Trong 10 năm (từ năm 2013 đến năm 2023), diện tích rừng của tỉnh tăng 9.623,09 ha, độ che phủ rừng của tỉnh tăng 2,36%; tỉnh đã ban hành các chính sách khuyến khích người dân tham gia hoạt động trồng rừng, bảo vệ rừng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần bảo vệ, phát triển rừng; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia thực hiện Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh.
Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức thực hiện Giám sát đa dạng sinh học và giám sát sử dụng tài nguyên rừng, dịch vụ môi trường rừng tại Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát; xây dựng cơ sở dữ liệu theo dõi diễn biến tài nguyên rừng Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, giai đoạn 2014 – 2016.
Tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng giảm dần cả về số vụ và mức độ thiệt hại; công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục được quan tâm chỉ đạo theo phương châm “bốn tại chỗ”, nhiều chính sách, chương trình, đề án về bảo vệ và phát triển rừng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường rừng đã được quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã được thực hiện để tạo nguồn thu cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia bảo vệ rừng, tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác bảo vệ rừng.
Tỉnh đã xây dựng và thực hiện các chương trình bảo tồn loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, cây trồng vật nuôi được ưu tiên bảo vệ. Tăng cường ngăn chặn khai thác, săn bắt, đánh bắt, buôn bán trái phép động vật, thực vật hoang dã, quý hiếm; kiểm soát chặt chẽ hoạt động gây nuôi động vật hoang dã.
Các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ các loài nguy cấp, quý hiếm, giảm tiêu thụ trái phép các loài hoang dã nguy cấp nhân dịp các sự kiện đặc biệt như ngày quốc tế đa dạng sinh học, các đợt nghỉ lễ, tết,... được tổ chức thường xuyên, với nhiều chương trình hội thảo tập huấn, nâng cao kiến thức cho cán bộ quản lý địa phương, vườn quốc gia, đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực.
Năm 2024, tỉnh tiếp tục tuyên truyên, nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học phù hợp tình hình thực tế của tỉnh. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái; lồng ghép việc thực hiện các nội dung, yêu cầu về bảo tồn đa dạng sinh học trong quá trình triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Quản lý, kiểm tra, kiểm soát sát các hoạt động nuôi, trồng loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại theo quy định của pháp luật. Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; chú trọng công tác bảo tồn tại chỗ; quản lý, bảo vệ các loài hoang dã di cư. Xây dựng các hành lang kết nối bảo tồn đa dạng sinh học. Tăng cường kiểm tra, giám sát các khu vực cửa khẩu biên giới. Phát triển xen canh cây trồng dược liệu và cây trồng có giá trị kinh tế cao trong phát triển rừng của tỉnh.