Những điểm mới trong Luật Giao dịch điện tử - Cơ hội để chuyển đổi số

Thứ ba - 02/01/2024 14:25 248 0
Luật Giao dịch điện tử sửa đổi được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, ban hành ngày 22/6/2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 (Luật Giao dịch điện tử số 20/2023/QH15), hứa hẹn sẽ là tiền đề quan trọng để cho quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam bứt phá trong thời gian tới.
f5f86e43e3b0b425e55ffcdcd9d755f0


Điểm mới của Luật Giao dịch điện tử sửa đổi lần này so với Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 là bổ sung quy định về giá trị pháp lý của việc chuyển đổi giữa bản giấy và bản điện tử, quy định về chứng thư điện tử, mở rộng đối tượng điều chỉnh... Đây được coi là một bước đột phá lớn để thúc đẩy các hoạt động giao dịch điện tử khi việc giao dịch có thể thực hiện hoàn toàn, từ đầu đến cuối bằng phương tiện điện tử.

Trong Luật Giao dịch điện tử, thông điệp dữ liệu được thể hiện dưới hình thức văn bản điện tử, tài liệu điện tử, chứng thư điện tử, chứng từ điện tử, hợp đồng điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và hình thức trao đổi dữ liệu điện tử khác theo quy định của pháp luật, được tạo ra, phát sinh trong quá trình giao dịch hoặc được chuyển đổi từ văn bản giấy. Thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản, như “bản gốc” và “không bị phủ nhận giá trị pháp lý”.

Chứng thư điện tử cũng có giá trị pháp lý khi đáp ứng đủ các yêu cầu sau: (a) Chứng thư điện tử được ký bằng chữ ký số của cơ quan, tổ chức phát hành theo quy định của Luật này; (b) Thông tin trong chứng thư điện tử có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh; (c) Trường hợp pháp luật yêu cầu chỉ ra thời gian liên quan đến chứng thư điện tử thì chứng thư điện tử phải có dấu thời gian.

Hợp đồng điện tử được giao kết hoặc thực hiện từ sự tương tác giữa một hệ thống thông tin tự động với người hoặc giữa các hệ thống thông tin tự động với nhau. Luật Giao dịch điện tử sửa đổi cũng giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thực hiện hợp đồng điện tử, đưa ra cơ sở pháp lý để Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có thể ban hành theo thẩm quyền quy định về hợp đồng điện tử trong ngành, lĩnh vực của mình phù hợp với điều kiện thực tiễn. Chẳng hạn, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có thể ban hành Thông tư về hợp đồng lao động điện tử, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có thể ban hành Thông tư về hợp đồng du lịch điện tử...

Luật Giao dịch điện tử sửa đổi lần này còn dành cả một chương cho giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, bao gồm các loại hình giao dịch như: (1). Giao dịch điện tử trong nội bộ cơ quan nhà nước; (2). Giao dịch điện tử giữa các cơ quan nhà nước với nhau; (3). Giao dịch điện tử giữa cơ quan nhà nước với cơ quan, tổ chức, cá nhân. Dữ liệu trong cơ quan nhà nước được tổ chức thống nhất, được phân cấp quản lý theo trách nhiệm quản lý của cơ quan nhà nước nhằm thúc đẩy giao dịch điện tử; được chia sẻ phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước, người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Cơ quan nhà nước có trách nhiệm bảo đảm khả năng sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu cho cơ quan, tổ chức, cá nhân, phục vụ giao dịch điện tử. Cơ quan nhà nước phải bảo đảm kết quả giải quyết thủ tục hành chính hoặc kết quả hoạt động công vụ khác không thuộc phạm vi bí mật nhà nước đều có văn bản điện tử có giá trị pháp lý như văn bản giấy, có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh. Cơ quan nhà nước phải tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của tổ chức, cá nhân trên môi trường điện tử, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Các lĩnh vực hoạt động của cơ quan nhà nước ưu tiên thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử bao gồm: cung cấp dịch vụ công; công tác quản trị nội bộ; chỉ đạo, điều hành; giám sát, kiểm tra, thanh tra.

Một chính sách đáng chú ý nữa của Luật Giao dịch điện tử sửa đổi là chia sẻ dữ liệu, giám sát, kiểm tra, thanh tra trực tuyến. Chính sách này đặt cơ sở pháp lý quan trọng cho việc quản lý Nhà nước sử dụng dữ liệu lớn thay vì quản lý Nhà nước theo cách truyền thống. Bên cạnh đó, Luật Giao dịch điện tử sửa đổi đã bổ sung quy định về sử dụng, công nhận chữ ký điện tử nước ngoài. Quy định này sẽ giảm chi phí giao dịch xuyên biên giới cho tổ chức, cá nhân; thúc đẩy hoạt động giao dịch điện tử xuyên biên giới.

Có thể nói, Luật Giao dịch điện tử sửa đổi sẽ có tác động mạnh mẽ đến tất cả hoạt động của đời sống xã hội, giúp tiết kiệm cho xã hội nhiều chi phí hơn so với giao dịch truyền thống, tạo ra những đột phá, mang lại nhiều hiệu quả lớn. Các bên không cần gặp mặt trực tiếp để thực hiện giao dịch. Hơn nữa, thời gian giao dịch rất nhanh chóng bởi các bên có thể thực hiện ở bất cứ đâu với một vài thao tác đơn giản trên thiết bị điện tử.

Luật còn có tác động rất lớn đến hoạt động trên môi trường điện tử của cơ quan Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Các quy trình thực hiện giao dịch điện tử được luật hóa một cách rõ ràng sẽ đảm bảo giá trị pháp lý cho giao dịch điện tử. Bằng cách đó, luật sẽ tạo một hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Việc công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch truyền thống với các điều kiện kèm theo có ý nghĩa rất quan trọng đối với lộ trình chuyển đổi số của nền kinh tế nói chung, trong bối cảnh nhu cầu giao dịch điện tử tăng trưởng nhanh chóng hiện nay.

Luật Giao dịch điện tử sửa đổi giúp hoàn thiện hành lang pháp lý cho các hoạt động giao dịch trên không gian mạng, mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội. Đặc biệt là với vấn đề bảo đảm giá trị pháp lý của chữ ký điện tử, chứng thực điện tử, hợp đồng điện tử nói riêng và giá trị pháp lý của các giao dịch điện tử nói chung. Tới đây sẽ tiếp tục có các văn bản hành lang liên quan tới Luật được cụ thể hóa bởi Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Từ đó giúp cho người dân, doanh nghiệp tin tưởng và mạnh dạn hơn với việc thực hiện các giao dịch qua các hình thức điện tử. Nhờ vậy, chi phí vận hành các hoạt động kinh tế cũng được kỳ vọng sẽ giảm xuống, gia tăng năng lực cạnh tranh, hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, đồng thời mang lại sự tiện lợi, tối ưu chi phí và thời gian cho người dân.

Việc Luật Giao dịch điện tử được thông qua và ban hành, giúp hoàn thiện hơn nữa hành lang pháp luật liên quan đến các hoạt động chuyển đổi số của Việt Nam, là cơ hội để chuyển đổi số Việt Nam bứt phá trong thời gian tới.

 

Tác giả: Huỳnh Văn Xô

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Hộp thư điện tử Tây Ninh
CÔNG KHAI, MINH BẠCH
Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Tây Ninh lần thứ II - năm 2022
Họp không giấy
Tôn chỉ mục đích các cơ quan báo chí
Công báo tỉnh Tây Ninh
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM
Danh sách người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
Hướng Dẫn Dịch Vụ Công
Danh sách phóng viên thường trú địa bàn Tây Ninh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập158
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm154
  • Hôm nay3,771
  • Tháng hiện tại162,237
  • Tổng lượt truy cập18,098,582
Tra cứu hồ sơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây