Thực trạng mại dâm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Thứ sáu - 13/10/2023 08:57 1.121 0
Hiện nay khu vực trên tuyến biên giới đối diện phía Camphuchia rất nhiều Casino, massage, khách sạn, nhà nghỉ (trong đó có hoạt động mại dâm phần lớn là người Việt Nam).
Theo đó, tình hình tệ nạn mại dâm và tội phạm có liên quan đến mại dâm diễn biến phức tạp và biến động theo từng địa bàn, tệ nạn mại dâm không chỉ tập trung ở những khu dân cư mà còn lan rộng, len lỏi vào những vùng nông thôn, hẻo lánh, phương thức, thủ đoạn hoạt động mại dâm ngày càng đa dạng, phức tạp khó kiểm soát, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội tại những khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Tệ nạn mại dâm làm xói mòn đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc, ảnh hưởng xấu đến đời sống văn hóa xã hội và là nguyên nhân gây phổ biến căn bệnh HIV/AIDS, là hoạt động tệ nạn đang gây lo lắng và bất bình nhất trong quần chúng nhân dân và trong toàn xã hội.

Thời gian qua các ngành chức năng đã có nhiều kiên quyết trong công tác phòng, chống mại dâm, áp dụng nhiều biện pháp xử lý nhưng tệ nạn mại dâm vẫn còn diễn biến phức tạp. Các đối tượng hoạt động mại dâm ngày càng kín đáo, tổ chức nhỏ, lẻ, hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, hầu như việc trao đổi mại dâm đều thực hiện qua môi trường mạng, các đối tượng luôn tìm cách đối phó nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng thống kê trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 560 người bán dâm được tiếp cận. Các tụ điểm địa bàn phức tạp về tệ nạn mại dâm có 37 tụ điểm hoạt động dễ phát sinh tệ nạn mại dâm và 1.537 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, trong đó 53 cơ sở kinh doanh dịch vụ liên quan đến hoạt động mại dâm và 06 cơ sở kinh doanh dịch vụ nghi vấn hoạt động mại dâm với 16 nhân viên. Số đối tượng nghi vấn chứa, môi giới mại dâm là 14 đối tượng và số người nghi vấn bán dâm là 48 đối tượng.


Số người nhiễm HIV từ 2003 đến 30/06/2023: 6.392 người. Trong đó, số mại dâm nhiễm HIV: 47 người, chiếm tỷ lệ: 0,74%. Tình hình mại dâm luôn tìm ẩn phức tạp, các đối tượng mại dâm đã xử lý vi phạm về hành vi bán dâm, môi giới mại dâm, chứa mại dâm …khi về địa phương hoạt động tinh vi nhằm đối phó với cơ quan chức năng.

Thực tiễn 20 năm thực hiện Pháp lệnh phòng, chống mại dâm

Kết quả thực hiện thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm: hoạt động mại dâm dưới mọi hình thức đều là hành vi, vi phạm pháp luật, đi ngược lại với truyền thống, văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc, vì vậy việc đấu tranh, phòng, chống mại dâm là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Trong những năm qua công tác đấu tranh phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh luôn quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành, sự vào cuộc của toàn xã hội trong phong trào đấu tranh phòng, chống các các tệ nạn xã hội đặc biệt hoạt động mại dâm, từ đó khẳng định hoạt động đấu tranh phòng, chống mại dâm là việc làm đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, phù hợp với truyền thống đạo lý, thuần phong, mỹ tục của dân tộc và được sự đồng tình của toàn xã hội.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mại dâm trong giai đoạn hiện nay trước hết phải tạo được sự đồng thuận về nhận thức, quan điểm và huy động sự tham gia đông đảo của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo điều hành công tác phòng, chống mại dâm bằng những nội dung, biện pháp cụ thể mới đem lại hiệu quả cao, phải thực hiện toàn diện, đồng bộ các giải pháp về phòng, chống mại dâm, từ việc tuyên truyền giáo dục đến phòng ngừa và đấu tranh. Đồng thời gắn công tác phòng, chống mại dâm với công tác hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho người phụ nữ, nhất là số chị em phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức các dịch vụ vui chơi giải trí, sinh hoạt văn hóa, giáo dục đạo đức lối sống... để làm giảm các điều kiện, nguyên nhân phát sinh, phát triển tệ nạn mại dâm, thường xuyên kiểm tra, quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh dịch vụ có biểu hiện hoạt động mại dâm, đồng thời xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm và các đối tượng có liên quan đến mại dâm. Cần phải có sự phối hợp giữa các ngành chức năng trong công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, tổ chức lực lượng trấn áp các tụ điểm hoạt động mại dâm. Thường xuyên tổ chức sơ, tổng kết rút kinh nghiệm…

Kết quả công tác tổ chức thi hành Pháp lệnh phòng, chống mại dâm năm 2003 trong thời gian từ năm 2003 đến ngày 30/6/2023: tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện Pháp lệnh số 10/2003/PL-UBTVQH11 ngày 17 tháng 3 năm 2003 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về phòng, chống mại dâm; Nghị định số 178/NĐ-TTg, ngày 15/10/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm; Nghị Quyết số 09/1998/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 1998 của Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22 tháng 10 năm 2010 của Ban Chấp hành trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Chỉ thị số 09/CT/TW ngày 01 tháng 12 năm 2011 của Ban Bí thư Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trong tình hình mới; Chỉ thị số 22/CT-TTg, ngày 15/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phòng, chống mại dâm trong tình hình hiện nay; Quyết định số 151/2000/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình hành động phòng, chống tệ nạn mại dâm giai đoạn 2001 - 2005; Quyết định số 52/2006/QĐ-TTg, ngày 08/03/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phối hợp liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm giai đoạn 2006 - 2010; Quyết định số 679/QĐ-TTg, ngày 10/05/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2015; Quyết định số 361/QĐ-TTg ngày 07 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 – 2020, Quyết định số 1629/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021 – 2025; Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 26/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện mục tiêu 04 giảm trên địa bàn tỉnh đến năm 2025;…

Về xây dựng, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh phòng, chống mại dâm năm 2003: ban hành Quyết định số 16/2011/QĐ-UBND ngày 02 tháng 6 năm 2011 của UBND tỉnh về việc ban hành đề án xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Quyết định số 1349/QĐ-UBND ngày 17/7/2013 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch xây dựng mô hình phòng ngừa mại dâm tại cộng đồng kết hợp thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giảm tác hại về phòng, chống HIV trong phòng, chống mại dâm và mô hình thí điểm chính sách, biện pháp quản lý, hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2013-2015; Quyết định số 2578/QĐ-UBND ngày 07/10/2016 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Quyết định số 1021/QĐ-UBND ngày 10 tháng 5 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành kế hoạch phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Kế hoạch số 1891/KH-UBND ngày 22/6/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 26/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện mục tiêu 04 giảm trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; Quyết định số 18/2022/QĐ-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2022 của UBND tỉnh về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành Văn hoá – Xã hội tỉnh Tây Ninh…

Thực hiện phân công nhiệm vụ cụ thể và trách nhiệm của các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cụ thể hóa thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm theo từng giai đoạn, đồng thời lồng ghép nội dung vào trong thực hiện từng giai đoạn Chương trình phòng, chống tội phạm mua bán người, cụ thể hóa và thực hiện việc phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, trong đó tập trung hỗ trợ nạn nhân bị mua bán liên quan đến các vụ án mua bán dâm, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng.

- Về chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm: Hàng năm, các sở, ngành, UBND các các huyện, thị xã, thành phố đều ban hành Kế hoạch, công văn chỉ đạo, triển khai thực hiện cụ thể. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định thành lập và thường xuyên kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh; Ban Chỉ đạo ban hành Quy chế hoạt động, phân công, nhiệm vụ thực hiện nhiệm vụ cụ thể để thực hiện theo nhiệm vụ ngành, địa phương. Theo đó, Ban Chỉ đạo đã cơ cấu mời Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tham gia là thành viên để phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, đấu tranh phòng ngừa tại cơ sở thông qua lực lượng nòng cốt, đoàn viên, hội viên.

Qua 20 năm thực hiện Pháp lệnh phòng, chống mại dâm năm (2003 – 2023), tỉnh đã chỉ đạo ngành Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương đã tổ chức hơn 10 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho hơn 560 cán bộ công chức phục trách công tác phòng, chống mại dâm. Từ năm 2015 đến 2023 tổ chức 02 lớp tập huấn triển khai các văn bản pháp luật cho hơn 1.757 thành viên Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm cấp tỉnh, huyện, xã và tuyên truyền các quy phạm pháp luật cho hơn 1.071 cơ sở kinh doanh dịch vụ ngành nghề nhạy cảm trên địa bàn tỉnh.

Triển khai thực hiện các mô hình can thiệp giảm tác hại như: các đồng đẳng viên và nhân viên tiếp cận cộng đồng, tiếp cận các đối tượng có hành vi nguy cơ cao về mại dâm, tiêm chích ma túy, đồng giới trên địa bàn tỉnh bao gồm Chương trình bơm kim tiêm sạch: phát miễn phí cho đối tượng có hành vi nguy cơ cao trung bình 1 năm/220.000 bơm kim tiêm, đồng thời thu hồi bơm kim tiêm bẩn 154.000 bơm kim tiêm; Chương trình bao cao su và chất bôi trơn: thông qua mạng lưới tuyên truyền viên đồng đẳng phát miễn phí trung bình 1 năm/150.000 bao cao su và 15.000/năm chất bôi trơn cho các đối tượng là người hành nghề mại dâm và quan hệ đồng giới nam; Đồng đẳng viên hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh thực hiện tiếp cận đối tượng mại dâm, tuyên truyền hướng dẫn sử dụng bao cao su đúng cách và giới thiệu đến dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV, khám lây truyền qua đường tình dục…

Về bố trí ngân sách thực hiện công tác phòng, chống mại dâm: Từ năm 2016 đến 2020, hàng năm ngân sách hỗ trợ mỗi đơn vị là 40 triệu đồng, riêng Công an tỉnh là 250 triệu đồng. Từ năm 2021 đến 2022 hỗ trợ kinh phí cho Báo Tây Ninh và Đài phát thanh và Truyền hình Tây Ninh mỗi đơn vị là 80 triệu đồng; Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, Liên đoàn lao động tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Tỉnh Đoàn, Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh mỗi đơn vị là 50 triệu đồng. Từ năm 2023 hỗ trợ kinh phí cho Báo Tây Ninh và Đài phát thanh và Truyền hình Tây Ninh mỗi đơn vị là 90 triệu đồng; Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, Liên đoàn lao động tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Tỉnh Đoàn, Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh mỗi đơn vị là 60 triệu đồng thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống mại dâm và xây dựng kế hoạch lồng ghép, tổ chức nhiệm vụ với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương như giảm nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn, chương trình việc làm, phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống tội phạm mua bán người vì mục đích mại dâm…Các sở, ngành tỉnh: Công an tỉnh, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động – Thương binh và Xã hội, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Y tế đã ký kết Quy chế phối hợp số 06 ngày 28/6/2017 về quản lý các cơ sở đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Về công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh ngành nghề nhạy cảm: trên cơ sở văn bản chỉ đạo của Trung ương về lĩnh vực phòng, chống mại dâm, Tỉnh đã cụ thể hóa nhiệm vụ và giải pháp cơ bản trong công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh, bên cạnh đó việc thực hiện kiểm tra các cơ sở kinh doanh ngành nghề nhạy cảm của Đội Kiểm tra liên ngành Văn hóa – Xã hội tỉnh (ngành Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì không thực hiện được giai đoạn từ 2016 đến 2020 do không có quy định chi tiết nội dung và mức chi cho Đội kiểm tra liên ngành văn hóa – xã hội trong công tác kiểm tra, thanh tra và công tác đấu tranh, xử lý tội phạm liên quan đến mại dâm do Thông tư số 10/2012/TTLT-BTC-BLĐTBXH, ngày 19 tháng 01 năm 2012 của liên bộ Bộ Tài chính và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011 – 2015 không còn hiệu lực). Năm 2021, Chính phủ ban hành Quyết định số 1629/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2021 phê duyệt Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021 – 2025; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1021/QĐ-UBND ngày 10 tháng 5 năm 2021 về việc ban hành kế hoạch phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh quy định cụ thể kinh phí thực hiện chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021- 2025, Quyết định số 18/2022/QĐ-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2022 của UBND tỉnh về Quy chế tổ chức và hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành Văn hoá – Xã hội tỉnh Tây Ninh. Từ năm 2022 đến nay, Đội Kiểm tra liên ngành Văn hóa – Xã hội bao gồm: 02 đội (cấp tỉnh), 09 đội (cấp huyện), 94 đội (cấp xã) và Công an tỉnh thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm với hơn 1.716 lượt cơ sở, qua kiểm tra phát hiện và xử phạt 56 cơ sở với số tiền là 841.900.000 đồng.

Sau 20 năm thực hiện Pháp lệnh, công tác phòng, chống mại dâm đã có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, bên cạnh đó, qua quá trình thực hiện có thể thấy vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, phát sinh cần được sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới. Hiện nay, các quy định của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm không theo kịp tình hình tệ nạn mại dâm thực tế. Pháp lệnh đã quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc về phòng, chống tệ nạn mại dâm, tuy nhiên một số quy định trong Pháp lệnh phòng, chống mại dâm và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống mại dâm trong tình hình mới, cụ thể:


Khái niệm về mại dâm (mua dâm, bán dâm) theo quy định của Pháp lệnh chỉ quy định về “hành vi giao cấu” mà không quy định về các hành vi quan hệ tình dục khác, không bao quát được hết các hành vi mua, bán dâm trong thực tế hiện nay như mua, bán dâm giữa những người đồng tính, người chuyển giới, các hành vi liên quan đến mại dâm như kích dục, khiêu dâm hoặc các hành vi quan hệ tình dục khác... nên cơ quan chức năng không thể xử lý hình sự về các tội liên quan đến mại dâm hay xử lý vi phạm hành chính về hành vi đối với người đứng đầu cơ sở kinh doanh dịch vụ để xảy ra tệ nạn mại dâm tại cơ sở quản lý.

Tại Điều 4 Pháp lệnh đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm, tuy nhiên hiện chưa có quy định về xử lý hình sự người tham gia vào hoạt động mại dâm như hành vi tổ chức mại dâm, bảo kê mại dâm, cưỡng bức mại dâm, lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm.

Hiện nay, người bán dâm và người mua dâm (trừ trường hợp người mua dâm người dưới 18 tuổi) chỉ bị xử phạt hành chính nên chưa đủ sức răn đe trong khi những người này cần phải bị xử lý nghiêm để góp phần hạn chế sự gia tăng tệ nạn và các tội phạm về mại dâm.

Pháp lệnh hầu như không đề cập đến vấn đề giảm tác hại của mại dâm nhằm phòng ngừa sự lây truyền HIV/AIDS. Thực tế Pháp lệnh đã đưa ra các biện pháp khác nhau để thực hiện công tác phòng, chống mại dâm, nhưng nội dung biện pháp đó chưa đầy đủ, còn mang tính nguyên tắc, chưa có cơ chế cho việc triển khai thực hiện các biện pháp trên trong thực tiễn. Cụ thể như biện pháp tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mại dâm mới chỉ đưa ra nội dung tuyên truyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc tuyên truyền mà chưa đưa ra được mục đích, yêu cầu, đối tượng tiếp cận thực hiện tuyên truyền. Đối với biện pháp kinh tế - xã hội mới chỉ đề cập đến hoạt động dạy nghề, chữa bệnh cho đối tượng mại dâm mà chưa đề cập tới các biện pháp khác như tư vấn, hỗ trợ các dịch vụ xã hội. Nội dung pháp lệnh chưa thể hiện rõ các giải pháp cụ thể cho người bán dâm như giải quyết việc làm, việc phòng, tránh lây nhiễm các bệnh xã hội bao gồm cả HIV/AIDS thông qua hoạt động mại dâm…; chưa quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính khác.

Tình hình tệ nạn mại dâm luôn biến động theo từng địa bàn, từng thời điểm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức đối với công tác phòng, chống mại dâm. Một số cơ sở kinh doanh dịch vụ vì lợi nhuận nên có hoạt động biến tướng, tìm cách đối phó với lực lượng chức năng khi kiểm tra, thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động và tự móc nối để hoạt động mua bán dâm. Hoạt động mại dâm ngày càng công khai trên mạng xã hội, độ tuổi hoạt động ngày càng trẻ hóa; các đối tượng tổ chức mua bán dâm thường xuyên tìm cách dụ dỗ, lôi kéo học sinh, sinh viên tham gia.

Hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh phòng, chống mại dâm và các văn bản pháp luật liên quan tuy có đổi mới nhưng có lúc, có nơi chưa đa dạng, phong phú, chưa có nhiều hình thức tuyên truyền trực quan, sinh động. Việc tổ chức tuyên truyền trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước gặp khó khăn, do người sử dụng lao động chưa bố trí được thời gian để cán bộ tuyên truyền trực tiếp đến công nhân, lao động, hình thức còn đơn điệu và chủ yếu tuyên truyền trên hệ thống loa phóng thanh tại đơn vị. Việc thay đổi hành vi của đối tượng mại dâm còn chậm và nhiều khó khăn.

Việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống mại dâm ở một số đơn vị, địa phương còn mang tính hình thức; sự phối hợp giữa các ngành, đoàn thể, địa phương chưa thật sự chặt chẽ; các quy định chỉ xử lý vi phạm đối với hành vi sử dụng việc mua dâm, bán dâm và các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh, không có quy định cụ thể về hành vi xử lý vi phạm hành chính đối với các đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi khiêu dâm, kích dục; trong khi đó những hành vi này hiện nay rất phổ biến trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Quy định và thực hiện các biện pháp phòng, chống mại dâm còn nặng về xử lý chủ chứa, môi giới và người bán dâm, chưa nghiêm khắc xử lý đối với người mua dâm và các đối tượng lợi dụng cơ sở kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm; đối tượng hoạt động mại dâm ngày càng phức tạp, tinh vi hơn do sử dụng công nghệ thông tin hiện đại, núp bóng mại dâm dưới nhiều hình thức nên khó phát hiện để đấu tranh phòng, chống.; việc triển khai lồng ghép Chương trình phòng, chống mại dâm với các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội chưa được linh hoạt; đặc biệt công tác hỗ trợ người bán dâm thông qua các chương trình tạo việc làm, hỗ trợ vốn tại cộng đồng. 

Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, các quan hệ xã hội có nhiều thay đổi, nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề xử lý đối với tình hình mại dâm ở nước ta. Tệ nạn mại dâm (hành vi mua, bán dâm; tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến mại dâm; các hệ lụy của mại dâm đối với xã hội...) là trái với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; xâm phạm danh dự, nhân phẩm của con người, hạnh phúc gia đình, làm mất trật tự an toàn xã hội. Do vậy cần tiếp tục khẳng định chủ trương, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước là kiên quyết đấu tranh phòng chống mại dâm. Tuy nhiên trong tình hình hiện nay cần chú trọng đến các biện pháp giảm hại, phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS, bảo đảm quyền tiếp cận các dịch vụ y tế, xã hội... cũng như cung cấp các cơ hội thay đổi công việc của một nhóm phụ nữ, trẻ em bị ép buộc bán dâm.

Hiện nay tệ nạn mại dâm tiếp tục diễn biến phức tạp, hoạt động mại dâm trở nên tinh vi hơn với phương thức hoạt động đa dạng, nhiều biến tướng. Phổ biến nhất vẫn là lợi dụng các dịch vụ ăn, nghỉ, karaoke, cafe, massage... Đáng chú ý là việc bùng nổ công nghệ thông tin đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều hoạt động mại dâm biến tướng như môi giới, chào mời qua mạng internet, điện thoại di động bằng các hình thức tự động hiển thị quảng cáo trên các trang website giải trí hoặc gửi tin nhắn trực tiếp có thông tin, hình ảnh đồi trụy đến người dân, dẫn đến việc kiểm soát, loại trừ các văn hoá phẩm độc hại gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó xuất hiện mại dâm có yếu tố nước ngoài, bán dâm nam, mại dâm đồng giới...

Ngoài ra, lợi nhuận thu được từ tổ chức, chứa chấp và hành nghề mại dâm cao nên các đối tượng luôn tìm mọi cách để qua mặt các cơ quan chức năng, hoạt động mại dâm vẫn phát triển nhưng tinh vi hơn với nhiều biến tướng như gái gọi, du lịch tình dục, mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm, môi giới mại dâm thông qua mạng internet, facebook, “sugar baby - sugar daddy” (sugar baby được hiểu là các thanh niên trẻ - có thể là gái bao hoặc trai bao, có nhan sắc, có nhu cầu chu cấp theo tuần, tháng hoặc năm; sugar daddy là những người đàn ông có tiền, phần nhiều là lớn tuổi, có nhu cầu quan hệ tình cảm, tình dục với phụ nữ không phải là vợ)... cũng gây khó khăn cho công tác phòng, chống mại dâm mà chưa có giải pháp ngăn chặn, triệt phá triệt để.

Một số quy định của pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống mại dâm trong tình hình mới như biện pháp xử phạt hình sự, hành chính chưa đủ mạnh để răn đe, phòng ngừa các tội phạm, vi phạm hành chính liên quan đến mại dâm, các biện pháp kinh tế, xã hội, tuyên truyền, giáo dục... trong phòng chống mại dâm chưa có cơ chế thực hiện nên không phát huy được hiệu quả. Từ đó dẫn đến việc thực hiện Pháp lệnh phòng, chống mại dâm ở địa phương gặp nhiều khó khăn.         

Đề xuất, kiến nghị về hoàn thiện các quy định của pháp luật

Cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống mại dâm như sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh phòng chống mại dâm theo hướng tăng cường các biện pháp phòng ngừa, giảm hại và hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng; xây dựng khung pháp lý, đảm bảo tính thống nhất giữa hệ thống pháp luật về phòng chống tệ nạn mại dâm với pháp luật về phòng chống HIV/AIDS, tạo điều kiện cho việc triển khai các chương trình can thiệp giảm tác hại về HIV/AIDS trong công tác phòng, chống mại dâm.

Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh phòng, chống mại dâm và các văn bản Quy phạm pháp luật có liên quan (pháp luật hình sự, hành chính) đối với các hành vi mại dâm, liên quan đến mại dâm cho phù hợp với các quy định của pháp luật liên quan như Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật phòng, chống HIV/AIDS. Mở rộng khái niệm về mua dâm, bán dâm không chỉ là hành vi giao cấu mà còn bao gồm các hành vi quan hệ tình dục khác, hành vi liên quan đến mại dâm như kích dục, khiêu dâm... Quy định cụ thể khái niệm về “mại dâm đồng tính” quan hệ tình dục nam với nam, quan hệ tình dục nữ với nữ, kể cả quan hệ tập thể nam với nam, nữ với nữ không thuộc khái niệm quan hệ tình dục (giao cấu). Đồng thời quy định chế tài xử lý đối với những hành vi này.

Nghiên cứu xây dựng Luật phòng chống mại dâm đáp ứng với những yêu cầu, tình hình thực tiễn trong bối cảnh hiện nay theo hướng: xác định rõ hơn, bao quát hơn về khái niệm mại dâm, điều chỉnh các hành vi mại dâm đồng giới, mại dâm không qua giao cấu; kiểm soát chặt chẽ các dịch vụ nhạy cảm, có nhiều nguy cơ lợi dụng để hoạt động mại dâm, bóc lột tình dục, buôn bán người... Cần bổ sung, quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm của chủ cơ sở trong việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến phòng, chống mại dâm. Đồng thời xây dựng các cơ chế pháp luật, tài chính phù hợp để người bán dâm được tiếp cận với các dịch vụ can thiệp dự phòng; khám và điều trị HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục; áp dụng các chương trình điều trị methadon cho người bán dâm sử dụng ma túy và chương trình bao cao su phòng ngừa lây nhiễm HIV. Hình sự hóa một số hành vi như tổ chức, bảo kê, cưỡng bức mại dâm, lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm thành tội danh độc lập làm cơ sở cho việc xử lý, phòng ngừa những hành vi này. Sửa đổi, bổ sung các hình thức xử phạt hành chính theo hướng nghiêm khắc hơn nhằm răn đe, giáo dục đối với người mua dâm và người bán dâm. Nâng mức xử phạt trong Luật Xử phạt vi phạm hành chính và Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm đối với người mua dâm, người bán dâm và các cơ sở kinh doanh dịch vụ có vi phạm chứa chấp hoặc tham gia vào hoạt động mại dâm.

Tạo điều kiện để các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội khác cùng tham gia các hoạt động phòng ngừa, giảm hại, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm.


 

Tác giả: BCXB

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Hộp thư điện tử Tây Ninh
CÔNG KHAI, MINH BẠCH
Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Tây Ninh lần thứ II - năm 2022
Họp không giấy
Tôn chỉ mục đích các cơ quan báo chí
Công báo tỉnh Tây Ninh
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM
Danh sách người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
Hướng Dẫn Dịch Vụ Công
Danh sách phóng viên thường trú địa bàn Tây Ninh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập35
  • Máy chủ tìm kiếm17
  • Khách viếng thăm18
  • Hôm nay701
  • Tháng hiện tại99,683
  • Tổng lượt truy cập18,466,554
Tra cứu hồ sơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây