Theo đó, Bộ Công an đã xây dựng dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ nhằm:
Một là, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC; cụ thể hóa và tạo cơ sở
pháp lý để bảo đảm thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân.
Hai là, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, trật tự; bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân; tạo môi trường an toàn phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và hội nhập quốc tế.
Ba là, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ trong hoạt động PCCC, CNCH; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; khắc phục hạn chế, vướng mắc,
bất cập của pháp luật hiện hành và bổ sung quy định đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới.
Với quan điểm tuân thủ Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật; bảo đảm các quy định của Luật được cụ thể và có tính khả thi; tổng kết đầy đủ, toàn diện thực tiễn thi hành pháp luật về PCCC, CNCH; kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập và bổ sung quy định mới để nâng cao hiệu quả công tác PCCC, CNCH; tham khảo có chọn lọc pháp luật của một số nước về PCCC, CNCH để vận dụng quy định cho phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.
Nội dung cơ bản các chính sách của dự án luật bao gồm:
1. Bảo đảm ngân sách nhà nước, cơ sở, vật chất, phương tiện, thiết bị hiện đại, nguồn nhân lực, chế độ, chính sách, các điều kiện hoạt động cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong mọi tình huống.
2. Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy bảo đảm đồng bộ, phù hợp với quy hoạch ngành, lĩnh vực, địa phương, gắn với xây dựng mạng lưới
giao thông và hệ thống cấp nước đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác chữa cháy.
3. Huy động, sử dụng các nguồn lực cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Đầu tư, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, hệ thống truyền tin báo cháy bảo đảm kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu tại những nơi bố trí đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
4. Đào tạo, bồi dưỡng, bảo đảm nguồn nhân lực thẩm định thiết kế và kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy cho cơ quan quản lý
chuyên ngành.
5. Bố trí phù hợp lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bám sát các địa bàn, cơ sở; khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân xây dựng, tham gia, duy trì các mô hình an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại cộng đồng; tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
6. Khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ trong hoạt động phòng cháy,
chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, đầu tư, xây dựng, chuyển giao hệ thống, phương tiện, thiết bị phục vụ hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
7. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ cơ quan nhà nước thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, căn cứ tính chất, mức độ đóng góp thì được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
8. Tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Dự thảo Luật gồm 09 chương, 61 điều, với những nội dung cơ bản như sau:
1. Chương I về quy định chung. Dự thảo Luật quy định về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, lực lượng, phương tiện, bảo đảm điều kiện hoạt
động và quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Cụ thể, dự thảo Luật quy định về:
Phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; chính sách của nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; nguyên tắc phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; báo cháy, tình huống cần phải cứu nạn, cứu hộ;
Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;
Trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;
Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
Áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy; ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; các hành
vi bị nghiêm cấm.
2. Chương II về phòng cháy. Dự thảo Luật kế thừa, bổ sung các quy định để khắc phục những vướng mắc, bất cập và đáp ứng yêu cầu thực tiễn về hoạt động phòng cháy, trong đó bổ sung quy định cụ thể hơn trách nhiệm, yêu cầu trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và nâng cao hơn nữa yêu cầu, trách nhiệm trong việc quản lý, cung ứng, sử dụng điện và thiết bị điện có liên quan đến cháy, nổ.
ên cạnh đó, dự thảo Luật đã bỏ các nội dung hiện đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hoặc trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan để bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, bao gồm:
Phòng cháy đối với rừng; phòng cháy đối với khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; phòng cháy trong khai thác, chế biến, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng, bảo quản sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, vật tư, hàng hóa khác có nguy hiểm về cháy, nổ; phòng cháy đối với công trình cao tầng, công trình trên mặt nước, công trình ngầm, đường hầm, hầm lò khai thác khoáng sản, nhà khung thép mái tôn; phòng, chống cháy, nổ đối với cơ sở sản xuất, kho vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; phòng cháy đối với cơ sở hạt nhân; phòng cháy đối với trụ sở làm việc, thư viện, bảo tàng, kho lưu trữ; phòng cháy đối với chợ, trung tâm thương mại, kho tàng. Cụ thể, dự thảo Luật quy định về: Yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy khi lập, điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch xây dựng; Yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy khi lập, điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình; thiết kế xây dựng công trình; cải tạo, thay đổi công năng sử dụng công trình; thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng mới, hoán cải phương tiện giao thông; Thẩm tra, thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; Nghiệm thu, kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy; Phòng cháy đối với nhà ở; Phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh; Phòng cháy đối với phương tiện giao thông; Phòng cháy đối với cơ sở; Phòng cháy trong lắp đặt, sử dụng điện.
3. Chương III về chữa cháy. Về cơ bản, dự thảo Luật tiếp tục kế thừa quy định của Luật hiện hành, có chỉnh lý, bổ sung một số quy định để khắc phục những vướng mắc, bất cập và nâng cao hiệu quả hoạt động chữa cháy, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy.
Cụ thể, dự thảo Luật quy định về: Xây dựng, thực tập phương án chữa cháy; Trách nhiệm chữa cháy; Huy động lực lượng, người, phương tiện, tài sản tham gia chữa cháy; Nguồn nước chữa cháy; Người chỉ huy chữa cháy; Quyền, trách nhiệm của người chỉ huy chữa cháy; Khắc phục hậu quả vụ cháy; Bảo vệ hiện trường, điều tra vụ cháy; Chữa cháy trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế và nhà ở của thành viên các cơ quan này
4. Chương IV về cứu nạn, cứu hộ. Các nội dung trong dự thảo Luật đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đang quy định trong Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 và giao Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về cứu nạn, cứu hộ đối với những sự cố, tai nạn xảy ra trong đời sống hằng ngày và thực tiễn thi hành cho thấy, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với vai trò làm nòng cốt cùng với các lực lượng phòng cháy và chữa cháy ở cơ sở đã và đang phát huy hiệu quả quan trọng trong việc thực hiện các hoạt động cứu nạn, cứu hộ đối với các tình huống tai nạn, sự cố thông thường xảy ra trong đời sống hằng ngày, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, phục vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, được các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Cụ thể, dự thảo Luật quy định về: Tình huống cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Trách nhiệm cứu nạn, cứu hộ; Xây dựng, thực tập phương án cứu nạn, cứu hộ của cơ quan Công an; Người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ; Huy động lực lượng, người, phương tiện, tài sản tham gia cứu nạn, cứu hộ
5. Chương V về xây dựng, bố trí lực lượng, nhiệm vụ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Dự thảo Luật trên cơ sở tiếp tục kế thừa quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy hiện hành đã được thực tiễn kiểm nghiệm và còn phát huy giá trị để tiếp tục quy định đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã chỉnh lý, bổ sung các quy định liên quan đến xây dựng, bố trí lực lượng, nhiệm vụ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Cụ thể, dự thảo Luật quy định các nội dung về: Lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Thành lập, quản lý lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành và lực lượng dân phòng; Nhiệm vụ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành và lực lượng dân phòng; Phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tình nguyện; Xây dựng, bố trí lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
6. Chương VI về phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Dự thảo Luật bổ sung các quy định về phương tiện cứu nạn, cứu hộ; đồng thời, chỉnh lý, hoàn thiện các nội dung về phương tiện phòng cháy, chữa cháy đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cụ thể, dự thảo Luật quy định về: Trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Quản lý, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; Sản xuất, nhập khẩu, kiểm định phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
7. Chương VII về bảo đảm điều kiện cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Dự thảo Luật về cơ bản tiếp tục kế thừa quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy, đồng thời bổ sung quy định về bảo đảm điều kiện cho hoạt động cứu nạn, cứu hộ. Cụ thể, dự thảo Luật quy định về: Huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Chế độ, chính sách đối với người được huy động, tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; Trang phục, phù hiệu, cấp hiệu và chế độ, chính sách đối với lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; Nguồn tài chính bảo đảm cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; Ngân sách đầu tư cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; Khuyến khích đầu tư cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; Hoạt động khoa học, công nghệ, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy; Kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy.
8. Chương VIII về quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Dự thảo Luật quy định về: Nội dung quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; Kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy; Xử lý đối với các cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
9. Chương IX về điều khoản thi hành. Dự thảo Luật quy định về sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống thiên tai; hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp.
NHỮNG NỘI DUNG MỚI CỦA DỰ ÁN LUẬT
Về tên gọi, bố cục của dự thảo luật
- Sửa đổi tên gọi “Luật Phòng cháy và chữa cháy” hiện hành thành “Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ” (Luật PCCC và CNCH) để điều chỉnh bao quát các quy định về hoạt động cứu nạn, cứu hộ (CNCH).
- Dự thảo Luật PCCC và CNCH gồm 09 chương, 61 điều (Luật PCCC hiện hành gồm 09 chương, 65 điều).
Về nội dung của dự thảo luật
1. Những nội dung mới được bổ sung quy định trong dự thảo Luật:
Dự thảo Luật đã bổ sung 05 nhóm nội dung mới sau đây chưa được quy định trong Luật PCCC hiện hành; cụ thể:
- Một là, bổ sung quy định về hoạt động CNCH thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Lý do quy định: Hoạt động CNCH có tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân và theo quy định của Hiến pháp năm 2013 phải được quy định trong văn bản luật. Theo đó, phạm vi hoạt động CNCH quy định tại Chương IV dự thảo Luật bao gồm các tình huống sau đây:
+ CNCH trong đám cháy;
+ CNCH trong tình huống tai nạn, sự cố, bao gồm: Có người đuối nước; sập, đổ nhà, công trình, cây cối; do phương tiện, thiết bị gây ra; sạt lở đất, đá; tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; các tai nạn, sự cố khác khi có yêu cầu;
+ Tìm kiếm nạn nhân.
- Hai là, bổ sung quy định áp dụng pháp luật về PCCC và CNCH (Điều 3 dự thảo Luật)
Lý do quy định: Luật PCCC hiện hành chưa có quy định để phân định phạm vi điều chỉnh giữa Luật PCCC với các luật có liên quan. Theo đó, dự thảo Luật quy định là để phân định, xác định phạm vi điều chỉnh của Luật này về hoạt động PCCC và CNCH với các luật khác có liên quan cũng đang quy định về hoạt động PCCC và CNCH để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; cụ thể:
+ Hoạt động PCCC trên lãnh thổ Việt Nam thực hiện theo quy định của Luật này, trừ trường hợp đối với hoạt động PCCC rừng thực hiện theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
+ Hoạt động CNCH trên lãnh thổ Việt Nam thực hiện theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan. Khi xảy ra cháy, tai nạn, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm nạn nhân thì việc CNCH thực hiện theo quy định của Luật này, trừ trường hợp sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh đã được ban bố cấp độ phòng thủ dân sự thì thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng thủ dân sự.
- Ba là, bổ sung quy định về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh theo hướng xác định cụ thể các điều kiện an toàn PCCC, trang bị phương tiện, thiết bị PCCC, bảo đảm lối thoát nạn khi có tình huống cháy, nổ xảy ra (Điều 19 dự thảo Luật).
Lý do quy định: Hiện nay, loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh xảy ra cháy còn diễn biến phức tạp, khi cháy thường gây thiệt hại lớn về tài sản, tính mạng con người, trong khi đó Luật PCCC hiện hành chưa có quy định về các giải pháp cụ thể để khắc phục thực trạng cháy, nổ xảy ra.
- Bốn là, bổ sung quy định kiểm tra về PCCC theo hướng xác định cụ thể đối tượng, nội dung, phạm vi, thẩm quyền, trình tự, thủ tục kiểm tra về PCCC (Điều 57 dự thảo Luật).
Lý do quy định: Để khắc phục vướng mắc, bất cập hiện nay khi Luật PCCC hiện hành chưa có quy định cụ thể công tác kiểm tra về PCCC; qua đó, tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC; cụ thể:
+ Về đối tượng kiểm tra, bao gồm: Cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC; hộ gia đình; phương tiện giao thông có yêu cầu về bảo đảm an toàn PCCC; công trình đang thi công xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ PCCC.
+ Nội dung kiểm tra: Việc bảo đảm và duy trì các điều kiện an toàn về PCCC đối với cơ sở, hộ gia đình, phương tiện giao thông; điều kiện an toàn về PCCC đối với công trình xây dựng trong quá trình thi công; việc thực hiện, duy trì giải pháp kỹ thuật về PCCC đối với các cơ sở.
Việc thực hiện trách nhiệm PCCC và CNCH của người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, chủ phương tiện giao thông theo quy định. Việc bảo đảm và duy trì các điều kiện đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ PCCC.
+ Phạm vi, thẩm quyền kiểm tra: Người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, chủ phương tiện giao thông, chủ đầu tư tự kiểm tra việc bảo đảm và duy trì các điều kiện an toàn về PCCC đối với cơ sở, hộ gia đình, phương tiện giao thông, công trình đang thi công xây dựng trong phạm vi quản lý.
Cơ quan quản lý nhà nước về PCCC và CNCH theo thẩm quyền tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy định về điều kiện an toàn, trách nhiệm trong PCCC đối với cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, hộ gia đình, phương tiện giao thông, công trình đang thi công xây dựng thuộc diện phải thẩm định thiết kế về PCCC.
- Năm là, bổ sung quy định về xử lý đối với các cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC và CNCH có hiệu lực thi hành (Điều 58 dự thảo Luật).
Lý do quy định: Để khắc phục khó khăn, vướng mắc hiện nay khi Luật PCCC hiện hành đang giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định việc xử lý các cơ sở trên địa bàn không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC có hiệu lực thi hành; tuy nhiên, thực tế triển khai thực hiện đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập cần phải được bổ sung bằng các quy định mới để tạo cơ sở pháp lý thực hiện bảo đảm tính khả thi.
Dự thảo Luật quy định theo hướng giao UBND cấp tỉnh phân loại, lập và công bố danh sách cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về PCCC tại thời điểm đưa vào hoạt động và không có khả năng khắc phục theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành hoặc quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật tại thời điểm đưa vào hoạt động trên địa bàn quản lý; giao Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định của pháp luật về xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an quy định giải pháp kỹ thuật nâng cao an toàn PCCC cho các công trình không bảo đảm yêu cầu PCCC thuộc thẩm quyền quản lý; giao người đứng đầu cơ sở căn cứ hiện trạng kiến trúc, kết cấu, công năng, thiết bị, dây chuyền sản xuất lựa chọn giải pháp kỹ thuật tương ứng để tăng cường giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn PCCC và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện. Đối với công trình, cơ sở không thể áp dụng được giải pháp kỹ thuật thay thế thì phải chuyển đổi công năng phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của công trình, cơ sở.
2. Những nội dung được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở quy định của Luật PCCC hiện hành
Những nội dung được sửa đổi, bổ sung tập trung vào 09 nhóm vấn đề lớn, bao gồm:
- Một là, về trách nhiệm trong công tác PCCC, CNCH: Sửa đổi, bổ sung để quy định bao quát, đầy đủ hơn trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong công tác PCCC, CNCH (các điều 7, 8, 9, 39, 42, 56 dự thảo Luật).
Lý do quy định: Luật PCCC hiện hành chưa quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong công tác PCCC, CNCH dẫn đến những khó, vướng mắc, bất cập trên thực tế do chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ để thực hiện.
Dự thảo Luật đã bổ sung và quy định cụ thể, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác PCCC, CNCH; qua đó, tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả công tác quản lý về PCCC, CNCH.
- Hai là, về các hành vi bị nghiêm cấm: Sửa đổi, bổ sung để quy định cụ thể, đầy đủ hơn các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động PCCC, CNCH (Điều 13 dự thảo Luật).
Lý do quy định: Thực tế hiện nay xuất hiện nhiều hành vi gây ảnh hưởng, nguy hại đến yêu cầu bảo đảm an toàn PCCC, CNCH nhưng chưa được quy định trong Luật PCCC hiện hành. Theo đó, dự thảo Luật đã bổ sung, quy định bao quát hơn các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động PCCC, CNCH để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và khắc phục khó khăn, vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành.
- Ba là, về thẩm định thiết kế, kiểm tra công tác nghiệm thu về PCCC: Sửa đổi, bổ sung quy định về công tác thẩm định thiết kế, kiểm tra công tác nghiệm thu về PCCC theo hướng phân định, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan Công an, cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan đăng kiểm trong việc thẩm định thiết kế, kiểm tra công tác nghiệm thu về PCCC đối với các dự án, công trình, phương tiện giao thông thuộc phạm vi quản lý gắn liền với chức năng, nhiệm vụ được giao để thay thế cho quy định của Luật PCCC hiện hành đang quy định giao cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH là cơ quan thực hiện (Điều 16, 17 dự thảo Luật).
Lý do quy định: Để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và gắn trách nhiệm cụ thể của các cơ quan chuyên ngành có liên quan đến công tác PCCC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC trong công tác thẩm định, kiểm tra công tác nghiệm thu về PCCC.
- Bốn là, về phòng cháy đối với nhà ở: Sửa đổi, bổ sung để quy định cụ thể, đầy đủ hơn các điều kiện an toàn PCCC, trang bị phương tiện, thiết bị PCCC, bảo đảm lối thoát nạn khi có tình huống cháy, nổ xảy ra đối với nhà ở (Điều 18 dự thảo Luật).
Lý do quy định: Hiện nay, loại hình nhà ở xảy ra cháy, nổ còn diễn biến phức tạp, khi cháy thường gây thiệt hại lớn về tài sản, tính mạng con người, trong khi đó Luật PCCC hiện hành chưa có quy định về các giải pháp cụ thể để khắc phục thực trạng cháy, nổ đối với loại hình nhà ở.
- Năm là, về bảo đảm an toàn trong lắp đặt, sử dụng điện: Sửa đổi, bổ sung để quy định cụ thể, đầy đủ hơn về bảo đảm điều kiện an toàn phòng cháy trong lắp đặt, sử dụng điện cho sinh hoạt, sản xuất; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, thiết bị điện và đơn vị bán lẻ điện (Điều 22 dự thảo Luật).
Lý do quy định: Đa số các vụ cháy, nổ xảy ra hiện nay có nguyên nhân do chưa đảm bảo an toàn về điện, trong khi đó Luật PCCC hiện hành chưa có quy định đầy đủ về các giải pháp bảo đảm an toàn phòng cháy trong lắp đặt, sử dụng điện; vì vậy, cần có quy định cụ thể hơn để nâng cao các giải pháp an toàn PCCC, giảm thiểu số vụ cháy, nổ do điện gây ra.
- Sáu là, về chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện cho hoạt động PCCC, CNCH: Sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định bao quát, đầy đủ hơn chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện cho hoạt động PCCC, CNCH; nguồn tài chính bảo đảm, ngân sách đầu tư cho hoạt động PCCC, CNCH; quy định cụ thể về chế độ, chính sách đối với người được huy động, tham gia chữa cháy, CNCH (Chương VI, VII dự thảo Luật).
Lý do quy định: Trong các vụ cháy, người dân, lực lượng PCCC của cơ sở tham gia hoạt động chữa cháy CNCH bị thương, chết; trong khi đó, quy định về chế độ, chính sách cho các đối tượng này tại Luật PCCC hiện hành còn chung chung, chưa cụ thể; bên cạnh đó, về chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện cho hoạt động PCCC, CNCH cũng còn những hạn chế. Do đó, dự thảo Luật đã bổ sung các nội dung để quy định cụ thể, đầy đủ hơn chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện cho hoạt động PCCC, CNCH, chế độ, chính sách đối với người được huy động, tham gia chữa cháy, CNCH.
- Bảy là, về nghiên cứu, ứng khoa học công nghệ trong quản lý PCCC, CNCH: Sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động khoa học công nghệ, quản lý cơ sở dữ liệu về PCCC, CNCH và truyền tin báo sự cố; chính sách ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoa học công nghệ trong PCCC, CNCH (Điều 53 dự thảo Luật).
Lý do quy định: Tạo cơ sở pháp lý để đáp ứng yêu cầu thực tiễn khi hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trên thế giới đang được đẩy mạnh ứng dụng phục vụ công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, trong đó có hoạt động PCCC, CNCH.
- Tám là, về đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa công tác PCCC: Sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng cường thực hiện xã hội hóa công tác PCCC như: Thiết kế, thẩm tra thiết kế về PCCC; huấn luyện về nghiệp vụ PCCC; kiểm định phương tiện PCCC; đánh giá an toàn về PCCC (Điều 54 dự thảo Luật).
Lý do quy định: Giảm bớt áp lực cho các cơ quan nhà nước và nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện quy định về PCCC và CNCH.
- Chín là, về cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính: Dự thảo Luật đã bãi bỏ 06 nhóm thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung 04 nhóm thủ tục hành chính hiện đang thực hiện; cắt giảm từ 09 ngành nghề kinh doanh có điều kiện về PCCC xuống còn 05 ngành nghề, gồm:
(1) Thiết kế về PCCC;
(2) Thẩm tra thiết kế về PCCC
(3) Huấn luyện về nghiệp vụ PCCC;
(4) Kiểm định phương tiện PCCC;
(5) Đánh giá an toàn về PCCC.
Lý do quy định: Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tham gia hoạt động PCCC và CNCH; đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Ngoài 09 nhóm nội dung lớn nêu trên, Luật PCCC hiện hành cũng đã được sửa đổi, bổ sung các nội dung khác để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
3. Các quy định trong Luật PCCC hiện hành được bãi bỏ
Bãi bỏ 03 nhóm nội dung đang được quy định trong Luật PCCC hiện hành; cụ thể:
- Một là, bãi bỏ quy định tiêu chuẩn về PCCC bắt buộc áp dụng; dự thảo Luật quy định theo hướng tiêu chuẩn được áp dụng trong hoạt động PCCC theo nguyên tắc tự nguyện, trừ các tiêu chuẩn được viện dẫn trong quy chuẩn kỹ thuật hoặc văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Lý do: Để đồng bộ, thống nhất với Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
- Hai là, bãi bỏ quy định phòng cháy đối với 11 loại hình cơ sở đang được quy định trong Luật PCCC hiện hành như: Phòng cháy đối với khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; phòng cháy trong khai thác, chế biến, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng, bảo quản sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, vật tư, hàng hóa khác có nguy hiểm về cháy, nổ; phòng cháy đối với công trình ngầm, đường hầm, hầm lò khai thác khoáng sản, nhà khung thép mái tôn; phòng cháy đối với chợ, trung tâm thương mại, kho tàng; phòng cháy đối với cảng hàng không, cảng biển, cảng thủy nội địa, nhà ga, bến xe; phòng, chống cháy, nổ đối với cơ sở sản xuất, kho vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ...
Lý do: Hiện nay, các cơ sở nêu trên đều đã có các quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành hướng dẫn quy định về an toàn PCCC.
- Ba là, bãi bỏ các quy định: Phòng cháy đối với rừng; thanh tra PCCC; tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình và cá nhân không bảo đảm an toàn về PCCC.
Lý do: Để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật Lâm nghiệp, Luật Thanh tra, Luật Xử lý vi phạm hành chính.