Thời gian qua, quan trắc tài nguyên – môi trường giúp cho cơ quan quản lý nhà nước xây dựng kế hoạch, quy hoạch, đề xuất các giải pháp xử lý tình trạng ô nhiễm cục bộ trên địa bàn tỉnh; tạo cơ sở dữ liệu cơ bản về tài nguyên và môi trường của tỉnh để công tác hòa vào mạng lưới dữ liệu tài nguyên và môi trường Quốc gia được tiến hành ngay sau khi cơ sở hạ tầng về kết nối dữ liệu hoàn thiện; các cơ quan chức năng có thể sử dụng kết quả quan trắc như một nguồn dữ liệu để xây dựng bản đồ phân vùng chất lượng nước phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế.
Trạm quan trắc nước mặt tự động giám sát chất lượng nguồn nước sông Vàm Cỏ Đông tại cầu Gò Chai (ấp Thanh Trung, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành).
Tuy nhiên, số lượng dữ liệu thu thập còn mỏng về tần suất, vị trí, chửa đủ và thiếu hụt một số thành phần môi trường quan trọng. Cần mở rộng thêm cá vị trí quan trọng tại khu vực biên giới và các tỉnh lân cận để giám sát chất lượng nước đầu vào của tỉnh, làm cơ sở ước tính tải lượng ô nhiễm và đánh giá cho các vị trí quan trắc thuộc lưu vực. Chưa quan trắc môi trường thủy sinh trầm tích tại các điểm quan trắc đặc trưng, qua đó chưa đánh giá toàn diện chất lượng môi trường nước mặt tại các vị trí này. Một số khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng ô nhiễm cục bộ phát sinh chưa được đưa vào mạng lưới quan trắc. Ngoài ra, hệ thống cơ sở dữ liệu còn chưa được kết nối thành mạng chung trên địa bàn tỉnh và quốc gia, nên việc chia sẻ thông tin còn chậm, thiếu kịp thời.
Quan trắc tự động – “lá chắn” bảo vệ môi trường
Nhằm khắc phục hạn chế trên, giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch đề ra các giải pháp khắc phục như: Rà soát, hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường của tỉnh, phù hợp mạng lưới quan trắc tài nguyên môi trường quốc gia; tăng cường các điểm quan trắc, xây dựng một số trạm quan trắc tự động đối với nước mặt, không khí, với vị trí, tần suất, thông số quan trắc và các thành phần môi trường phù hợp với hiện trạng và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hoàn thiện cơ sở trang thiết bị, nhân lực phục vụ công tác quan trắc môi trường; định hướng đầu tư trang thiết bị đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và có phương pháp quan trắc phù hợp với hiện trạng và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Xây dựng cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường, bảo đảm thông tin thông suốt đồng bộ, có hệ thống và độ tin cậy cao; tạo lập, quản lý và khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường. Gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, tuân thủ các quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quan trắc, đáp ứng được yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.
Xây dựng mạng lưới quan trắc của tỉnh phù hợp với mạng lưới quan trắc Quốc gia. Tiếp tục khai thác và kế thừa mạng lưới quan trắc của tỉnh qua các năm nhằm đảm bảo tính liên tục của hệ thống cơ sở dữ liệu quan trắc. Đồng thời, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung, loại bỏ, tạm ngưng các vị trí quan trắc phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Đến năm 2025, Tây Ninh thực hiện quan trắc 50 vị trí nước mặt, 51 vị trí nước dưới đất, 34 vị trí không khí, 20 vị trí môi trường đất và 7 vị trí thủy sinh, trầm tích. Đồng thời 6 trạm quan trắc nước mặt tự động liên tục, 2 trạm quan trắc không khí tự động liên tục. Đồng thời, 89 đơn vị do doanh nghiệp đầu tư thuộc đối tượng phải đầu tư quan trắc tự động nước thải và trên 200 điểm quan trắc cố định tại các doanh nghiệp (ngoài KCN, Khu chế xuất và Cụm công nghiệp) quan trắc hàng quý.