Tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý chó nuôi và phòng, chống bệnh Dại ở động vật

Thứ hai - 24/06/2019 23:00 1.408 0
Ngày 24/6/2019, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1298/UBND-KTTC đề nghị Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý chó nuôi và phòng, chống bệnh Dại ở động vật.

Theo  thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình bệnh Dại có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây, cụ thể: Trong năm 2018, cả nước có 103 người tử vong vì bệnh Dại (tăng 29 trường hợp so với năm 2017) và có 521.831 người bị phơi nhiễm phải đi tiêm vắc xin phòng bệnh Dại (tăng 21.117 trường hợp so với năm 2017), trong đó 41% các trường hợp là do chó thả rông có biểu hiện ốm và lên cơn Dại cắn; Trong 4 tháng đầu năm 2019, cả nước có 16 người tử vong vì bệnh Dại và 170.765 người phơi nhiễm phải đi tiêm vắc xin Dại. Mặt khác, thời gian vừa qua tình trạng chó thả rông cắn người có chiều hướng gia tăng, đặc biệt có trường hợp người tử vong vì bị chó cắn, gây bức xúc cho dư luận và cộng đồng.

Tại Tây Ninh, trong những năm qua, bệnh Dại trên địa bàn tỉnh đã gây chết người, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, tác động tiêu cực đến xã hội, gây thiệt hại về kinh tế; năm 2017, có 11.060 người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng, 02 người chết do bị chó cắn tại huyện Bến Cầu và Tân Biên; năm 2018 có 8.954 người bị chó cắn phải tiêm phòng bệnh Dại và 04 người tử vong do bị chó dại cắn tại 03 huyện: Tân Châu, Dương Minh Châu, Gò Dầu. Trong 03 tháng đầu năm 2019, có 2.176 người bị chó cắn phải tiêm phòng bệnh Dại.

Nguyên nhân gia tăng tình trạng chó thả rông, chó cắn người là do: (1) Nhiều địa phương chưa có quy định cụ thể việc bắt giữ chó thả rông ở nơi công cộng thuộc địa bàn quản lý; (2) Chưa thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh Dại, có dấu hiệu mắc bệnh Dại; (3) Chưa áp dụng nghiêm các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ; (4) Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống bệnh Dại và việc áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, về tiêm phòng vắc xin Dại cho chó chưa được thực hiện nghiêm túc.

Nguyên nhân số người tử vong do bệnh Dại, số người phơi nhiễm phải đi tiêm phòng vắc xin Dại gia tăng là do: (1) 100% các trường hợp tử vong vì bệnh Dại là do chó bị bệnh cắn; (2) Các trường hợp tử vong đều không đi tiêm vắc xin điều trị dự phòng bệnh Dại sau khi bị chó cắn; (3) Việc sử dụng thuốc đông y để điều trị bệnh Dại vẫn còn, dẫn đến nhiều người bị tử vong do lên cơn Dại.

Nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế nêu trên và đặc biệt để giảm thiểu tình trạng chó thả rông cắn người, giảm thiểu số người bị tử vong vì bệnh Dại, thực hiện theo Chỉ thị số 3402/CT-BNN-TY ngày 16/5/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý chó nuôi và phòng, chống bệnh Dại ở động vật, ngày 24/6/2019, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1298/UBND-KTTC đề nghị Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý chó nuôi và phòng, chống bệnh Dại ở động vật theo đúng quy định của Luật Thú y; tinh thần của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 13/02/2017 phê duyệt Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2017 - 2021; Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 06/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dại; Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn.

UBND các huyện, thành phố tổ chức rà soát, thống kê chính xác số hộ nuôi chó ở từng khu dân cư, lập sổ theo dõi hộ nuôi chó và số chó nuôi trong từng hộ gia đình nhằm hỗ trợ công tác tiêm phòng vắc xin Dại; yêu cầu các hộ nuôi chó cam kết thực hiện nghiêm túc việc khai báo, đăng ký chó nuôi, tiêm phòng vắc xin Dại cho chó; chấp hành việc xích, nhốt; khi cho chó ra đường, nơi công cộng phải đeo rọ mõm cho chó theo đúng quy định.  Lập kế hoạch, khuyến khích thành lập và có cơ chế cho các đội xử lý chó thả rông, đặc biệt tại các khu vực thành thị được quy định tại Nghị định số 05/2007/NĐ-CP ngày 06/01/2007 của Chính phủ về phòng, chống bệnh Dại ở động vật. Tăng cường áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, về tiêm phòng vắc xin dại được quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm về phòng, chống bệnh Dại và quản lý chó nuôi.  Chủ động phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y tổ chức thực hiện tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó nuôi, bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tổ chức tháng cao điểm tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó vào tháng 3-4 hàng năm; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung, tránh bỏ sót đối tượng phải tiêm phòng. Thành lập các Đoàn công tác do Lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã làm trưởng đoàn phối hợp với các đơn vị chuyên môn như thú y, y tế đi kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dại tại cơ sở và điều tra các trường hợp chó Dại cắn gây thương vong trên người.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y xây dựng kế hoạch và trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt kế hoạch phòng, chống bệnh Dại hàng năm trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch cần bảo đảm có đủ các nguồn lực và kinh phí tổ chức thực hiện: Hỗ trợ vắc xin Dại tiêm phòng cho động vật trên địa bàn có người chết vì bệnh Dại trong những năm gần đây; tổ chức chủ động giám sát lưu hành mầm bệnh Dại để cảnh báo cộng đồng. Tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó đối với cộng đồng và nhận thức của người dân để tích cực tham gia công tác phòng, chống bệnh dại tại cộng đồng. Cung cấp tài liệu truyền thông trong phòng, chống bệnh dại trên người và động vật cho các địa phương để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền. Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế để tăng cường giám sát phát hiện các ca bệnh Dại để chủ động phòng, chống bệnh Dại.

 Sở Y tế theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng chuyên ngành phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (trực tiếp là Chi cục Chăn nuôi và Thú y) để triển khai thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm phòng, chống bệnh Dại động vật. Công khai địa chỉ các cơ sở y tế trên địa bàn và hướng dẫn người bị chó, mèo và các động vật khác cắn đến ngay cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân sử dụng các phương pháp chuyên môn kỹ thuật y tế chưa được công nhận, sử dụng thuốc (bao gồm cả thuốc đông y, bài thuốc cổ truyền, gia truyền) chưa được phép lưu hành để khám, điều trị cho người bị bệnh dại hoặc người bị chó, mèo và các động vật khác cắn.

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các chiến dịch truyền thông sâu rộng trong cộng đồng dân cư, nhằm nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó đối với cộng đồng và nhận thức của người dân để tích cực tham gia công tác phòng, chống bệnh Dại tại cộng đồng và quản lý chó nuôi.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Hộp thư điện tử Tây Ninh
CÔNG KHAI, MINH BẠCH
Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Tây Ninh lần thứ II - năm 2022
Họp không giấy
Tôn chỉ mục đích các cơ quan báo chí
Công báo tỉnh Tây Ninh
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM
Danh sách người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
Hướng Dẫn Dịch Vụ Công
Danh sách phóng viên thường trú địa bàn Tây Ninh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập8
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm6
  • Hôm nay2,746
  • Tháng hiện tại123,928
  • Tổng lượt truy cập18,490,799
Tra cứu hồ sơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây