Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh. (ảnh Thành Hưng)
Tại điểm cầu Tây Ninh, ông Trần Văn Dững, Phó Giám đốc phụ trách Sở TT&TT chủ trì hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, hiện nay, mạng xã hội ngày càng xuất hiện nhiều các video, tin bài xuyên tạc, bôi nhọ cá nhân, vu khống, bịa đặt, bình luận tiêu cực về tình hình chính trị, xã hội đất nước. Những tồn tại này đang là vấn đề lớn mà cơ quan nhà nước ở Trung ương cũng như tại địa phương đang hàng ngày, hàng giờ phải đấu tranh đẩy lùi. Một vấn đề nóng khác, được các địa phương rất quan tâm đó là quản lý văn phòng đại diện cơ quan báo chí. Việc thành lập văn phòng đại diện cơ quan báo chí tại các tỉnh, thành phố đã tạo điều kiện để phóng viên bám sát địa bàn, nắm bắt và đưa thông tin đầy đủ, toàn diện kịp thời. Tuy nhiên, hoạt động của các văn phòng đại diện vẫn còn tồn tại các mặt hạn chế, như: Không thực hiện đăng ký hoặc không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương; có hiện tượng ít tham gia hoạt động giao ban báo chí do địa phương tổ chức; có xu hướng tập trung quá mức vào việc khai thác các vấn đề tiêu cực tại địa phương; nhiều vụ việc, vấn đề được khai thác, đẩy lên quá mức, gây hoang mang, lo lắng trong xã hội và thậm chí gây thiệt hại trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp. Để Hội nghị tập huấn đạt hiệu quả, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tăng cường trao đổi, thảo luận, tranh luận thẳng thắn, nhất là chia sẻ kinh nghiệm tốt trong quản lý, thanh tra, kiểm tra giữa các Sở TT&TT với nhau, thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, từ đó tìm ra cách thức giải quyết và đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách trong tương lai. Thứ trưởng tin rằng, với nhiều kinh nghiệm thực tế, các Sở TT&TT có thể phát hiện nhanh nhất, rõ nhất những khó khăn, vướng mắc, những bất cập của cơ chế, chính sách khi triển khai ở địa phương mình. Thứ trưởng mong rằng sau hội nghị tập huấn này, các đại biểu sẽ có định hướng tốt cho công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của văn phòng đại diện cơ quan báo chí, đấu tranh, đẩy lùi một cách có hiệu quả đối với các thông tin xấu, độc trên môi trường mạng.
Tại hội nghị, đại biểu nghe Thanh tra Bộ TT&TT triển khai 2 chuyên đề, khó khăn, bất cập trong quản lý văn phòng đại diện cơ quan báo chí và xử lý thông tin xấu, độc trên môi trường mạng.
Hoạt động Văn phòng đại diện và Phóng viên thường trú đây là cánh tay nối dài, nắm bắt thông tin kịp thời, đưa tin đầy đủ và toàn diện những sự kiện thời sự, chính trị, kinh tế, xã hội của các địa phương góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động, phục vụ cho sự phát triển chung của các địa phương. Tuy nhiên, qua công tác thanh tra, kiểm tra của lực lượng thanh tra ngành vẫn còn tình trạng Văn phòng đại diện các cơ quan báo chí vi phạm điều kiện đặt văn phòng đại diện, phóng viên thường trú như chưa đủ điều kiện quy định nhưng vẫn tự treo biển; đăng ký văn phòng đại diện nhưng không có trụ sở, một số phóng viên không có thẻ nhà báo. Đăng ký hoạt động văn phòng đại diện nhưng không làm thủ tục thông báo, thay đổi phóng viên thường trú cho cơ quan quản lý nhà nước, phóng viên hoạt động thường xuyên tại địa bàn nhưng cơ quan báo chí không làm thủ tục đăng ký phóng viên thường trú, đặc biệt, còn tình trạng lách luật điểm nhận tin, phóng viên phụ trách địa bàn. Bên cạnh đó, một số Văn phòng đại diện vi pham hoạt động như cấp giấy giới thiệu lỏng lẻo, tùy tiện, chấp hành không đúng chỉ đạo của Bộ TT&TT, tình trạng Trưởng văn phòng đại diện đứng ra cấp giấy chứng nhận, cấp giấy giới thiệu cho cộng tác viên đi tác nghiệp, thực hiện không đúng tôn chỉ mục đích, chủ yếu khai thác những mặt trái, sơ hở của địa phương. Ngoài ra, phóng viên một số Văn phòng đại diện vi phạm đạo đức nghề nghiệp, nhũng nhiễu cơ quan tổ chức, cá nhân, dọa dẫm, tống tiền. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do quy định pháp luật chưa chặt chẽ, đồng bộ, sự phối hợp giữa các ngành chưa chặt chẽ, tổ chức, cá nhân bị phản ánh không hợp tác tốt. Hội nghị đề ra các giải pháp quản lý Văn phòng đại diện các cơ quan báo chí trong thời gian tới như hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Bộ TT&TT, Sở TT&TT, Hội Nhà báo, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp giữa các ngành để xử lý hậu quả những tiêu cực trong hoạt động báo chí, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục.
Đối với chuyên đề xử lý thông tin xấu độc trên môi trường mạng, Thanh tra Bộ TT&TT đã chia sẻ một số nội dung khái quát về thông tin trên môi trường mạng tại Việt Nam, tính hai mặt của thông tin trên mạng, nhận diện thông tin xấu độc, một số vi phạm thường gặp và kết quả xử lý trong thời gian gần đây.
Tại Việt Nam, thông tin trên môi trường mạng có thể chia làm 2 luồng chính, luồng thứ nhất bao gồm báo điện tử và các mạng xã hội trong nước được cấp phép theo luật và các quy định khác của pháp luật Việt Nam, luồng thứ hai là thông tin được chia sẻ, đăng tải trên các dịch vụ của nước ngoài được cung cấp xuyên biên giới. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có khoảng 60 triệu tài khoản Facebook, 30 triệu tài khoản Youtube, Dịch vụ Zalo do một công ty trong nước cung cấp cũng thu hút khá nhiều tài khoản tham gia (47 triệu tài khoản). Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT đã thực hiện việc cấp phép 455 Mạng xã hội trong nước, 1.575 Giấy phép Trang thông tin điện tử tổng hợp (trong đó Cục PTTH&TTĐT cấp 380 giấy phép, số còn lại do các Sở TT&TT cấp).
Thông tin trên mạng vừa mang tính cực và tiêu cực. Qua môi trường mạng, chúng ta có thể giới thiệu bản thân đến tất cả mọi người, bày tỏ cảm xúc của bản thân, chia sẻ quan điểm cá nhân, gắn kết cộng đồng giúp thích nghi tốt hơn với sự thay đổi và vượt qua những áp lực và stress trong cuộc sống...Là kho thông tin phong phú giúp cho cá nhân cải thiện kỹ năng sống và trau dồi kiến thức và là kênh giải trí hữu hiệu. Đồng thời là một môi trường kinh doanh lí tưởng, đầy tiềm năng, giúp người sử dụng bán hàng online hay quảng cáo. Bên cạnh đó, là kênh chuyển tải thông tin nhanh chóng, cập nhật tin tức, kiến thức cho công chúng, là nguồn tin phong phú, đầu tiên và đa chiều. Tuy nhiên, thông tin môi trường mạng mang tính tiêu cực, xuất hiện ngày càng nhiều thông tin bịa đặt, thiếu kiểm chứng, thông tin xấu, độc hại, gây bất bình và mất lòng tin trong nhân dân...
Tại hội nghị, Thanh tra Bộ TT&TT chia sẻ những biểu hiện của thông tin xấu độc trên môi trường mạng: thông tin chống phá nền tảng tư tưởng Đảng và cách mạng Việt Nam, hòng phủ định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Xuyên tạc đường lối xây dựng CNXH, đường lối bảo vệ Tổ quốc và đường lối đối ngoại của Đảng ta, phủ nhận những thành tựu sự nghiệp đổi mới; Xuyên tạc lịch sử dân tộc, nhất là lịch sử các cuộc kháng chiến, các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta; Xuyên tạc thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phủ nhận công lao to lớn của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta; Vu cáo, bôi nhọ, giả mạo các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, tướng lĩnh trong quân đội, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, thậm chí gieo rắc hoài nghi, thiếu tin tưởng trong quần chúng nhân dân; Lợi dụng điểm nóng kích động, kêu gọi biểu tình, phá hoại sự thống nhất quốc gia, dân tộc, gây chia rẽ đoàn kết, nội bộ, thúc đẩy "tự diễn biến', "tự chuyển hóa" trong nội bộ; Truyền bá lối sống ích kỷ, vụ lợi, xa hoa, trụy lạc, bạo lực và thù hận đối với cá nhân, tổ chức; Phá hoại bản sắc văn hóa dân tộc, tuyên truyền, áp đặt các giá trị văn hóa và lối sống; Lừa đảo trên mạng, đánh cắp thông tin, mật khẩu, phát tán virus; Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của tổ chức, cá nhân; Thông tin quảng cáo sai sự thật, thậm chí vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về quảng cáo.
Qua theo dõi, trong những năm gần đây, tình trạng phát tán thông tin xấu độc diễn ra khá phổ biến nhưng chỉ tập trung ở các trang thông điện tử có tên miền quốc tế và các mạng xã hội do nước ngoài cung cấp xuyên biên giới là Facebook và Youtube. Công tác phát hiện, xử lý vi phạm của Thanh tra Bộ và các Sở TT&TT mặc dù đã được đẩy mạnh nhưng kết quả đạt còn hạn chế. Việc xử lý thông tin xấu độc chủ yếu vẫn chỉ diễn ra ở các tỉnh, thành phố lớn, tỷ lệ chưa cao. Các hành vi, vi phạm chủ yếu là Cung cấp thông tin sai sự thật; Giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân, thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý. Quảng cáo sản phẩm, cấm quảng cáo và quảng cáo có điều kiện không đúng quy đinh. Lưu trữ, truyền đưa thông tin xúc phạm uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân, sử dụng tên miền quốc tế không thông báo cho cơ quan quản lý có thẩm quyền và Bộ TT&TT đã tiến hành ngăn chặn, gỡ bỏ dịch vụ, thông tin vi phạm.
Tại hội nghị, Thanh tra Bộ TT&TT đề cập những khó khăn trong việc xử lý vi phạm về thông tin trên môi trường mạng như quy định pháp luật về thủ tục xử phạt vi phạm hành chính hết sức chặt chẽ, trong khi thực tế những vi phạm trên môi trường mạng lại mang tính chất ẩn danh. Việc thu thập, tài liệu, chứng cứ để xác định cá nhân, tổ chức vi phạm gặp rất nhiều khó khăn, có những thủ tục chưa được pháp luật quy định cụ thể, nhất là việc thu thập và đánh giá chứng cứ điện tử. Quá trình xử lý đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, trong khi đối tượng vi phạm dễ dàng xóa dấu vết, chứng cứ, gây khó khăn trong việc xử lý vi phạm. Lực lượng thanh tra làm công tác phát hiện, xử lý vi phạm còn rất mỏng...Vì vậy, để xử lý thông tin xấu độc trên môi trường mạng cần có sự phối hợp của các ngành (Chủ lực lực lượng công an và thanh tra TT&TT).
Thanh tra Bộ TT&TT nhấn mạnh, việc phát hiện và xử lý hành chính đối với hành vi vi phạm là hết sức cần thiết nhưng không phải là duy nhất. Mục tiêu cuối cùng là loại bỏ hoặc giảm thiểu sự ảnh hưởng của thông tin xấu độc đối với xã hội. Vì vậy, thời gian tới các Sở TT&TT cần tiếp tục chú trọng phát hiện nguồn phát tán thông tin xấu độc, nhất là các đối tượng sản xuất, phát tán nội dung xấu độc cư trú trên địa bàn. Thường xuyên rà soát, phát hiện các nội dung thông tin sai sự thật, có nội dung xuyên tạc tình hình kinh tế, xã hội của địa phương, nói xấu bôi nhọ, xúc phạm uy tín, danh dự lãnh đạo, phối hợp với cơ quan chức năng kịp thời có hành thức xử lý phù hợp. Áp dụng chặt chẽ các quy định pháp luật trong việc xử lý vi phạm.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến khó khăn vướng mắc của Sở TT&TT đã được Thanh tra Bộ TT&TT và các đại diện các Cục thuộc Bộ TT&TT trả lời như khó khăn trong việc quản lý phóng viên địa bàn vì có cơ quan báo chí có phóng viên địa bàn nhưng không đăng ký hoạt động, có đăng ký hoạt động nhưng khi phụ trách địa bàn khác lại không có văn bản trả lời; khó khăn việc xác minh cá nhân có phải chủ tài khoản không, khó khăn việc mời cá nhân vi phạm lên làm việc. Có một số đề xuất như cần xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin các nhà báo, phóng viên, các cơ quan báo chí để Sở TT&TT các tỉnh, thành phố dễ dàng quản lý tìm kiếm thông tin; cần có quy định, tiêu chí thông tin xấu độc trên môi trường mạng... Qua trao đổi, Thanh tra Bộ khẳng định sẽ cùng các đơn vị chức năng của Bộ đồng hành và tạo điều kiện tốt nhất, cùng các Sở giải quyết mọi vấn đề gặp phải trong thời gian tới..
MN
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc