Hoạt động mại dâm có biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp. Mại dâm tại nơi công cộng có xu hướng giảm mạnh thay vào đó, các nhóm tội phạm thực hiện với nhiều phương thức hoạt động kín đáo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ; mại dâm nam, mại dâm đồng tính, biến tướng theo "hợp đồng", tour du lịch, nhận "con nuôi", "bố nuôi".
Hoạt động mại dâm có xu hướng sử dụng mạng internet, ứng dụng công nghệ thông tin, thông qua các trang mạng xã hội, diễn đàn, nhóm kín; ra nước ngoài để hoạt động mại dâm diễn biến khó kiểm soát...
Sau khi Pháp lệnh Phòng chống mại dâm được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI ban hành, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan đã ban hành 10 Nghị định, 6 Quyết định, 3 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; 29 Thông tư, Thông tư liên tịch và Quyết định của Bộ LĐTB&XH và các bộ, ngành liên quan để hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Phòng chống mại dâm.
Trong thời gian tới, cần nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng chống mại dâm; chú trọng đổi mới cách thức, nội dung công tác truyền thông theo hướng sinh động để thu hút giới trẻ, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, qua mạng Internet và mạng xã hội; các hình thức truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, có tính tương tác cao tại các khu công nghiệp, trường học…; vận động quần chúng nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác phòng ngừa, tố giác tội phạm về tệ nạn mại dâm.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm thông qua lồng ghép các chương trình có liên quan tại địa bàn cơ sở; thiết lập cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan trong các chương trình về dạy nghề, tìm việc làm, hỗ trợ vay vốn, giảm nghèo, người dân tộc thiểu số… để giảm đối tượng có nguy cơ cao; hỗ trợ người bán dâm tiếp cận các dịch vụ từ các chương trình trên nhằm cung cấp cho họ các cơ hội lựa chọn công việc phù hợp.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra; kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật về phòng chống mại dâm; điều tra, truy tố các tội phạm liên quan đến mại dâm; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự xã hội đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện; phòng chống mại dâm trên không gian mạng; giải quyết hiệu quả tình trạng người Việt Nam ra nước ngoài hoạt động mại dâm; mua bán phụ nữ, trẻ em vì mục đích mại dâm…
Xây dựng, triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại, phòng ngừa lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng chống mại dâm; xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội đối với người bán dâm để hòa nhập cộng đồng.
Hình thành mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ giảm hại; phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm có sự tham gia của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, chuyên gia, cá nhân trong và ngoài nước và một số nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm.
Tiếp tục đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống mại dâm.
Ngoài ra, tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng chống mại dâm, mua bán người vì mục đích mại dâm, mại dâm trẻ em và giải quyết vấn đề người Việt Nam ra nước ngoài hoạt động mại dâm để tạo sự đồng thuận, ủng hộ và hỗ trợ kỹ thuật, tài chính của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ.
Tác giả: Huỳnh Văn Xô
Ý kiến bạn đọc