Giao diện hệ thống thông tin điều hành – họp không giấy của tỉnh Tây Ninh.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý văn bản đi, đến đã được các cơ quan, đơn vị thực hiện đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh nhằm phục vụ công tác trao đổi thông tin, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác điều hành của lãnh đạo.
Các văn bản được trao đổi trên môi trường mạng (trừ văn bản mật được xử lý theo quy định riêng) đã tạo thuận lợi trong việc lưu trữ, tìm kiếm văn bản, đáp ứng yêu cầu CCHC hiện nay. Văn bản có thể xử lý trên môi trường mạng (bằng điện thoại, Ipad, laptop, máy vi tính) cũng giúp giảm thời gian xử lý văn bản, giảm chi phí văn phòng phẩm. Đến nay, đối với UBND các cấp, tỷ lệ văn bản đến gửi hoàn toàn điện tử đạt khoảng 22%/năm, văn bản đi gửi hoàn toàn điện tử đạt khoảng 25%/năm.
Đối với các sở, ban, ngành, tỷ lệ văn bản đến gửi hoàn toàn điện tử đạt khoảng 18%/năm, tỷ lệ văn bản đi gửi hoàn toàn điện tử đạt khoảng 25%/năm. Đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, tỷ lệ văn bản đến gửi hoàn toàn điện tử đạt 38%/năm, văn bản đi gửi hoàn toàn điện tử đạt 20%/năm. Cùng với đó, UBND tỉnh đã triển khai áp dụng phần mềm họp không giấy giúp giảm thiểu việc in ấn, phát hành văn bản giấy như thư mời, văn bản tài liệu họp.
Đặc biệt, Tây Ninh cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện tiếp nhận, giải quyết TTHC qua Zalo, bước đầu, đang thực hiện đối với một số nhóm TTHC gồm: Nhóm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp; Nhóm thủ tục Đăng ký thành lập và thay đổi các nội dung đăng ký doanh nghiệp; Nhóm thủ tục về hộ tịch.
Khi một bộ hồ sơ điện tử được tạo ra đồng nghĩa với việc sẽ hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa người dân và công chức thực thi công vụ, góp phần ngăn chặn tình trạng "tham nhũng vặt".
Theo Báo Tây Ninh Online
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc