Cải cách Hành chính: Bước đầu mang lại hiệu quả

Thứ tư - 24/07/2019 17:00 481 0
Chất lượng giải quyết hồ sơ TTHC được nhìn nhận có nhiều chuyển biến tích cực, phục vụ tốt hơn nhu cầu của cá nhân, tổ chức. Trách nhiệm giải trình trong giải quyết TTHC của các cơ quan, đơn vị được nâng lên; công tác kiểm soát việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC ngày càng chặt chẽ.

Tiếp nhận và giải quyết TTHC cho công dân tại Trung tâm hành chính công Tây Ninh. Ảnh: Phương Thuý

Ngày 13.7.2018, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 22 thành lập đoàn giám sát "kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh". Sau khi có nghị quyết, đoàn giám sát của HĐND tỉnh thành lập 2 đoàn công tác khảo sát và làm việc với 11 sở, ngành, UBND 6 huyện, thành phố, UBND 6 xã, phường, thị trấn và một số cơ quan, tổ chức và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh. 

Tháng 7.2019, đoàn giám sát có báo cáo chi tiết về công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh trình HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 12 vừa qua. Một trong những nội dung được người dân, doanh nghiệp quan tâm là cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Cụ thể như sau: 

Trước hết, về vấn đề rà soát, cập nhật, công bố công khai thủ tục hành chính, đoàn giám sát ghi nhận, tính đến hết năm 2018, tỉnh đã hoàn thành việc công bố toàn bộ danh mục, quy trình nội bộ, quy trình điện tử giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại 3 cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh. Toàn bộ nội dung, quy trình điện tử giải quyết TTHC tại Trung tâm hành chính công tỉnh, bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của cấp huyện, cấp xã đều được cập nhật, công bố và niêm yết công khai.

PAPI là khảo sát xã hội học lớn nhất tại Việt Nam, tập trung tìm hiểu hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công dựa trên đánh giá và trải nghiệm của người dân, với dữ liệu được thu thập thường niên.

Từ năm 2009 đến 2018, PAPI thu thập và phản ánh trải nghiệm của gần 117.363 người dân được chọn ngẫu nhiên từ 63 tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, theo đoàn giám sát, việc niêm yết TTHC ở nhiều cơ quan, đơn vị còn thiếu tính khoa học, kém hiệu quả. Cụ thể, việc niêm yết toàn văn nội dung quy định, chưa trích những nội dung chính, những thủ tục, hồ sơ cần thiết để người dân tiện theo dõi. Nhiều nội dung niêm yết lạc hậu, chậm được cập nhật, bổ sung, có nơi trưng bày trong tủ kính nên người dân khó tra cứu. Việc chuyển toàn bộ TTHC về Trung tâm hành chính công thực hiện còn chậm, một số sở, ngành vẫn giữ lại một số TTHC được tiếp nhận và giải quyết tại sở.

Về rà soát, đơn giản hoá, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, kết quả giám sát cho thấy, hằng năm, UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch rà soát TTHC, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị tiến hành rà soát các thủ tục, nhóm TTHC. Trong đó tập trung vào một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp như thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng, tư pháp - hộ tịch, giải quyết chế độ chính sách...

Thông qua rà soát, UBND tỉnh quyết định phương án đơn giản hoá thủ tục, nhóm TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh để kiến nghị các cơ quan Trung ương bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Cụ thể là bãi bỏ một số loại giấy tờ không có trong quy định của pháp luật, đặc biệt có sở, ngành đã chủ động rút ngắn thời gian giải quyết của nhiều TTHC so với quy định.

Mặc dù vậy, đoàn giám sát cũng nhận thấy, lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chủ động đề xuất, chưa đưa vào kế hoạch rà soát những TTHC còn bất cập mà chủ yếu thực hiện theo kế hoạch hằng năm của bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh. Qua rà soát, số TTHC kiến nghị cấp có thẩm quyền cắt giảm, bãi bỏ, đơn giản hoá chưa nhiều, nội dung đề nghị chủ yếu là giảm thành phần hồ sơ, giấy tờ, điều chỉnh, thống nhất mẫu đơn, tờ khai...

Về chỉ tiêu rút ngắn 1/3 thời gian giải quyết TTHC, đoàn giám sát ghi nhận, tiến độ triển khai của một số sở, ngành, địa phương còn chậm, kết quả đạt được còn hạn chế, đến năm 2020 khó đạt kế hoạch đề ra. Đối với chỉ tiêu cắt giảm 30% chi phí của cá nhân, tổ chức giải quyết TTHC, tiến độ triển khai của một số sở, ngành, địa phương còn chậm hoặc chưa xác định được kết quả thực hiện chỉ tiêu cắt giảm 30% chi phí của cá nhân, tổ chức giải quyết TTHC. Một số đơn vị số liệu báo cáo còn thiếu sự nhất quán hoặc chưa thể hiện được tính khoa học và thực tiễn trong việc tính toán, tổng hợp số liệu báo cáo.

Về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đến nay, có 123/123 cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh thực hiện cơ chế một cửa, 100% TTHC được tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của 3 cấp chính quyền tỉnh, huyện, xã.

UBND tỉnh thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, bước đầu mang lại hiệu quả, được sự đồng tình, đánh giá cao của nhân dân trong tỉnh. Đối với bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của cấp huyện, xã (gọi tắt là bộ phận Một cửa) đã được thành lập, kiện toàn và nâng cấp theo quy định tại Nghị định số 61 năm 2018 của Chính phủ. Việc tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm hành chính công và bộ phận Một cửa đã có nhiều chuyển biến tích cực. Quy trình tiếp nhận, chuyển hồ sơ, xử lý, trình ký, trả lại tại Trung tâm hành chính công và Bộ phận một cửa ngày càng chặt chẽ, khoa học, góp phần giảm chi phí, thời gian, công sức của người dân và tổ chức trong quá trình giải quyết TTHC.

Tuy nhiên, việc triển khai cơ chế một cửa liên thông đối với các TTHC liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị còn chậm. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành trong giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa liên thông có lúc, có việc chưa đồng bộ, chưa xây dựng quy chế liên thông khi giải quyết TTHC với các cơ quan, đơn vị có liên quan. Trung tâm hành chính công của tỉnh mới kết thúc giai đoạn 1, bước đầu triển khai giai đoạn 2 nên chưa hoàn thiện, chưa thực hiện đầy đủ chức năng, chưa thật sự tạo thuận tiện cho người dân (do chưa có tất cả dịch vụ công tại một điểm) và cả các sở, ngành tham gia (tại Trung tâm chỉ làm thủ tục tiếp nhận và trả kết quả, việc giải quyết hồ sơ phải chuyển thủ công với các sở, ngành). 

Kết quả giải quyết thủ tục hành chính, 3 năm qua, số hồ sơ TTHC đã được giải quyết tại 3 cấp chính quyền là gần 2 triệu bộ hồ sơ. Chất lượng giải quyết hồ sơ TTHC được nhìn nhận có nhiều chuyển biến tích cực, phục vụ tốt hơn nhu cầu của cá nhân, tổ chức. Trách nhiệm giải trình trong giải quyết TTHC của các cơ quan, đơn vị được nâng lên; công tác kiểm soát việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC ngày càng chặt chẽ.

Tuy nhiên, chuyện giải quyết TTHC trễ hẹn, chậm trả kết quả so với quy định vẫn còn xảy ra ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương. Phần lớn trong số này liên quan đến thủ tục hành chính về đất đai cũng như quy trình liên thông điện tử khi giải quyết TTHC giữa ngành Thuế với ngành Tài nguyên và Môi trường trong khâu tính thuế, xác định nghĩa vụ tài chỉnh cho người sử dụng đất. Việc gửi văn bản xin lỗi do giải quyết hồ sơ quá hạn cho người dân theo quy định chỉ được thực hiện khi người dân bức xúc, phản ánh, khiếu nại mới được thực hiện.

Việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính, theo ghi nhận của đoàn giám sát, công tác tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về TTHC được UBND tỉnh triển khai có hiệu quả. Hầu hết các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức qua cổng hỏi đáp trực tuyến và qua cổng phục vụ hành chính công của tỉnh đều được theo dõi cập nhật kịp thời.

Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ quan, tổ chức chưa quan tâm đúng mức đến việc xử lý phản ánh khiếu nại. Việc trả lời, giải quyết có nội dung còn chậm trễ hoặc chưa thoả đáng, chưa đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân.

Để đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với các cơ quan hành chính, năm 2016, UBND tỉnh giao các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã khảo sát lấy ý kiến cá nhân, tổ chức về đánh giá mức độ hài lòng. Qua khảo sát, hầu hết các đơn vị đều báo cáo kết quả khảo sát đạt rất cao, từ 90% - 100%. Tuy nhiên, theo kết quả đánh giá của Bộ Nội vụ, chỉ số hài lòng về phục vụ hành chính (SIPAS) của tỉnh nhìn chung còn thấp.

Việc khảo sát lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân của các đơn vị còn mang tính hình thức, chưa thật sự khách quan nên không phản ánh đúng thực tế. Liên quan đến việc tiếp nhận, xử lý phản ánh khiếu nại của cá nhân, tổ chức, theo Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2018, đối với chỉ số đo lường trải nghiệm của người dân về trách nhiệm giải trình của chính quyền đối với người dân, Tây Ninh chỉ đạt 4,76/10 điểm, nằm trong nhóm thấp nhất.

VIỆT ĐÔNG (Báo Tây Ninh Online)

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Hộp thư điện tử Tây Ninh
CÔNG KHAI, MINH BẠCH
Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Tây Ninh lần thứ II - năm 2022
Họp không giấy
Tôn chỉ mục đích các cơ quan báo chí
Công báo tỉnh Tây Ninh
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM
Danh sách người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
Hướng Dẫn Dịch Vụ Công
Danh sách phóng viên thường trú địa bàn Tây Ninh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập192
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm191
  • Hôm nay5,856
  • Tháng hiện tại154,589
  • Tổng lượt truy cập18,320,460
Tra cứu hồ sơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây