Nghị định số 71/2022/NĐ-CP: Các DN cung cấp dịch vụ OTT TV trong nước sẽ được cạnh tranh bình đẳng với các DN OTT TV xuyên biên giới

Thứ hai - 03/10/2022 10:13 4.183 0
Ngày 01/10/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.
20221003-m01.jpg

Ảnh minh họa

Nghị định số 71/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung gồm 4 Điều, trong đó Điều 1 sửa đổi 14 Điều, bổ sung thêm 01 Điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP. Các quy định sửa đổi, bổ sung tập trung cụ thể hóa các quy định quản lý dịch vụ, đặc biệt đối với dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet chỉ cung cấp gói dịch vụ theo yêu cầu (OTT TV VOD), không cung cấp kênh chương trình; quản lý nội dung cung cấp trên dịch vụ (gồm nội dung theo yêu cầu, chương trình, kênh chương trình). Điều 2 Nghị định số 71/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định về thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ cấp giấy phép, cấp giấy chứng nhận. Điều 3 và Điều 4 Nghị định số 71/2022/NĐ-CP quy định về hiệu lực thi hành và trách nhiệm thi hành.

Nội dung căn bản nhất của Nghị định số 71/2022/NĐ-CP là khẳng định quan điểm quản lý dịch vụ OTT TV VOD, gồm cả doanh nghiệp (DN) nước ngoài cung cấp xuyên biên giới tới người sử dụng tại Việt Nam. Theo đó, các DN nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT TV xuyên biên giới vào Việt Nam phải được cấp phép. Đối với loại hình dịch vụ OTT TV, DN có thể lựa chọn 2 mô hình cung cấp dịch vụ: (i) OTT TV cung cấp cả kênh trực tuyến và nội dung theo yêu cầu (VOD) và (ii) OTT TV chỉ cung cấp VOD (OTT TV VOD). Đối với dịch vụ OTT TV VOD, DN chỉ cần thực hiện kê khai theo mẫu của Bộ Thông tin và Truyền thông, thay vì phải lập Đề án (Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 71/2022/NĐ-CP). Quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong nước, có những điều kiện về kỹ thuật tương đương như doanh nghiệp nước ngoài, được tham gia cung cấp dịch vụ. DN nước ngoài có nhu cầu tham gia thị trường cũng phải thực hiện thủ tục như DN trong nước.

Điểm quan trong tiếp theo của Nghị định số 71/2022/NĐ-CP là bổ sung thêm một Điều 20a của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP (khoản 11 Điều 1 Nghị định số 71/2022/NĐ-CP) quy định về biên tập, phân loại, biên dịch nội dung VOD. Theo đó, nội dung VOD được phân thành 03 nhóm để thực hiện, gồm: (i) Đối với các chương trình tin tức, thời sự; các chương trình về chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội: phải được cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình sản xuất, biên tập trước khi cung cấp trên dịch vụ; (ii) Đối với phim: DN được chủ động thực hiện hoạt động phân loại phim theo tiêu chí phân loại do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định khi đáp ứng các điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ và tự chịu trách nhiệm về kết quả phân loại. Trong trường hợp DN không có năng lực, điều kiện để thực hiện thì đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc cơ quan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ủy quyền thực hiện phân loại đối với phim chưa được cấp Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng; (iii) Đối với chương trình thể thao, giải trí: Các DN cung cấp dịch vụ được thực hiện hoạt động biên tập, phân loại trước khi cung cấp trên dịch vụ và hiển thị cảnh báo trong khi cung cấp dịch vụ, căn cứ theo nguyên tắc biên tập, phân loại và cảnh báo nội dung theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông và quy định của pháp luật liên quan, bảo đảm không vi phạm các điều cấm theo quy định pháp luật Việt Nam.

Như vậy quy định này đã nới lỏng hơn so với Nghị định số 06/2016/NĐ-CP. DN được chủ động biên tập, phân loại đối với các loại nội dung VOD là phim, chương trình thể thao, giải trí khi đáp ứng các điều kiện, tiêu chí theo quy định của cơ quan có thẩm quyền (trước đây, theo quy định tại Nghị định số 06/2016/NĐ-CP, tất cả nội dung VOD đều phải được cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình biên tập trước khi cung cấp trên dịch vụ).

Đối với hoạt động biên dịch các phim, chương trình nước ngoài: Không bắt buộc, trong trường hợp thực hiện biên dịch, phải bảo đảm tôn trọng, bảo tồn sự trong sáng của tiếng Việt, bảo đảm không vi phạm các điều cấm theo quy định pháp luật Việt Nam. Quy định này cũng áp dụng đối với việc biên dịch kênh chương trình nước ngoài.

Có thể nói, sự ra đời của Nghị định số 71/2022/NĐ-CP sẽ tạo điều kiện cho DN trong nước và DN nước ngoài kinh doanh dịch vụ trên cùng mặt bằng pháp lý, bảo đảm sự công bằng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, đồng thời không bổ sung thêm thủ tục hành chính.

Nghị định số 71/2022/NĐ-CP chính thức có hiệu lực thi thành từ ngày 01/01/2023.

Để Nghị định số 71/2022/NĐ-CP sớm được triển khai hiệu quả trong thực tiễn, trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức các hội nghị tập huấn để phổ biến các quy định mới tại Nghị định đến các tổ chức, DN có liên quan./.

 

Tác giả: mic.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Hộp thư điện tử Tây Ninh
CÔNG KHAI, MINH BẠCH
Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Tây Ninh lần thứ II - năm 2022
Họp không giấy
Tôn chỉ mục đích các cơ quan báo chí
Công báo tỉnh Tây Ninh
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM
Danh sách người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
Hướng Dẫn Dịch Vụ Công
Danh sách phóng viên thường trú địa bàn Tây Ninh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập10
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm8
  • Hôm nay2,230
  • Tháng hiện tại167,628
  • Tổng lượt truy cập18,333,499
Tra cứu hồ sơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây