Toàn cảnh ngành thông tin truyền thông năm 2016

Thứ sáu - 30/12/2016 00:00 457 0
Đặc thù của ngành thông tin và truyền thông là có nhiều lĩnh vực mới, những lĩnh vực kỹ thuật phức tạp hay những lĩnh vực có ảnh hưởng tác động sâu rộng đến toàn xã hội

       Đặc thù của ngành thông tin và truyền thông là có nhiều lĩnh vực mới, những lĩnh vực kỹ thuật phức tạp hay những lĩnh vực có ảnh hưởng tác động sâu rộng đến toàn xã hội, nhưng trong năm 2016 Bộ Thông tin và Truyền thông đã cố gắng, nỗ lực hoàn thành nhiều cơ chế chính, quy định quan trọng như: Luật Báo chí; Đề án quy hoạch, phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 (đã được Bộ hoàn thiện trình Ban cán sự Đảng Chính phủ); các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật An toàn thông tin mạng…

       Về công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực báo chí, Bộ đã tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực báo chí, nghiêm túc quyết liệt chấn chỉnh, xử lý nghiêm các nhà báo, phóng viên, cơ quan báo chí, các trang thông tin điện tử xa rời tôn chỉ mục đích, đưa tin sai sự thật, vi phạm các quy định của pháp luật. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử xa rời tôn chỉ mục đích, đối tượng phục vụ, không tuân thủ kỷ luật thông tin khi đưa tin, thiếu nhạy cảm chạy theo xu hướng đưa tin giật gân, gây hiệu ứng xấu cho xã hội. Một số cơ quan báo chí còn dẫn nguồn tin từ các trang thông tin điện tử và mạng xã hội không phép, không được kiểm chứng. Mặc dù số lượng các cơ quan báo chí ở Việt Nam khá nhiều, nhưng chất lượng tin, bài ở nhiều tờ báo, tạp chí còn chưa cao, không đáp ứng được nhu cầu thông tin của độc giả, gây lãng phí nguồn lực của xã hội. Cơ sở vật chất của nhiều đài phát thanh truyền hình địa phương, đặc biệt là các đài ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều thiếu thốn…

      Trong lĩnh vực viễn thông, tần số vô tuyến điện công tác quản lý nhà nước cũng đã được tăng cường và đẩy mạnh. Đáng chú ý là trong những tháng cuối năm 2016, công tác quản lý thuê bao trả trước, ngăn chặn SIM rác, khuyến mại đã được Bộ triển khai quyết liệt. Bước đầu đã phát hiện 12 triệu SIM thuê bao kích hoạt sẵn trên kênh phân phối mà chưa có thông tin chính xác, gần 600 nghìn thuê bao đăng ký lại, hơn 15 triệu thuê bao bị khoá tài khoản. Mặc dù công tác quản lý nhà nước đã được thắt chặt, nhưng vẫn còn hiện tượng doanh nghiệp viễn thông chưa chấp hành nghiêm kỷ luật về giá, khuyến mại trong cạnh tranh. Một số doanh nghiệp viễn thông cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng trên điện thoại di động có thu cước, nhưng vẫn không thông báo đầy đủ cho người tiêu dùng, chưa làm hết trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi hợp tác với các doanh nghiệp nội dung.

     Trong lĩnh vực bưu chính ghi nhận sự chủ động sáng tạo của Tổng Công ty bưu chính Việt Nam trong việc đổi mới hoạt động, mở rộng các loại hình dịch vụ. Một trong những điểm nhấn đáng chú ý là Bộ TTTT đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, góp phần thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử. Tuy nhiên hoạt động bưu chính ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo còn gặp nhiều khó khăn, việc duy trì điểm bưu điện văn hoá xã cũng rất vất vả do thiếu nhân lực, thu nhập cho nhân viên thấp, các loại hình dịch vụ cung cấp còn hạn chế.

      Về lĩnh vực công nghệ thông tin, năm 2016 Bộ TTTT tiếp tục triển khai các Đề án lớn về công nghệ thông tin, công nghiệp CNTT, nguồn nhân lực CNTT, Bộ đã ban hành nhiều Đề án, chính sách thúc đẩy ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử. Đặc biệt Bộ đã chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình để kịp thời xây dựng các báo cáo đưa ra các đề xuất chi tiết, cụ thể đối với lãnh đạo Đang và Nhà nước về các xu thế công nghệ mới trên thế giới như: Thành phố thông minh, cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cùng với đó, công tác đảm bảo an toàn thông tin và năng lực dự báo, ứng cứu sự cố an toàn thông tin được chú trọng tăng cường. Tuy nhiên, công nghiệp CNTT vẫn chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp FDI, thiếu công nghiệp hỗ trợ, chưa phát triển được những sản phẩm trong nước có khả năng xâm nhập và cạnh tranh trên thị trường thế giới; đội ngũ nhân lực công nghiệp phần mềm, phần cứng còn thiếu. Đầu tư cho ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước còn hạn chế, thới quen làm việc chủ yếu dựa trên văn bản giấy vẫn còn phổ biến trong hoạt động của các cơ quan nhà nước làm ảnh hưởng đến việc triển khai các hệ thống thông tin phục vụ cho việc xây dựng chính quyền điện tử, chính phủ điện tử.

Phó Giám đốc Sở TTTT Tây Ninh – Vũ Xuân Trường (Người đứng thứ 3 từ trái sang).jpg

Phó Giám đốc Sở TTTT Tây Ninh – Vũ Xuân Trường (Người đứng thứ 3 từ trái sang)


      Về lĩnh vực xuất bản in và phát hành, Bộ đã tăng cường rà soát, thanh tra, kiểm tra việc phát hành các xuất bản phẩm, xử lý các hành vi in lậu, chấn chỉnh hoạt động của các nhà xuất bản. Đồng thời Bộ cũng phối hợp xây dựng phương án tháo gỡ khó khăn, sắp xếp, chuyển đổi, tái cơ cấu các nhà xuất bản. Đến thời điểm hiện tại các nhà xuất bản vẫn gặp nhiều khó khăn. Đa số các nhà xuất bản hoạt động kinh doanh cầm chừng, thậm chí thua lỗ, dẫn đến tình trạng bị đối tác chi phối, không kiểm soát được đối tác liên kết cũng như các quy trình liên kết xuất bản. Tình trạng chiết khấu giá sách bị đẩy lên cao vẫn phổ biến, tạo cơ hội cho sách giả, sách lậu có điều kiện phát triển, kim ngạch xuất khẩu xuất bản phẩm chưa cao, chủ yếu là nhập siêu.

      Bức tranh toàn cảnh của ngành thông tin và truyền thông trong năm 2016 trên phạm vi toàn quốc là như vậy, còn ở cấp độ địa phương Sở Thông tin và Truyền thông Tây Ninh đã thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, hoàn thành chức năng quản lý nhà nước do UBND tỉnh giao trên các lĩnh vực phụ trách.

      Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về báo chí ở địa phương; phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Nhà báo tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh tổ chức giao ban báo chí, cung cấp  và định hướng thông tin cho báo chí, góp phần tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tập trung thực hiện kế hoạch tuyên truyền bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021; 180 năm Tây Ninh hình thành và phát triển; thông tin đối ngoại và tuyên truyền các Chương trình mục tiêu quốc gia. Hoạt động của Cổng thông tin điện tử của tỉnh, 37 cổng/trang thông tin điện tử của các sở ngành, huyện, thành phố, 05 trang thông tin điện tử tổng hợp, 02 trang mạng xã hội trực tuyến trên địa bàn tỉnh trong năm 2016 hoạt động đúng quy định..

      Mạng lưới bưu chính viễn thông trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối rộng khắp, dịch vụ viễn thông phong phú, đa dạng. Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông đã triển khai thực hiện tốt các quy định của nhà nước trong lĩnh vực hoạt động. Các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin phục vụ các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh; Chỉnh trang làm gọn cáp thông tin treo trên trụ điện lực; xây dựng Quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động. Điều tra thống kê dịch vụ bưu chính công ích tại Bưu điện tỉnh Tây Ninh về công tác thư công ích và báo chí công ích. Hỗ trợ Đài truyền thanh các huyện, thành phố kiểm tra, khắc phục tần số can nhiễu. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Tiêu chí 8 xây dựng nông thôn mới.

      Về công nghệ thông tin Hạ tầng trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh được đầu tư mở rộng, Hệ thống hội nghị truyền hình, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về bảo mật, nhu cầu ứng dụng hệ thống thông tin chung, đảm bảo triển khai các ứng dụng toàn thông tin cho trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh. Các thiết bị CNTT được trang bị cho các cơ quan đơn vị đảm bảo triển khai vận hành hệ thống một cửa điện tử, văn phòng điện tử và các ứng dụng khác liên quan nhằm thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, phát triển mô hình chính quyền điện tử tại tỉnh. Phần mềm văn phòng điện tử triển khai đạt tỷ lệ 100% cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, 100% UBND huyện/thành phố và 43% UBND cấp xã; Phát triển tích hợp liên thông, luân chuyển văn bản, đạt mục tiêu tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động cơ quan nhà nước, phát huy hiệu quả công tác quản lý văn bản, điều hành nội bộ góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí in ấn tài liệu. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính cấp tỉnh đạt trên 70%. Ứng dụng chữ ký số được triển khai nhằm mục tiêu tăng cường sử dụng văn bản điện tử, đảm bảo xác thực thông tin khi luân chuyển văn bản điện tử. Phần mềm họp không giấy triển khai thực hiện 100% cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và 100% UBND huyện/thành phố, giúp giảm giấy tờ, giảm thiểu thời gian phát hành giấy mời và tài liệu cuộc họp, góp phần tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động cơ quan nhà nước. Trong năm đã thực hiện được 2.619 cuộc họp. Tỷ lệ CCVC sử dụng thư điện tử của tỉnh trao đổi công việc đạt 60,68%.

      Cổng thông tin điện tử của tỉnh có 37 cổng/trang thông tin điện tử thành phần, đạt tỷ lệ 100% cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và 100% UBND huyện/thành phố có cổng/trang thông tin điện tử hoạt động ổn định, cung cấp kịp thời thông tin, thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong năm 2016, nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhiều lĩnh vực đáp ứng nhu cầu truy cập thông tin của người dân và doanh nghiệp, Hệ thống một cửa điện tử đã được triển khai đưa vào sử dụng tại 13 sở, 9 UBND cấp huyện và 95 UBND cấp xã. 100% UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh ứng dụng hệ thống một cửa điện tử trong tiếp nhận và trả kết quả. Trong đó, phần mềm một cửa điện tử tại UBND cấp huyện tích hợp tính năng tra cứu thông tin hồ sơ qua tin nhắn SMS và một số đơn vị trang bị hệ thống lấy số tự động. Phần mềm giải quyết khiếu nại tố cáo (phần mềm tiếp dân) đã được sử dụng tại 3 đơn vị cấp tỉnh (văn phòng UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường), 9 đơn vị cấp huyện và 21 đơn vị cấp xã. Hệ thống phần mềm được xây dựng theo mô hình liên thông tích hợp dữ liệu đơn thư từ cấp xã tới cấp tỉnh, hỗ trợ thông tin phục vụ công tác tiếp công dân.Phần mềm quản lý Hộ tịch đã được triển khai tại Sở Tư pháp, 100%  UBND cấp huyện và UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh, đồng thời thực hiện liên thông tích hợp dữ liệu số hoá dân cư và hộ tịch, đảm bảo dữ liệu được liên thông từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã.

      Về lĩnh vực xuất bản, in và phát hành: Trên địa bàn tỉnh không có nhà xuất bản, chỉ có 62 cơ sở in và một số cơ sở phát hành.Trong năm 2016, Sở đã cấp 76 giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh, trong đó có 01 giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh. Nội dung chủ yếu của các tài liệu này phục vụ cho công tác tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phục vụ các lĩnh vực nghiên cứu lý luận, hội thảo chuyên đề.

     Công sức đóng góp của tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Sở Thông tin và Truyền thông đã được Bộ TTTT ghi nhận và đánh giá cao qua việc tặng thưởng Cờ thi đua cho đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2016.

QUANG DỮNG

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Hộp thư điện tử Tây Ninh
CÔNG KHAI, MINH BẠCH
Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Tây Ninh lần thứ II - năm 2022
Họp không giấy
Tôn chỉ mục đích các cơ quan báo chí
Công báo tỉnh Tây Ninh
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM
Danh sách người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
Hướng Dẫn Dịch Vụ Công
Danh sách phóng viên thường trú địa bàn Tây Ninh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập29
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm28
  • Hôm nay10,796
  • Tháng hiện tại159,529
  • Tổng lượt truy cập18,325,400
Tra cứu hồ sơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây