CẢNH BÁO: Giả danh, mạo danh cán bộ Quân đội để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Thứ tư - 06/12/2023 14:46 7.678 0
Thời gian gần đây, tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trong cả nước nói chung đang có dấu hiệu gia tăng và ngày càng hoạt động tinh vi hơn.
Nhiều cơ quan chức năng, báo chí Trung ương và địa phương thường xuyên tuyên truyền nâng cao cảnh giác, phòng ngừa các phương thức, thủ đoạn lừa đảo. Tuy nhiên, theo thống kê của Cục Chính trị Quân khu 7, từ tháng 5/2023 đến nay vẫn phát hiện 64 vụ (trong đó, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 06 vụ) việc giả danh, mạo danh cán bộ, nhân viên trong quân đội, thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản được người dân trình báo cơ quan chức năng.

Nguyên nhân chính vẫn là do người dân thiếu cảnh giác, tin tưởng chuyển khoản đặt hàng, giao hàng khi chưa xác thực thông tin; mặt khác, một phần vì ham lợi nhuận cao, chấp nhận giao dịch với đối tượng lạ, ứng tiền nhập các loại hàng hóa mà cửa hàng của mình không kinh doanh, dẫn đến bị chiếm đoạt tài sản; gây tâm lý hoang mang, ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, uy tín của Quân đội nhân dân Việt Nam và LLVT Quân khu 7.

Phương thức thủ đoạn chính của các đối tượng là:
  • Thứ nhất, thông qua các ứng dụng trên mạng xã hội (phổ biến nhất là Zalo và Mesenger) có sử dụng hình ảnh mặc quân phục; hình ảnh phản ánh hoạt động thường ngày của bộ đội hoặc tự xưng là cán bộ đang công tác trong Quân đội để tạo dựng niềm tin đối với các nạn nhân. Sau đó, chủ động liên hệ với các cơ sở kinh doanh, cơ sở nấu ăn, công ty dịch vụ, cửa hàng vật liệu xây dựng, phân bón… để đặt tiệc, đặt mua các loại sản phẩm. Các đối tượng thực hiện chuyển khoản trước một số tiền để đặt cọc, tạo niềm tin và tiến hành nhờ nạn nhân ứng tiền trước mua giúp một số loại hàng hóa mà cơ sở kinh doanh của nạn nhân không có. Khi nạn nhân không tìm được nguồn hàng để cung ứng, các đối tượng (nhóm đối tượng) tiến hành giới thiệu nguồn hàng với lợi nhuận hấp dẫn để dụ dỗ nạn nhân, sau đó yêu cầu chuyển khoản đặt cọc. Khi nạn nhân tin tưởng, chuyển tiền cọc thì các đối tượng (nhóm đối tượng) cắt liên hệ, không giao hàng hoặc giao hàng hóa không đúng có giá trị thấp hơn so với thỏa thuận để chiếm đoạt tài sản.
dsc00672 jpg
Đối tượng mạo danh là cán bộ quân đội nhắn tin nhờ nạn nhân mua quà phẩm mà cửa hàng không kinh doanh
 
 
  • Thứ hai, các đối tượng (nhóm đối tượng) tiến hành tìm hiểu hoàn cảnh gia đình nạn nhân và mạo danh là chỉ huy đơn vị của cán bộ, chiến sĩ liên hệ với gia đình thông báo con, em của nạn nhân (đang phục vụ tại ngũ) bị tai nạn hoặc vi phạm kỷ luật, cần chuyển khoản một số tiền gấp để tiến hành điều trị, khắc phục hậu quả, nhằm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, vào khoảng 20 giờ 30 ngày 5.10.2023, tại quán Ẩm thực PN, địa chỉ khu phố 2, phường 1, thành phố Tây Ninh do ông P.N.T làm chủ. Vào thời điểm trên, có một đối tượng tự xưng là cán bộ quân đội công tác tại Ban CHQS Thành phố sử dụng Zalo tên Nguyễn Thành Nam, số điện thoại: 0084867842120 gọi điện đến quán để đặt 6 bàn tiệc, trị giá 12 triệu đồng (đã chuyển cọc trước 1 triệu đồng để làm tin) và hẹn đến trưa ngày 6.10.2023 khách đến dự.

Đến khoảng 8 giờ ngày 6.10.2023 đối tượng trên đặt thêm 20 phần quà là trà trị giá khoảng 23 triệu đồng, do quán ông T không có nên đối tượng đã giới thiệu cho ông T số điện thoại cửa hàng trà để đặt và nhờ ông T thanh toán trước; ông T đã liên hệ và chuyển 3 triệu đồng ứng trước để lấy hàng.

Sau đó, đối tượng tiếp tục nhờ ông T mua thêm 20 phần quà nấm linh chi trị giá khoảng 100 triệu đồng. Lúc này ông T thấy khả nghi nên ngưng giao dịch và gọi điện thoại lại các đối tượng trên thì không còn liên lạc được.

Mới đây nhất, vào khoảng 13 giờ 30 ngày 20.11.2023, tại vựa gạo TL, khu phố 6, phường 3, thành phố Tây Ninh do ông L.V.L làm chủ, có một đối tượng sử dụng số điện thoại 0866184251, Zalo tên Vũ Văn Thông tự xưng là cán bộ Hậu cần thuộc Ban CHQS thị xã Hoà Thành gọi đến đặt mua 6 tấn gạo, tổng trị giá hơn 115 triệu đồng. Hẹn đến 16 giờ ngày 21.11.2023 giao gạo đến Ban CHQS thị xã Hoà Thành. Sau đó đối tượng nhờ mua 100 hộp thịt hiệu OKOPOK (khoảng 6 triệu đồng) và cho số điện đoại để liên hệ mua.

Thấy nghi vấn nên ông L đã liên hệ đến Ban CHQS thị xã Hòa Thành để xác minh thì được biết đây không phải là cán bộ của đơn vị và đơn vị cũng không có đặt số gạo nói trên.

Tương tự, vào khoảng 14 giờ ngày 21.11.2023 tại cửa hàng văn phòng phẩm NH ở khu phố 4, phường 3, TP. Tây Ninh do ông N.V.H làm chủ, có một đối tượng sử dụng số điện thoại 0342498013 và Zalo Đào Thu Trang đặt 40 thùng giấy A4 tổng trị giá khoảng 15 triệu đồng.

Sau đó đối tượng nhờ mua giùm 60 chai thuốc diệt mối tổng trị giá 38 triệu đồng, hẹn đến 15 giờ ngày 22.11.2023 giao hàng đến Ban CHQS thị xã Hoà Thành. Thấy khả nghi nên chủ cửa hàng liên hệ Ban CHQS thị xã Hoà Thành để xác minh thì đối tượng này không phải là cán bộ thuộc Ban CHQS thị xã Hoà Thành.

Trung tá Dương Cao Chí- Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS TP. Tây Ninh cho biết, trước tình trạng trên, Ban CHQS Thành phố đã tiến hành trao đổi với Công an Thành phố tiến hành xác minh, điều tra các đối tượng để xử lý. Chủ trương của Đảng uỷ, Ban CHQS Thành phố trong quá trình giao dịch mua bán, cán bộ sẽ trực tiếp đến giao dịch và có hợp đồng cụ thể, không sử dụng qua các hình thức mạng xã hội như Zalo, Facebook.

Để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, người dân cần cảnh giác khi nhận được các cuộc gọi của người lạ tự xưng là cán bộ quân đội để đặt hàng, yêu cầu cung cấp thông tin và liên hệ với các đơn vị xác minh thông tin trước khi thực hiện giao dịch.

Trường hợp nghi vấn các đối tượng mạo danh là quân nhân, cán bộ quân đội, phải yêu cầu xuất trình chứng minh quân đội, hoặc giấy giới thiệu của cơ quan, đơn vị công tác. Nếu cần thiết, hãy liên hệ với cơ quan, đơn vị đối tượng tự xưng đang công tác để xác nhận thông tin và báo cáo ngay cho cơ quan quân đội, công an gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời.

Người dân tuyệt đối KHÔNG:
  • Cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.
 
  • Khi gặp những tin nhắn thông qua các trang mạng xã hội để vay tiền, đặt cọc mua hàng hóa cửa hàng không kinh doanh, yêu cầu chuyển tiền để xác minh tài khoản hoặc nhờ tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ nước ngoài... thì cần đặc biệt cảnh giác, tuyệt đối không làm theo khi chưa kiểm tra thông tin.
 
  • Khi phát hiện cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan Công an địa phương giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật hoặc liên hệ đến đầu số 156 (hoặc 5656) để cung cấp thông tin, phản ánh các đầu số thực hiện cuộc gọi rác, lừa đảo, trích dẫn các nội dung liên quan.

Không nên tìm đến các trang mạng xã hội giới thiệu có thể lấy lại tiền bị lừa, tránh để bị mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo.
 

Tác giả: BCXB

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Hộp thư điện tử Tây Ninh
CÔNG KHAI, MINH BẠCH
Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Tây Ninh lần thứ II - năm 2022
Họp không giấy
Tôn chỉ mục đích các cơ quan báo chí
Công báo tỉnh Tây Ninh
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM
Danh sách người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
Hướng Dẫn Dịch Vụ Công
Danh sách phóng viên thường trú địa bàn Tây Ninh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập109
  • Máy chủ tìm kiếm30
  • Khách viếng thăm79
  • Hôm nay255
  • Tháng hiện tại86,211
  • Tổng lượt truy cập18,453,082
Tra cứu hồ sơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây