Mở rộng triển khai IPv6 trên mạng dịch vụ di động 4G LTE, 5G trong năm nay

Thứ ba - 28/05/2019 23:00 386 0
Một trong những mục tiêu chính của Kế hoạch thúc đẩy triển khai IPv6 năm 2019 mới được Bộ TT&TT ban hành là tập trung mở rộng triển khai IPv6 trên mạng dịch vụ di động 4G LTE, 5G.

ipv6-1.jpg

Tính đến ngày 20/5/2019, tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam đạt 35,32% với hơn 8,6 triệu thuê bao cáp quang và 8,5 triệu thuê bao di động sử dụng IPv6 (Ảnh minh họa: Internet)

 

Tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam đã đạt 35,32%

Trước sự bùng nổ của chuyển đổi Internet thế hệ mới IPv6, Bộ TT&TT đã có văn bản gửi đến các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở TT&TT các tỉnh trên cả nước về tăng cường triển khai ứng dụng IPv6 trên mạng lưới, dịch vụ của cơ quan Nhà nước. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch thúc đẩy triển khai IPv6 năm 2019 được Bộ TT&TT ban hành mới đây, theo Quyết định 733/QĐ-BTTTT ngày 17/5/2019.

Theo thông tin từ Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), cơ quan thường trực Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia, với tốc độ tăng trưởng trung bình 200% một năm, tỉ lệ truy cập Internet qua IPv6 toàn cầu đã đạt 26% vào cuối tháng 4/2019. Dự báo, đến năm 2020, tỉ lệ ứng dụng IPv6 toàn cầu sẽ đạt khoảng 50% và giao thức IPv4 sẽ dần ngừng hoạt động.

Sau hơn 11 năm thúc đẩy triển khai IPv6, bám sát thực hiện lộ trình Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có kết quả tốt trong triển khai chuyển đổi IPv6. Mạng Internet Việt Nam cũng được ghi nhận chính thức cung cấp trên diện rộng các dịch vụ ứng dụng công nghệ thế hệ mới trên nền tảng IPv6 qua sự kiện Lễ khai trương triển khai cung cấp dịch vụ IPv6 do Ban Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia tổ chức nhân Ngày IPv6 Việt Nam 2019.

Tính đến ngày 20/5/2019, tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam đạt 35,32% với hơn 8,6 triệu thuê bao cáp quang và 8,5 triệu thuê bao di động sử dụng IPv6. Với kết quả này, Việt Nam đứng thứ 7 trên toàn thế giới, thứ 4 khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đứng thứ 2 khu vực ASEAN về tỉ lệ ứng dụng IPv6.

Để hoàn thành Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 (thực hiện từ năm 2011 đến năm 2019) với mục tiêu tổng thể "Internet Việt Nam hoạt động an toàn, tin cậy với IPv6 kể từ năm 2019", Bộ TT&TT đã ban hành Kế hoạch thúc đẩy triển khai IPv6 năm 2019, trong đó xác định rõ các mục tiêu chính như: Thúc đẩy ứng dụng IPv6 trong cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nội dung số; Mở rộng triển khai IPv6 trên mạng dịch vụ di động 4G LTE/5G; Thúc đẩy triển khai IPv6 cho hệ thống máy chủ tên miền (DNS) của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet; triển khai hỗ trợ IPv6 trong hệ thống máy chủ tên miền và hệ thống cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền ".VN" của các Nhà đăng ký;

Tiếp tục thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi hoàn toàn IPv6 cho thuê bao FTTH; dịch vụ kết nối của ISP; tăng cường lưu lượng kết nối IPv6 qua Trạm trung chuyển lưu lượng Internet quốc gia (VNIX); Tăng cường vị thế, hình ảnh, xếp hạng của Việt Nam trong khu vực và thế giới về công tác triển khai ứng dụng IPv6.

Thúc đẩy, triển khai ứng dụng IPv6 trong cơ quan nhà nước

Trong Kế hoạch thúc đẩy phát triển IPv6 năm 2019, tăng cường ứng dụng triển khai IPv6 trong cơ quan nhà nước được coi là nhiệm vụ trọng tâm. Mặc dù dịch vụ IPv6 đã được các doanh nghiệp triển khai rộng rãi, song đến nay mức độ ứng dụng triển khai IPv6 trong khối cơ quan nhà nước còn hạn chế.

Trong khi người sử dụng Internet tại Việt Nam đã chuyển sang kết nối Internet qua IPv6, phần lớn các Cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước vẫn duy trì sử dụng IPv4.

Theo khảo sát của Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia tại thời điểm tháng 5/2019, trong số khoảng 6.000 website dưới tên miền ".VN" đang hoạt động tốt với IPv6, mới có 61 website của khối cơ quan nhà nước.

"Đây là điều chưa phù hợp xu thế quốc tế khi các quốc gia khác đều đưa công tác chuyển đổi IPv6 trong mạng lưới, dịch vụ của cơ quan nhà nước lên làm nhiệm vụ trọng tâm. Chẳng hạn như tại Mỹ, tiêu chuẩn về triển khai IPv6 trong mạng lưới và ứng dụng CNTT của cơ quan nhà nước được công bố từ năm 2008; tại Trung Quốc, tỉ lệ Website cơ quan nhà nước hoạt động với IPv6 là trên 67,7%; ở Malaysia là trên 50%…", đại diện Ban công tác cho hay.

Để đảm bảo kết nối Internet thông suốt, an toàn cho hệ thống mạng lưới, dịch vụ của cơ quan nhà nước, trong văn bản gửi tới các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ TT&TT đã đề nghị tăng cường hoạt động triển khai ứng dụng IPv6 trên mạng lưới, dịch vụ của đơn vị, thông qua các hoạt động như: xây dựng đề án chuyển đổi IPv6 trong hạ tầng mạng lưới, dịch vụ phù hợp với Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 và phù hợp với kế hoạch phát triển chính phủ điện tử, thành phố thông minh tại địa bàn; bổ sung hạng mục về IPv6 trong các đề án ứng dụng CNTT; đầu tư, mua sắm các thiết bị mới có hỗ trợ công nghệ IPv6; yêu cầu hỗ trợ IPv6 đối với các dịch vụ ứng dụng CNTT thuê ngoài…

Cùng với đó, Bộ TT&TT cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện kích hoạt hỗ trợ IPv6 trên Website chính và Cổng thông tin điện tử của đơn vị; triển khai chuyển đổi mạng lưới và dịch vụ sang hỗ trợ IPv4/IPv6, đặc biệt là triển khai IPv6 trong hệ thống chính phủ điện tử và mạng lưới cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Đại diện Ban công tác nhấn mạnh, việc thúc đẩy ứng dụng triển khai IPv6 trên mạng lưới, dịch vụ của các cơ quan nhà nước là yêu cầu tất yếu cho việc xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử và thành phố thông minh.

Để trang bị và hỗ trợ các cơ quan nhà nước về nhân lực, kiến thức, thời gian vừa qua, VNNIC đã tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo về IPv6, gần đây nhất là chương trình đào tạo về IPv6 cho các tổ chức, cơ quan nhà nước khu vực phía Bắc trong hai ngày 7, 8/5/2019.

Thời gian tới, VNNIC sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động trong chương trình tổng thể về Hỗ trợ triển khai IPv6 cho cơ quan Nhà nước (https://vnnic.vn/IPv6ForGov). Chương trình hỗ trợ về kiến thức, kế hoạch, triển khai các hoạt động cần thiết để ứng dụng IPv6 cho hệ thống, mạng lưới, dịch vụ, đảm bảo yêu cầu về bảo mật và đáp ứng công nghệ Internet thế hệ mới.

Vân Anh (Theo mic.gov.vn)

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Hộp thư điện tử Tây Ninh
CÔNG KHAI, MINH BẠCH
Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Tây Ninh lần thứ II - năm 2022
Họp không giấy
Tôn chỉ mục đích các cơ quan báo chí
Công báo tỉnh Tây Ninh
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM
Danh sách người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
Hướng Dẫn Dịch Vụ Công
Danh sách phóng viên thường trú địa bàn Tây Ninh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập8
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm6
  • Hôm nay412
  • Tháng hiện tại104,564
  • Tổng lượt truy cập18,471,435
Tra cứu hồ sơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây