Giai đoạn 2016 - 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường thông tin, tuyên truyền về các hoạt động bảo vệ môi trường các hoạt động hưởng ứng Ngày môi trường thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, tập trung vào việc phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, tuyên truyền về việc từ chối sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; xây dựng chuyên trang, chương trình cổ động, bài viết, phóng sự, clip tuyên truyền về bảo vệ môi trường.
Đồng thời, có văn bản, đôn đốc các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện chức năng nhiệm vụ về quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn các cơ sở thực hiện quản lý chất thải rắn đúng theo quy định. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường của các cơ sở trên địa bàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã hướng dẫn các cơ sở thực hiện quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý đúng theo quy định.
Các cơ quan quản lý nhà nước về chất thải rắn từ cấp tỉnh đến cấp xã đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân chung tay bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi, hạn chế sử dụng túi nylon, rác thải nhựa sử dụng 01 lần, kêu gọi và khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; tăng cường biện pháp chế tài đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm; lựa chọn và hợp đồng đơn vị đảm bảo năng lực, thiết bị, phương tiện trong công tác thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt và giám sát tình hình hoạt động của các đơn vị này; xây dựng mô hình phong trào bảo vệ môi trường trong xử lý rác sinh hoạt và tiếp tục thực hiện các mô hình đang triển khai.
Toàn tỉnh quy hoạch 7 dự án xử lý chất thải rắn. Trong đó, có 5 dự án được đưa vào hoạt động; 1 dự án đang triển khai xây dựng; 1 dự án đang thực hiện thủ tục đất đai, xây dựng.
Nhìn lại thời gian qua, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh, công tác quản lý chất thải rắn đã đi vào nề nếp; công tác quản lý chất thải công nghiệp, nguy hại tại các khu, cụm công nghiệp cơ bản đã đáp ứng yêu cầu đặt ra; nội dung quy hoạch các khu xử lý của tỉnh đã đáp ứng nhu cầu giải quyết trong thực tế.
Tỷ lệ chất thải rắn đô thị trên địa bàn tỉnh được thu gom, xử lý tăng dần qua các năm, từ 85% (năm 2012) tăng lên 90% (năm 2013) và 96% (năm 2017) và 100% năm 2020. Có 04/04 khu xử lý theo Quy hoạch quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh được đưa vào hoạt động bao gồm Công ty TNHH MTV Môi trường xanh Huê Phương Việt Nam, Công ty CP Công nghệ môi trường Tây Ninh và Công ty CP xử lý chất thải Tây Ninh, Công ty CP Đầu tư Phát triển Công nghệ Môi trường Thành Tiến Vina cơ bản đảm bảo đủ công suất xử lý chất thải cho đến thời điểm hiện tại.
Về chất thải nguy hại, có 05/05 cơ sở xử lý đã được UBND tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế cho chủ trương, cấp giấy chứng nhận đầu tư xử lý chất thải nguy hại với công suất thực tế hiện đã vượt khá lớn so với công suất dự báo.
Tình hình quản lý chất thải rắn giai đoạn 2016 – 2020 đã được các cơ quan ban ngành quan tâm, triển khai thực hiện. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn ngày càng đạt hiệu quả tốt hơn so với giai đoạn 2011 – 2015. Chất thải công nghiệp và chất thải y tế được quản lý và xử lý tốt, chất thải sinh hoạt tỷ lệ thu gom khá cao. Tuy nhiên, xu hướng, mức độ phát sinh chất thải rắn đang tiếp tục gia tăng, đặc biệt là rác thải sinh hoạt. Chất thải trong hoạt động trồng trọt chưa được quản lý chặt chẽ, các bao bì chứa đựng thuốc bảo vệ thực vật không được thu gom và hầu như là thải thẳng ra môi trường gây ô nhiễm môi trường.
Nhằm tăng cường năng lực và nâng cao tỉ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải rắn gây ra, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở.