Kết thúc dịch AIDS không có nghĩa là không còn người nhiễm HIV, không còn người tử vong do AIDS mà kết thúc dịch AIDS có nghĩa là khi đó AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại ở cộng đồng. Mục tiêu kết thúc dịch AIDS là khi Việt Nam đạt được các tiêu chí sau:
Số người nhiễm HIV phát hiện dưới 1.000 ca mỗi năm. Tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến AIDS dưới 1/100.000 dân. Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con dưới 2%. Đứng trước tình hình dịch HIV/AIDS đang ảnh hưởng mạnh lên nhóm tuổi trẻ, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành nhiều văn bản về việc tăng cường phòng, chống HIV/AIDS ở trường học và các khu công nghiệp. Theo đó để nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về HIV/AIDS cho thanh viên cần có sự góp sức của đoàn thanh niên các cấp trong việc chủ động triển khai các hoạt động truyền thông phù hợp với điều kiện của từng đơn vị mình. Thông qua các kênh truyền thông trực tiếp và gián tiếp, đặc biệt qua mạng internet.
Đối với thanh niên là học sinh, sinh viên: Tăng cường cung cấp thông tin về HIV/AIDS, giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn; tác hại của ma túy; cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV ở giới trẻ thông qua các tiết ngoại khóa, các hội thảo, nói chuyện chuyên đề, các cuộc thi viết về HIV/AIDS, các hoạt động sân khấu; lồng ghép trong các buổi mít tinh, các sự kiện truyền thông tại các trường học. Tăng cường truyền thông về chống kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS, các biện pháp tự phòng tránh lây nhiễm HIV và lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của học sinh, sinh viên.
Đối với thanh niên là công nhân, người lao động: Tăng cường các hoạt động truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trên các kênh thông tin, truyền thông của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các doanh nghiệp, tập trung vào một số nội dung: hiểu biết về HIV/AIDS và các biện pháp phòng tránh; tiếp cận và sử dụng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV... Tổ chức phân phát ấn phẩm truyền thông, các hội thảo, sự kiện và các hình thức truyền thông phù hợp khác về phòng, chống HIV/AIDS tại các công ty thuộc các khu công nghiệp có nhiều nam công nhân của một số tỉnh trọng điểm về HIV/AIDS, đặc biệt ở các khu công nghiệp lớn.
Trước mục tiêu trên hàng năm các ban ngành đoàn thể trên địa bàn huyện đã tổ chức nhiều buổi truyền thông lồng ghép tuyên truyền phòng chống ma túy, mại dâm đến người dân, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên và công nhân tại các nhà máy xí nghiệp trên địa bàn huyện. Theo đó trong 9 tháng đầu năm 2024 huyện đã tổ chức hơn 40 buổi tuyên truyền lồng ghép về phòng chống tác hại của ma túy, mại dâm trong trường học và các công ty, xí nghiệp trên địa bàn huyện. Qua đó nâng cao nhận thức của người dân về tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng xã hội an toàn lành mạnh tại địa phương.
Trong những năm qua, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong đó có phong trào trọng tâm là xây dựng gia đình văn hóa đã có nhiều phát triển, khởi sắc. Phong trào phát triển cả về số lượng và chất lượng, có tác động tích cực trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Số gia đình đăng ký và đạt danh hiệu gia đình văn hóa mỗi năm một tăng. Đặc biệt kể từ năm 2001, ngày 28/6 hàng năm được lấy là ngày Gia đình Việt Nam thì phong trào càng được tăng cường hơn. Có thể nói, trong kết quả công tác phòng, chống mại dâm và các tệ nạn xã hội khác có sự đóng góp không nhỏ của phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Đó chính là một “phòng tuyến” quan trọng để đẩy lùi các tệ nạn mại dâm trong đó có tệ nạn mại dâm xâm nhập vào gia đình, cộng đồng. Những giá trị truyền thống quý báu của gia đình như yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thuỷ chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù và sáng tạo trong lao động, bất khuất kiên cường vượt qua mọi khó khăn thử thách đã được gìn giữ, vun đắp và phát huy qua nhiều thế hệ. Coi xây dựng gia đình là cơ sở, điều kiện để mỗi gia đình trong xã hội bền vững, là môi trường trong sạch, chắc chắn để hình thành và phát triển nhân cách con người; Theo Chỉ thị số 49 của Ban bí thư Trung ương Đảng về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá” đã nhấn mạnh việc phải “tăng cường công tác giáo dục đời sống gia đình. Cung cấp tới từng gia đình các kiến thức, kỹ năng sống, như: kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình với nhau và với cộng đồng. Giáo dục và vận động mọi gia đình tự nguyện, tự giác, tích cực thực hiện nếp sống văn minh... Trong giáo dục, phải kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam gắn với xây dựng những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển”.
Gia đình không chỉ là tế bào tự nhiên mà còn là một đơn vị kinh tế của xã hội, vì thế, muốn có một xã hội phát triển lành mạnh thì trước hết từng tế bào phải phát triển bền vững, để xã hội tồn tại và phát triển. Trên tinh thần đó, Văn kiện Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh: “Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; thực hiện tốt bình đẳng giới, sự tiến bộ của phụ nữ; chăm sóc, giáo dục và bảo vệ quyền trẻ em. Vì thế, yêu cầu phải “sớm có chiến lược quốc gia về xây dựng gia đình Việt Nam, góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống của văn hóa, con người Việt Nam, nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chung của người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã được chú trọng.
Trên tinh thần đó, “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chiến lược khẳng định, gia đình là môi trường quan trọng để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, bên cạnh mục tiêu chung: “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội”.
Nhằm ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tệ nạn mại dâm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động ở các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và cộng đồng trong công tác phòng, chống mại dâm. theo đó phấn đấu trong năm 2024, trên địa bàn huyện Tân Châu có ít nhất 70% xã, thị trấn tổ chức các hình thức tuyên truyền về phòng ngừa mại dâm và được duy trì thường xuyên. Huyện và 100% các xã, thị trấn, lồng ghép nhiệm vụ phòng, chống tệ nạn mại dâm với thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; các chương trình an sinh, trợ giúp xã hội; chương trình phòng, chống ma túy; chương trình phòng, chống mua bán người; chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Tổ chức kiểm tra ít nhất 20% số cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn; 100% số vụ việc vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm được xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật. 100% tin tố giác, tin báo, khiếu nại hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm được tiếp nhận, xác minh, phân loại, xử lý kịp thời. Triệt phá các tổ chức tội phạm liên quan đến tệ nạn mại dâm khi phát hiện. Phấn đấu ít nhất 60% người bán dâm được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xã hội, hòa nhập cộng đồng nếu có nhu cầu tiếp cận và đủ điều kiện sử dụng.
Để thực hiện Kế hoạch một cách hiệu quả, UBND huyện đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: Đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống phòng, chống mại dâm nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và cộng đồng đối với công tác phòng, chống mại dâm, làm cho mọi người tích cực tham gia phòng ngừa, ngăn chặn mại dâm, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người bán dâm, tạo cơ hội cho họ thay đổi công việc.
Quản lý về an ninh, trật tự: Một trong những biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhằm hạn chế, tiến tới loại trừ nguyên nhân và điều kiện dẫn đến mại dâm chính là tăng cường công tác quản lý về an ninh, trật tự không chỉ trong nội địa mà cả khu vực biên giới, cửa khẩu đường mòn lối mỡ. Theo dõi chặt chẽ nhân khẩu, hộ khẩu ở địa bàn dân cư thông qua thông tin cư trú; tăng cường kiểm tra nhân khẩu ở địa bàn; giám sát chặt chẽ sự biến động dân cư trên địa bàn; giám sát chặt chẽ các đối tượng có tiền án, tiền sự và các đối tượng có nghi vấn khác trên địa bàn.
Quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh dịch vụ nhằm phòng ngừa việc lợi dụng các hoạt động này để tổ chức mại dâm, đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động này để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi mua- bán dâm, bạo lực, xâm phạm các quyền cơ bản của người bán dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ.
Lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, chương trình phòng, chống tội phạm, góp phần hạn chế, tiến tới loại trừ nguyên nhân và điều kiện của tình trạng mại dâm; cần xác định việc giải quyết vấn đề mại dâm là một trong những mục tiêu ưu tiên của các chương trình phát triển kinh tế-xã hội như: hỗ trợ sinh kế cho người yếu thế, hỗ trợ tín dụng cho các hộ gia đình khó khăn để phát triển kinh tế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chương trình phòng, chống tội phạm. Đấu tranh, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan đến mại dâm nếu có.