; giảm tối đa lượng chất thải phải xử lý. Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt cần phù hợp với hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, công nghệ xử lý chất thải hiện có; điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; phù hợp với nội dung quản lý chất thải trong các quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; nguồn lực tài chính của địa phương.
Đồng thời đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt chậm nhất là ngày 31/12/2024.
Tây Ninh triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt chậm nhất là ngày 31/12/2024
Tại Công văn số 3895/UBND-KT ngày 29/11/2023, UBND tỉnh Tây Ninh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh; quy định cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại. Triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt chậm nhất từ ngày 31/12/2024.
Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt, y tế và các chất ô nhiễm liên quan đến vấn đề về bệnh tật và sức khỏe con người trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt đối với cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ, tuyên truyền về lĩnh vực môi trường của các Sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn và Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh; các Tổ chức Chính trị - Xã hội tỉnh. Phối hợp các Cơ quan truyền thông, báo chí đài đăng tải, tuyên truyền hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt đến toàn thể mọi tầng lớp Nhân dân.
Chủ trì, phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với các hành vi vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn sinh hoạt không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (Nghị định số 45/2022/NĐ-CP).
Các cơ quan báo chí, truyền thông thực hiện tuyên truyền, giáo dục, phổ biến hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt thông qua các phương tiện phát thanh, truyền hình, cơ quan báo chí và hệ thống thông tin cơ sở nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.
Sở Tài chính thường xuyên rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành hoặc điều chỉnh đơn giá xử lý rác sinh hoạt trên địa bàn tỉnh cho phù hợp thực tế.
Các Sở, ban, ngành liên quan (Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Công an, Quân sự,…) quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt và vận động gia đình, khu dân cư đang sinh sống về hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
UBND tỉnh đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tiếp tục xây dựng các mô hình, phong trào, hình thức tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư về hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội và hệ thống truyền thanh cấp huyện, cấp xã tuyên truyền hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt đến toàn thể tầng lớp Nhân dân; xây dựng mô hình thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, lựa chọn mô hình phù hợp, đạt hiệu quả để nhân rộng; việc phân loại nhằm thúc đẩy tăng cường tái chế, tái sử dụng, sản phẩm thải bỏ, tận dụng tối đa giá trị, kéo dài vòng đời của sản phẩm, vật liệu.
Bố trí điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo Điều 26 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Lựa chọn cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quản lý, phương tiện thu gom, vận chuyển đảm bảo theo Điều 27 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT, tuyệt đối không gây ô nhiễm môi trường khu vực xung quanh và suốt tuyến thu gom, vận chuyển; xử lý vi phạm đối với các trường hợp thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP.
Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh việc xã hội hóa trong công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực thu gom phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.