Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường giai đoạn 2016-2020, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh tăng đều qua các năm. Năm 2016: 151,24 tấn/ngày, năm 2017: 151,47 tấn/ngày, năm 2018: 151,71, năm 2019: 152,06 tấn/ngày, năm 2020: 278,21 tấn/ ngày. Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh chủ yếu ở các đô thị lớn như: thành phố Tây Ninh, Gò Dầu, Trảng Bàng.
Chất thải rắn đô thị trên địa bàn tỉnh chủ yếu phát sinh từ hộ gia đình; khu thương mại (nhà hàng, khách sạn, siêu thị, chợ,…); công sở (cơ quan, trường học, trung tâm, viện nghiên cứu, bệnh viện,…); khu công cộng (nhà ga, bến tàu, sân bay, công viên, khu vui chơi giải trí, đường phố,…); dịch vụ công cộng (quét đường, công viên, khu vực vui chơi giải trí,…); các hoạt động sinh hoạt của cơ sở sản xuất. Thành phần chất thải rắn sinh hoạt thường có thành phần thực phẩm, nhựa, giấy chiếm tỷ lệ lớn.
Hiện nay một số khu vực thành phố, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã tiến hành việc thu gom và xử lý rác. Tỷ lệ chất thải rắn đô thị trên địa bàn tỉnh Tây Ninh được thu gom, xử lý tăng dần qua các năm, từ 85% (năm 2012) tăng lên 90% (năm 2013) và 96% (năm 2017) và 100% năm 2020. Theo đó, phương pháp xử lý chất thải rắn đô thị được áp dụng phổ biến và chủ yếu là phương pháp đốt và chôn lấp.
Trên địa bàn tỉnh có 04/04 khu xử lý theo Quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh được đưa vào hoạt động bao gồm Công ty TNHH MTV Môi trường xanh Huê Phương Việt Nam, Công ty CP Công nghệ môi trường Tây Ninh và Công ty CP xử lý chất thải Tây Ninh, Công ty CP Đầu tư Phát triển Công nghệ Môi trường Thành Tiến Vina) cơ bản đảm bảo đủ công suất xử lý chất thải cho đến thời điểm hiện tại.
Phần lớn chất thải rắn sinh hoạt đô thị chưa được phân loại tại nguồn, tình trạng vứt rác bừa bãi ra đường, ao hồ vẫn diễn ra hằng ngày. Vì vậy, lượng rác thải ngày càng tăng, trong khi công nghệ, hạ tầng, quy mô thu gom và xử lý rác thì chưa đáp ứng được nhu cầu, hệ thống công trình hạ tầng đô thị chưa được phát triển đồng bộ; trình độ và năng lực quản lý chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của quá trình đô thị hóa, làm nảy sinh nhiều áp lực đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng, nhất là tại các bãi chôn lấp.
Để kiểm soát, giải quyết được bài toán xử lý triệt tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải rắn đô thi, bên cạnh thực hiện các giải pháp đồng bộ từ mô hình quản lý, mô hình công nghệ xử lý chất thải, thì hành động nhỏ của mỗi người dân góp phần rất lớn vào việc bảo vệ và duy trì sự bền vững của môi trường.
Theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, quy định đến năm 2025: 90% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát thải tại các đô thị được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng, xử lý kết hợp thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ; phấn đấu tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp đạt tỷ lệ dưới 30% so với lượng chất thải được thu gom.