78 năm liên tục đổi mới, hiện đại hóa công nghệ phục vụ cảnh báo sớm thiên tai - KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN VIỆT NAM

Thứ ba - 03/10/2023 08:00 146 0
Ngày truyền thống ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam năm 2023 được tổ chức với chủ đề: “Khí tượng Thủy văn Việt Nam 78 năm liên tục đổi mới, hiện đại hóa công nghệ phục vụ cộng đồng”.
78 năm liên tục đổi mới, hiện đại hóa công nghệ phục vụ cảnh báo sớm thiên tai - KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN VIỆT NAM
Trên chặng đường 78 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ngành Khí tượng Thủy văn (KTTV) Việt Nam đã đoàn kết một lòng, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, nỗ lực vươn lên, liên tục đổi mới, hiện đại hóa công nghệ phục vụ ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn đối với sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc và an toàn của nhân dân.

Ngày 03 tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 41 đưa Sở Thiên văn và Đài Thiên văn Phù Liễn về trực thuộc Bộ Công chính và Giao thông với tên gọi Sở Khí tượng (ngày 17/12/2019 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1821/QĐ-TTg lấy ngày 03 tháng 10 hằng năm là “Ngày truyền thống ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam”). Ngày 05 tháng 6 năm 1956, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 916-TTg thành lập Nha KTTV, kể từ thời điểm này ngành KTTV được chính thức thành lập và trực thuộc Chính phủ.

Từ một mạng lưới thưa thớt và ít ỏi do thực dân Pháp để lại ở miền Bắc (gồm 15 trạm khí tượng bề mặt, 6 trạm hải văn, 41 trạm thủy văn và 27 điểm đo mưa, trong đó nhiều trạm đã ngừng quan trắc) và chế độ cũ ở để lại ở miền Nam (sau giải phóng, ở các tỉnh phía nam chỉ còn 30 trạm khí tượng, khí hậu, 02 trạm thám không vô tuyến và một số trạm pilot, trạm thủy văn quan trắc định kỳ), đến nay với sự đầu tư của Đảng, Nhà nước, của Bộ TN&MT, sự cố gắng nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lĩnh vực KTTV đã có một mạng lưới quan trắc KTTV liên tục được cấy dày, tăng cường tự động hóa và trở thành mạng lưới nền cho mạng lưới quan trắc TNMT, với trên 1800 trạm/điểm đo trên toàn quốc; với gần 1.500 quan trắc viên có mặt trên khắp mọi miền của Tổ quốc, từ vùng sâu, vùng xa đến núi cao và hải đảo đã không ngại khó khăn gian khổ thầm lặng ngày đêm thu thập các số liệu điều tra cơ bản về KTTV, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ quan trắc, dự báo KTTV phục vụ công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước. Hệ thống công trình đo đạc, nhà cửa của nhiều trạm đã được kiên cố hóa, máy móc, thiết bị lạc hậu được loại bỏ và đang tập trung hiện đại hóa công nghệ thiết bị chuyên ngành mới. Trong đó, giai đoạn 2010 - 2023, mạng lưới trạm đã đầu tư phát triển gần 800 trạm/công trình/phương tiện đo KTTV. Tỷ lệ các trạm KTTV đã được tự động hóa khoảng gần 40%; đặc biệt các trạm đo mưa, bức xạ được đầu tư mới đã tự động 100%; trạm đo mực nước tự động chiếm 53% tổng số trạm. Chất lượng số liệu đo đạc, quan trắc KTTV luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

Được sự đầu tư của Đảng, Nhà nước, Bộ TN&MT trong những năm vừa qua, hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV từ trung ương đến địa phương được tổ chức theo 3 cấp dự báo, công nghệ dự báo, cảnh báo KTTV không ngừng được đổi mới, phát triển. Được sự đầu tư của Nhà nước, công nghệ dự báo số đã được nghiên cứu và triển khai ứng dụng nghiệp vụ tại Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia và một số Đài KTTV khu vực. Một số mô hình khu vực phân giải cao như mô hình HRM của Đức, WRF của Mỹ, ECMWF của Châu Âu… cùng với các hệ thống dự báo tổ hợp hạn ngắn và hạn vừa đã và đang được vận hành hiệu quả tại Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia. Với việc ứng dụng hệ thống mô hình dự báo thời tiết số trị, các đơn vị dự báo nghiệp vụ trực thuộc Tổng cục KTTV đã tiến hành dự báo tới các địa điểm cụ thể như thị trấn, thị xã, thành phố, với khoảng 600 điểm; phát hành bản tin dự báo KTTV đa dạng hơn, thông tin dự báo chi tiết hơn và từng bước nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, không khí lạnh, đồng thời tăng cường các bản tin dự báo KTTV biển, đặc biệt là thời tiết biển khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước và phục vụ hiệu quả việc phát triển kinh tế biển. Đã tiến hành cải tiến, thay đổi, điều chỉnh cả về hình 5 thức và nội dung các bản tin dự báo, cảnh báo theo hướng rõ hơn, chi tiết hơn về ảnh hưởng của bão, mưa, lũ, cụ thể như: Bản đồ dự báo bão dễ tham khảo hơn; đã nhận định rõ hơn về diễn biến mưa, vùng và thời gian có gió mạnh, sóng lớn; khu vực các huyện miền núi có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao; các bản tin dự báo bão, lũ được phát sớm hơn từ 30 phút đến 01 giờ so với trước đây và chuyển ngay đến các Đài KTTV khu vực, Đài KTTV tỉnh để kịp thời phục vụ địa phương; đưa thông tin dự báo KTTV lên các trang mạng của Tổng cục KTTV, các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương, địa phương và các cơ quan chỉ đạo phòng chống thiên tai các cấp để góp phần nâng cao hiệu quả phòng chống thiên tai. Đã đưa được cấp độ rủi ro thiên tai vào bản tin qua đó nâng cao hiệu quả phục vụ, và từng bước tiến tới dự báo dựa trên tác động, cảnh báo dựa trên rủi ro. Các nội dung này đã cập nhật, bổ sung kịp thời, đầy đủ nên được các cấp chính quyền ở Trung ương và địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Các ứng dụng công nghệ mới trong dự báo KTTV đã góp phần nâng thời gian dự báo bão, áp thấp nhiệt đới từ 24 giờ lên 36 giờ; đối với nhiều cơn bão có quỹ đạo ổn định đã dự báo trước từ 60 - 72 giờ, cảnh báo trước 48 - 72h các đợt không khí lạnh gây rét đậm, rét hại. Tiêu biểu là đã dự báo khá chính xác cơn bão số 6 năm 2006 (Xangsane) đổ bộ vào thành phố Đà Nẵng, cơn bão số 9 (Ketsana) năm 2009 đổ bộ vào Quảng Nam - Quảng Ngãi, cơn bão số 8 (Sơn Tinh) năm 2012 đổ bộ vào Thái Bình, cơn bão số 14 (HaiYan) năm 2013 đổ bộ vào Quảng Ninh, cơn bão số 2 (Rammasun) năm 2014 đổ bộ vào Quảng Ninh, Bão số 4 Noru năm 2022 đổ bộ vào Quảng Nam - Quảng Ngãi được nhận định là cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây ảnh hưởng đến Trung Bộ ... đó là những cơn bão mạnh nhất trong vòng 16 năm trở lại đây (có 3 cơn bão ở mức siêu bão) có những diễn biến hết sức phức tạp cả về đường đi và cường độ, nhưng do dự báo đúng thời gian và nơi bão đổ bộ hoặc ảnh hưởng đã góp phần làm giảm tới mức thấp nhất những thiệt hại do bão gây ra. Đặc biệt trong năm 2010, Tổng cục đã hoàn thành nhiệm vụ dự báo diễn biến thời tiết tại khu vực Hà Nội, phục vụ tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, được dư luận và báo chí đánh giá cao, được bình chọn là một trong 15 sự kiện tiêu biểu của Ngành TN&MT; dự báo phục vụ Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XI, XII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016, 2016 - 2021; cầu truyền hình trực tiếp 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các địa điểm trên toàn quốc….

 

Ứng dụng nhiều công nghệ mới trong công tác nghiệp vụ góp phần nâng cao chất lượng dự báo KTTV. Chất lượng các bản tin dự báo luôn đạt và vượt mức chỉ tiêu đề ra. Trong giai đoạn 2010 - 2023, đã theo dõi và dự báo sát, kịp thời 336 đợt không khí lạnh; 60 áp thấp nhiệt đới; 114 cơn bão; 150 trận lũ; 223 đợt nắng nóng diện rộng; 317 đợt mưa lớn diện rộng, đặc biệt năm 2018 công tác dự báo hiệu quả đã góp phần giảm được khoảng 2/3 thiệt hại do thiên tai gây ra so với năm 2017 tương ứng với 40.000 tỷ đồng (nguồn từ Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn); Năm 2019, thiệt hại do thiên tai gây ra đã được giảm thiểu tối đa, đặc biệt là về người; công tác dự báo, cảnh báo thiên tai đã được Thủ tướng Chính phủ biểu dương, ghi nhận tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020; năm 2021 nhờ công tác dự báo sớm, kịp thời của Ngành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, các cơ quan Trung ương và địa phương đã có hành động quyết liệt, hiệu quả từ sớm nên đã giảm thiểu được nhiều thiệt hại, cụ thể: thiệt hại về người giảm 54%, thiệt hại về tài sản giảm 78% so với trung bình 10 năm vừa qua.


Trong giai đoạn 2010 - 2023, nhiều công nghệ, thiết bị mới đã được đầu tư, nghiên cứu đưa vào ứng dụng trong tác nghiệp góp phần nâng cao chất lượng công tác dự báo KTTV: 7 Một là, đã xây dựng được bộ công cụ, chương trình tính toán chỉ số SPI phục vụ giám sát hạn hán khí tượng hỗ trợ đưa ra các bản tin thông báo về phạm vi, cường độ, diễn biến hạn hán trên phạm vi toàn quốc. Hai là, đã triển khai trong nghiệp vụ các hệ thống mô hình dự báo số trị quy mô khu vực để tăng cường khả năng dự báo định lượng mang tính cực trị như mưa lớn, gió mạnh trong bão. Ba là, đã thu thập đồng bộ thống nhất toàn bộ các hệ thống dự báo tất định và tổ hợp từ các trung tâm toàn cầu (Mỹ, Nhật, Châu Âu) phục vụ dự báo khí tượng cho khu vực Việt Nam. Bốn là, đã đưa công cụ hỗ trợ phân tích và hỗ trợ dự báo thời tiết, dự báo bão, cụ thể là Hệ thống cơ sở dữ liệu KTTV và công cụ hỗ trợ (MHDARS) tác nghiệp dự báo khí tượng, dự báo bão, nghiên cứu khoa học; Ứng dụng và khai thác các sản phẩm dự báo thời tiết số chi tiết định lượng làm tiền đề cho việc thiết lập phát triển và hoàn thiện cơ sở dữ liệu KTTV toàn ngành, các công hỗ trợ dự báo khí tượng và dự báo bão trong giai đoạn tới. Năm là, đã ứng dụng hệ thống Định hướng cảnh báo lũ quét của Trung tâm Nghiên cứu Thủy văn Hoa Kỳ do Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) hỗ trợ trong cảnh báo khả năng xảy ra lũ quét. Sáu là, đã tính toán lũ ảnh hưởng bởi sự cố vỡ đập ở Lào năm 2018 đến dòng chính sông Mê Công tại Tân Châu và Châu Đốc; nhận định tình hình hạn hán, xâm nhập mặn sớm cho năm 2019… Bảy là, đã xây dựng được Hệ thống tăng cường năng lực dự báo thời tiết và cảnh báo sớm mưa, lũ.

Trong 78 năm qua, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Ngành KTTV Việt Nam luôn phát huy tinh thần yêu nước cao độ, thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, trong cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc, 20 cán bộ của ngành đã anh dũng hi sinh trong khi làm nhiệm vụ, có những trang số liệu chúng ta đang khai thác hôm nay đã phải trả giá bằng máu của các quan trắc viên KTTV và ngay trong thời bình Ngành vẫn có cán bộ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.

Với mục tiêu phát triển Ngành KTTV Việt Nam đồng bộ theo hướng hiện đại hoá và tự động hóa, có đủ năng lực quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật KTTV trong phạm vi cả nước, nâng cao năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo KTTV, trọng tâm là dự báo, cảnh báo các thiên tai liên quan đến lũ, lũ quét, sạt lở đất, cấp báo động lũ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai trong tình hình mới, Ngành cần đi nhanh hơn, tích cực hơn. Trước mắt từ nay đến năm 2025, công chức, viên chức và người lao động toàn Ngành cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

1. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về KTTV

2. Hiện đại hóa hệ thống quan trắc, nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo KTTV, giám sát biến đổi khí hậu

3. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực KTTV

4. Củng cố tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác KTTV

5. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KTTV

6. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức công đồng về KTTV và phòng, chống thiên tai


 

Tác giả: Hữu Thành

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Hộp thư điện tử Tây Ninh
CÔNG KHAI, MINH BẠCH
Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Tây Ninh lần thứ II - năm 2022
Họp không giấy
Tôn chỉ mục đích các cơ quan báo chí
Công báo tỉnh Tây Ninh
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM
Danh sách người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
Hướng Dẫn Dịch Vụ Công
Danh sách phóng viên thường trú địa bàn Tây Ninh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập33
  • Máy chủ tìm kiếm15
  • Khách viếng thăm18
  • Hôm nay12,824
  • Tháng hiện tại267,551
  • Tổng lượt truy cập15,389,584
Tra cứu hồ sơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây