Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninhhttps://sotttt.tayninh.gov.vn/uploads/logo-so_1.png
Thứ hai - 16/09/2024 09:072050
Năm 1964, phong trào cách mạng ở miền Nam tiếp tục phát triển. Ta phá banh hàng ngàn ấp chiến lược, mở ra nhiều vùng giải phóng. Trong khi đó, Mỹ - ngụy ngày càng lâm vào thế thất bại và suy yếu nghiêm trọng. Mâu thuẫn giữa Mỹ và tay sai ngày càng trở nên gay gắt. Kế hoạch “Xtalây - Taylo” phá sản hoàn toàn. Nhưng đế quốc Mỹ và tay sai vẫn ngoan cố tiếp tục chiến tranh bằng kế hoạch “Giônxơn - Mắc Namara” nhằm bình định miền Nam có trọng điểm trong vòng 2 năm, đẩy chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” lên đỉnh cao, dùng ưu thế quân sự và mọi thủ đoạn thâm độc, tàn bạo đè bẹp phong trào cách mạng, ngăn chặn sự phát triển tác chiến tập trung của chủ lực ta, hòng cứu vãn nguy cơ bị sụp đổ hoàn toàn của chính quyền Sài Gòn trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”.
Trung ương Cục miền Nam và Bộ Chỉ huy Miền xác định: trước đòi hỏi của tình hình cách mạng miền Nam phải có thế và lực mạnh, yêu cầu cấp thiết trước mắt là phải xây dựng được khối chủ lực mạnh tổ chức tác chiến tập trung lớn, có như vậy ta mới thực hiện được nhiệm vụ chính trị và chức năng tiêu diệt từng bộ phận quân chủ lực địch, đánh bại chỗ dựa cơ bản của đế quốc Mỹ trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của chúng, hỗ trợ thiết thực phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, đưa chiến tranh du kích phát triển mạnh hơn nữa, tạo điều kiện tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch nhằm làm thay đổi tương quan lực lượng có lợi cho ta, tạo ra cục diện mới cho cách mạng tiến lên giành những thắng lợi quyết định. Với ý nghĩa đó, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền chủ trương mở chiến dịch tác chiến tập trung trên địa bàn miền Đông Nam Bộ.
Chiến dịch Bình Giã diễn ra từ ngày 02/12/1964 đến ngày 03/01/1965, tiến hành trên địa bàn thuộc các tỉnh: Bà Rịa (nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Long Khánh, Biên Hòa (nay thuộc tỉnh Đồng Nai) và Bình Thuận.
Chiến dịch đề ra phương châm: tích cực tiến công tiêu diệt sinh lực địch, hỗ trợ cho phong trào chính trị phá ấp, mở vùng, bằng lực lượng ba thứ quân phối hợp chặt chẽ tiến công quân sự với đấu tranh chính trị và binh vận bảo đảm đánh chắc thắng, tiêu diệt gọn từng đơn vị địch, xây dựng lực lượng ta, mở rộng vùng căn cứ và xây dựng được phong trào, càng đánh càng mạnh. Tư tưởng chỉ đạo của chiến dịch là “đánh chắc thắng”; nắm chắc địch ta, chủ động tiến công, cơ động linh hoạt, bước trước tạo tiền đề có lợi cho bước sau, bước sau phát huy thắng lợi của bước trước, chiến đấu liên tục, giành thắng lợi giòn giã.
Sau gần 100 ngày đêm chiến đấu liên tục (từ lúc chuẩn bị chiến dịch cho đến khi chiến dịch kết thúc, trong đó chủ yếu là trong hơn 30 ngày của 2 đợt chiến dịch), bộ đội đã đánh 5 trận cấp trung đoàn, 2 trận cấp tiểu đoàn, 3 trận cấp đại đội. Kết quả, ta diệt và làm bị thương hơn 1.700 tên, bắt 293 tên; diệt gọn Tiểu đoàn 4 thủy quân lục chiến, Tiểu đoàn biệt động quân 33, chi đoàn thiết xa M113 số 3 thuộc Đoàn thiết giáp 1, 2 đoàn cơ giới (có cả xe bọc thép); đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn biệt động quân 30, Tiểu đoàn biệt động quân 38, Tiểu đoàn bộ binh 1 Trung đoàn 47; đánh tiêu hao Tiểu đoàn dù 5, Tiểu đoàn dù 6, Tiểu đoàn biệt động quân 35; tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 7 đại đội bảo an, làm tan rã hầu hết lực lượng dân vệ trên Đường 2 và huyện Hoài Đức; phá hủy 45 xe quân sự (chủ yếu là xe M113, có 2 xe tăng loại 24 tấn); bắn rơi và bắn bị thương 56 máy bay các loại (chủ yếu là máy bay lên thẳng); thu hơn 1.000 súng các loại, gần 100 máy thông tin. Hỗ trợ quần chúng phá banh, phá rã nhiều ấp chiến lược trên Đường 2, huyện Đất Đỏ, Long Thành, Nhơn Trạch; giải phóng Phò Trì ven biển Hàm Tân, bảo đảm căn cứ tiếp nhận hàng hóa vận chuyển bằng đường biển từ miền Bắc vào; giải phóng hoàn toàn huyện Hoài Đức, mở rộng căn cứ tỉnh Bình Thuận1. Thắng lợi của chiến dịch Bình Giã là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược quan trọng, góp phần tạo bước ngoặt trong so sánh lực lượng và cục diện chiến trường theo hướng có lợi cho ta, góp phần quan trọng đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của địch.
Chiến dịch Bình Giã mang đặc trưng tiêu biểu của nghệ thuật khêu ngòi, dụ địch ra ngoài công sự để tiêu diệt; nghệ thuật sử dụng lực lượng và tổ chức chỉ huy tác chiến; công tác bảo đảm chiến dịch chu đáo. Để kéo được địch ra khỏi công sự, vấn đề lựa chọn khu vực khêu ngòi có ý nghĩa quyết định. Mục tiêu khêu ngòi phải là mục tiêu có giá trị quan trọng với địch, nếu để mất sẽ uy hiếp tới hệ thống phòng ngự của chúng trên một khu vực rộng, buộc địch bằng mọi giá phải ứng cứu khi ta tiến công. Trong chiến dịch này, Bộ Tư lệnh chiến dịch nghiên cứu, phân tích, đánh giá hai khu vực mục tiêu Xuyên Mộc và Bình Giã và nhận định: Nếu ta tiến công khêu ngòi ở Xuyên Mộc thì địch có thể sẽ không ra ứng cứu, vì đây là vị trí ít có giá trị về quân sự, chính trị bằng Bình Giã; ngược lại, Bình Giã là một vị trí có giá trị cả về quân sự và chính trị, một mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ phía đông Sài Gòn nên khi bị tấn công thì địch sẽ huy động lực lượng ra ứng cứu.
Do vậy, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã đề nghị lấy Bình Giã làm điểm khêu ngòi. Khi Bình Giã bị tấn công, địch sẽ phản ứng ngay bằng đường bộ và đường không, khi đó ta có điều kiện thực hiện phương châm đánh điểm, diệt viện. Thực tế đã minh chứng nhận định trên là hoàn toàn đúng đắn. Trận khêu ngòi lần đầu tiên không thành công là do việc sử dụng lực lượng chưa hợp lý, ta quá yếu nên không kéo được địch ra. Sau đó, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã kịp thời rút kinh nghiệm. Trận khêu ngòi lần hai, ta đã tăng cường thêm 1 đại đội đưa tổng số lực lượng tiến công ấp Bình Giã lên 2 đại đội, đồng thời sử dụng 1 đại đội tiến công chi khu quân sự Đất Đỏ. Nhờ đó, ta đã tạo được áp lực, buộc địch phải tổ chức cuộc hành quân “Bình Tuy 33” đến giải tỏa. Kết quả, ta đã diệt gọn Chi đoàn thiết giáp 3 của địch. Trận khêu ngòi đã đạt được yêu cầu đề ra, tạo điều kiện cho ta giành được thắng lợi giòn giã trong trận then chốt thứ nhất. Trận then chốt thứ hai, các đơn vị đã kịp thời xuất kích hình thành thế bao vây khi chúng chưa kịp triển khai đội hình, đẩy địch vào thế bất lợi, tiến tới tiêu diệt gần hết quân địch đổ bộ. Trận then chốt thứ ba, lực lượng phục kích đồng loạt nổ súng, tiến công quân địch bằng nhiều mũi, thọc sâu, chia cắt tiêu diệt gần hết số lượng địch.
Nét độc đáo thứ hai là lần đầu tiên Bộ Chỉ huy Miền tập trung các trung đoàn bộ binh, hỏa lực của chủ lực Miền cơ động chiến đấu trên địa bàn xa hậu phương, cùng với lực lượng Quân khu 6, Quân khu 7, số lượng lên đến 7.000 người. Vì vậy, công tác bảo đảm vật chất được đặt ra với nhiều khó khăn và là một trong những khâu quan trọng. Mặt khác, chuẩn bị tốt vật chất trong điều kiện sử dụng một lực lượng lớn đòi hỏi phải giữ bí mật cũng là một vấn đề đặt ra. Để bảo đảm đủ vật chất, ta đã triệt để dựa vào nguồn cung cấp tại chỗ của Nhân dân, cùng với việc huy động đông đảo quần chúng tham gia. Để tạo ra thế trận bảo đảm hiệu quả, Bộ Tư lệnh chiến dịch tổ chức ra một số đoàn bảo đảm hậu cần: Đoàn K10 ở Phước Chi; Đoàn 1500 ở Lộc An, tập trung xây dựng bến nhận hàng. Đêm 22/12/1964, tại cửa biển Lộc An, ta đã tiếp nhận 44 tấn vũ khí từ miền Bắc chuyển vào. Đây là nguồn cổ vũ to lớn đối với toàn thể cán bộ, chiến sĩ đang tham gia chiến dịch. Ở Bà Rịa, Đoàn quân nhu E được thành lập, chuyên lo thu gom lương thực trong vùng địch tạm chiếm, và nhiệm vụ thu gom lương thực, thực phẩm được giao cho một đồng chí trong cấp ủy tỉnh Bà Rịa đảm nhiệm. Về bảo đảm quân y, dựa vào bệnh xá tỉnh, huyện... Với cách tổ chức hợp lý và nỗ lực của mọi lực lượng, ta đã chuẩn bị được 500 tấn vũ khí, 217 tấn gạo, thuốc quân y, đạt 71% so với yêu cầu, kịp thời đáp ứng cho chiến dịch mở đúng thời gian dự kiến.
Những nét đặc sắc, độc đáo về nghệ thuật quân sự mà chiến dịch để lại là cơ sở thực tiễn quý báu cho các chiến dịch giai đoạn đánh thắng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. Chiến dịch Bình Giã là chiến dịch tác chiến tập trung đầu tiên của bộ đội chủ lực Miền, phối hợp với bộ đội chủ lực quân khu và lực lượng vũ trang địa phương. Trong chiến dịch, bộ đội ta đã vận dụng linh hoạt phương pháp tác chiến chiến dịch, phát huy sức mạnh của ba thứ quân, thực hiện tiêu diệt gọn từng tiểu đoàn, từng chi đoàn thiết giáp địch..., để lại nhiều kinh nghiệm quý báu, đánh dấu sự phát triển mới về nghệ thuật quân sự.
Tác giả: Nguồn: Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp