Xu hướng hạn chế tiếp cận nạn nhân được các đối tượng phạm tội sử dụng ngày càng nhiều khiến việc phát hiện, phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn của các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.Nhiều đối tượng dùng chiêu bài dụ dỗ kiếm "việc nhẹ, lương cao" tổ chức cho nạn nhân vượt biên, sau đó ép buộc làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài.
Theo số liệu của Bộ Công an, giai đoạn 2018-2022, cả nước phát hiện 440 vụ với 876 đối tượng vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người với 1.240 nạn nhân. Các cơ quan có thẩm quyền đã giải cứu, phối hợp giải cứu 352 nạn nhân; tiếp nhận, xác minh 545 nạn nhân từ nước ngoài trở về. Cơ quan điều tra các cấp thuộc Bộ Công an kiến nghị khởi tố 386 vụ/808 bị can.Tuy nhiên, số lượng vụ phạm tội mua bán người được phát hiện, điều tra, xử lý còn ít so với thực tế.
Các tội phạm mua bán người có sự bàn bạc, cấu kết với một số đối tượng, tiếp cận tìm hiểu những người có nhu cầu tại các bệnh viện lớn. Ðồng thời, qua Facebook, Zalo... tìm những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cần tiền trang trải cuộc sống, dụ dỗ họ bán nội tạng.
Kết quả khảo sát việc chấp hành pháp luật về phòng chống mua bán người do Ủy ban Tư pháp tiến hành ở một số địa phương cho thấy, những nguyên nhân hạn chế nêu trên xuất phát từ các quy định của pháp luật liên quan phòng chống mua bán người được ban hành đã lâu, không còn phù hợp thực tiễn. Trong khi đó, quy định pháp luật thiếu sự thống nhất giữa Bộ luật Hình sự và Luật Phòng, chống mua bán người gây khó khăn trong quá trình phát hiện, xử lý. Mặt khác, việc chấp hành pháp luật về phòng chống mua bán người ở một số địa phương chưa nghiêm. Công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm mua bán người và công tác giải cứu, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng này chưa thật sự đáp ứng yêu cầu.
Ðể nâng cao hiệu quả công tác phòng chống mua bán người trong tình hình mới, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, giải pháp trọng tâm, mang tính chiến lược là sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý về phòng chống mua bán người, sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người là yêu cầu cấp thiết.
Tác giả: Huỳnh Văn Xô
Ý kiến bạn đọc