Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninhhttps://sotttt.tayninh.gov.vn/uploads/logo-so_1.png
Thứ năm - 17/08/2023 14:041.2000
Nhằm chủ động phòng chống, khống chế, dập tắt các ổ dịch; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch, không để lây lan ra diện rộng. Ngày 14/8/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trâu, bò trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2023.
Theo đó, mục tiêu Kế hoạch đạt tỷ lệ tiêm phòng 100%; tổ chức tuyên truyền cho người chăn nuôi thực hiện tốt việc chăn nuôi gia súc an toàn dịch bệnh; vận động các tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc thực hiện tốt các quy định của Luật Thú y, tuân thủ các hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc và kiểm dịch động vật; xây dựng hệ thống giám sát dịch bệnh từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn nhằm phát hiện sớm, thông tin kịp thời tình hình dịch bệnh và khống chế trong diện hẹp, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Công tác tiêm phòng
- Số lượng vắc xin sử dụng tiêm phòng trong năm 2023: 30.270 liều.
Trong đó:
+ Vắc xin mua trong năm 2023: 30.000 liều.
+ Vắc xin xin tồn năm 2022 chuyển sang: 270 liều.
- Loại vắc xin sử dụng: theo hướng dẫn của Cục Thú y.
- Sử dụng vắc xin theo hướng dẫn của nhà sản xuất, đơn vị cung ứng vắc xin hoặc theo hướng dẫn của Cục Thú y. - Đối tượng tiêm phòng: đàn trâu, bò trên địa bàn toàn tỉnh.
- Đối tượng được hỗ trợ tiêm phòng miễn phí (bao gồm chi phí vắc xin và tiền công tiêm phòng): đàn trâu, bò của các hộ chăn nuôi có tổng đàn trâu, bò dưới 08 con.
- Đối với đàn trâu, bò có tổng đàn từ 08 con trở lên, chủ hộ chăn nuôi tự lo kinh phí tiêm phòng.
Công tác tiêu độc khử trùng; tiêu diệt côn trùng
- Vận động người chăn nuôi hằng ngày vệ sinh chuồng trại; định kỳ phun hóa chất tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi; có giải pháp ngăn chặn, tiêu diệt côn trùng truyền bệnh; hạn chế tối đa việc ra, vào cơ sở chăn nuôi nhất là các cơ sở sản xuất giống.
- Định kỳ tổ chức tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm; sử dụng vôi bột, hóa chất đặc hiệu (Hantox, Deltox, ...) tiêu diệt côn trùng (ruồi, muỗi, ve, mòng) tại khu vực chuồng nuôi... theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y.
- Tổ chức 01 đợt vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm và các sản phẩm của gia súc, gia cầm bằng hóa chất. Số lượng thuốc sát trùng sử dụng là 2.500 lít/đợt.
Công tác quản lý chăn nuôi và dịch bệnh
Nhằm nắm bắt kịp thời tình hình chăn nuôi để có giải pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp; các tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phải kê khai hoạt động chăn nuôi với UBND cấp xã; mỗi quý 01 lần, thời gian từ ngày 25 đến ngày 30 của tháng cuối quý theo mẫu quy định tại Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phát hiện sớm ổ dịch. Khi có dịch bệnh xảy ra, thực hiện tiêu hủy gia súc mắc bệnh theo hướng dẫn của Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT và Thông tư số 09/2021/TT-BNNPTNT; tổ chức giám sát huyết thanh sau tiêm phòng; lấy mẫu giám sát sự lưu hành của vi rút và định type nhằm góp phần nâng cao hiệu quả phòng bệnh.
- Giám sát chủ động
+ Giám sát huyết thanh sau tiêm phòng: lấy 126 mẫu huyết thanh sau tiêm phòng VDNC trâu, bò;
+ Giám sát sự lưu hành vi rút: lấy 12 mẫu gộp giám sát sự lưu hành vi rút VDNC trâu, bò.
- Giám sát bị động: lấy 09 mẫu bệnh phẩm xác định vi rút VDNC trâu, bò.
Công tác kiểm soát vận chuyển, giết mổ trâu, bò
- Kiểm soát chặt chẽ vận chuyển trâu, bò và sản phẩm từ trâu bò; thực hiện nghiêm các quy trình kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ.
- Thường xuyên kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ trâu, bò và sản phẩm từ trâu, bò; quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh trâu, bò và sản phẩm từ trâu, bò.
- Khi phát hiện trâu, bò và sản phẩm từ trâu, bò không rõ nguồn gốc đi qua địa bàn, phải kịp thời phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật.
Công tác khai báo, chẩn đoán, điều tra dịch bệnh
- Chủ vật nuôi, cá nhân hành nghề thú y khi phát hiện trâu, bò có dấu hiệu mắc bệnh VDNC phải báo ngay cho UBND cấp xã hoặc cơ quan Thú y gần nhất.
- Thú y cơ sở khi phát hiện hoặc nhận được tin báo trâu, bò có dấu hiệu mắc bệnh VDNC, có trách nhiệm: kiểm tra thông tin, chẩn đoán lâm sàng, hỗ trợ cơ quan quản lý chuyên ngành thú y lấy mẫu xét nghiệm; báo cáo UBND cấp xã, Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện.
- Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện khi nhận được thông báo trâu, bò có dấu hiệu mắc bệnh VDNC, có trách nhiệm: xác minh thông tin, chẩn đoán lâm sàng, điều tra ổ dịch; lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; hướng dẫn chủ vật nuôi áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật; báo cáo UBND cấp huyện, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y.
Công tác xử lý khi ổ dịch phát sinh
Trong trường hợp xảy ra dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò, cần phải nhanh chóng triển khai các biện pháp chống dịch và xử lý ổ dịch theo quy định của Luật Thú y; Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT; Thông tư số 09/2021/TT-BNNPTNT và các văn bản hướng dẫn về kỹ thuật của Cục Thú y.
Đơn vị chủ trì thực hiện: Chi cục Chăn nuôi và Thú y