Theo các cơ quan chức năng, trong các trường hợp gây tai nạn giao thông, nguyên nhân do người lái xe thiếu tập trung quan sát thường chiếm tỉ lệ khá cao, trong đó có hành vi vừa lái xe vừa nghe điện thoại di động. Theo Ban an toàn giao thông tỉnh, 9 tháng đầu năm 2021, có 95 trường hợp vi phạm sử dụng điện thoại khi tham giao thông, chiếm tỷ lệ 0,30%. Việc sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ làm người lái xe mất tập trung, tay lái không vững, khó giữ được khoảng cách an toàn với các phương tiện đi phía trước hoặc khi xảy ra tình huống đột xuất sẽ không thể phản ứng nhanh như bình thường dẫn đến nguy cơ xảy ra va chạm và tai nạn giao thông cao.
Luật Giao thông đường bộ quy định, người đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông không được nghe điện thoại. Nếu trường hợp khẩn cấp thì phải tấp xe vào lề đường, dừng xe rồi mới nghe điện thoại.
Sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông là hành vi rất nguy hiểm, tiềm ẩn rủi ro cao dẫn đến tai nạn. Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt như sau:
Người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng (điểm a, khoản 4 Điều 5);
“Người đang điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính thì bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng (điểm h, khoản 4, Điều 6);
“Người điều khiển xe đạp, xe đạp máy sử dụng ô (dù), điện thoại di động thì bị phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng (điểm h, khoản 1, Điều 8).
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình phạt bổ sung: những trường hợp này sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng; nếu gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
Quy định như trên cơ bản là nghiêm khắc nhưng ý thức của người tham gia giao thông vẫn chưa cao, hành vi vi phạm vẫn diễn ra phổ biến, bất chấp quy định của pháp luật. Lực lượng cảnh sát giao thông cũng rất khó khăn trong việc xử phạt đối với hành vi này, bởi hành vi diễn ra nhanh chóng, khó thu thập chứng cứ, người vi phạm thường chối cãi, yêu cầu cảnh sát giao thông phải chứng minh lỗi của mình.
Để đảm bảo an toàn giao thông thì phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó cần phải có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi sử dụng điện thoại khi lái xe. Tuyên truyền nâng để người dân nhận thức sự được sự nguy hiểm của việc sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông. Tăng cường phạt nguội thông qua camera giám sát hoặc sử dụng hình ảnh vi phạm do người dân cung cấp để xử phạt,… nhằm góp phần đảm bảo an toàn giao thông hiện nay.
Thiết nghĩ, để đảm bảo an toàn cho chính mình và những người tham gia giao thông khác, mỗi người tham gia giao thông cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định của Luật giao thông đường bộ, khi cần thiết phải sử dụng điện thoại di động hãy dừng xe tại vị trí an toàn, tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc do chính sự chủ quan và bất cẩn của bản thân.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, sử dụng điện thoại di động khi lái xe có nguy cơ tai nạn giao thông cao gấp 4 lần so với không sử dụng điện thoại di động. Còn theo phân tích của cơ quan chức năng, số vụ tai nạn giao thông do sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông tương đương với số vụ tai nạn do người lái xe sử dụng rượu bia. |
BCXB