Tăng cường thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống mại dâm nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và cộng đồng đối với công tác phòng, chống mại dâm, làm cho mọi người tích cực tham gia phòng ngừa, ngăn chặn mại dâm, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người bán dâm, tạo cơ hội cho họ thay đổi công việc.
Quản lý về an ninh, trật tự: Một trong những biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhằm hạn chế, tiến tới loại trừ nguyên nhân và điều kiện dẫn đến mại dâm chính là tăng cường công tác quản lý về an ninh, trật tự không chỉ trong nội địa mà cả khu vực biên giới, cửa khẩu và trên biển. Theo dõi chặt chẽ nhân khẩu, hộ khẩu ở địa bàn dân cư thông qua công tác hộ tịch, hộ khẩu; tăng cường kiểm tra nhân khẩu ở địa bàn; giám sát chặt chẽ sự biến động dân cư trên địa bàn thông qua chế độ đăng ký tạm trú, tạm vắng; giám sát chặt chẽ các đối tượng có tiền án, tiền sự và các đối tượng có nghi vấn khác trên địa bàn.
Quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh dịch vụ nhằm phòng ngừa việc lợi dụng các hoạt động này để tổ chức mại dâm, đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động này để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi mua – bán dâm, bạo lực, xâm phạm các quyền cơ bản của người bán dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ.
Lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, chương trình phòng, chống tội phạm, góp phần hạn chế, tiến tới loại trừ nguyên nhân và điều kiện của tình trạng mại dâm; cần xác định việc giải quyết vấn đề mại dâm là một trong những mục tiêu ưu tiên của các chương trình phát triển kinh tế-xã hội (chương trình xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ tín dụng cho các hộ gia đình khó khăn để phát triển kinh tế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chương trình phòng chống tội phạm)