Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninhhttps://sotttt.tayninh.gov.vn/uploads/logo-so_1.png
Thứ tư - 10/05/2023 15:565590
Mục tiêu đặt ra của phong trào thi đua là tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng xã hội an ninh, an toàn, trật tự, văn minh, nề nếp và thân thiện.
Đẩy lùi tội phạm và tệ nạn xã hội, trước mắt kéo giảm các loại tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, các loại tội phạm thuộc mục tiêu 04 giảm của tỉnh; tăng cường công tác phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược Quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các Chương trình, Kế hoạch của tỉnh trong công tác phòng, chống tội phạm.
Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa và tấn công trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, nâng cao chất lượng của các mô hình tự quản, tự phòng ở cơ sở, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, thực hiện mục tiêu “Xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, an lành”.
Tăng cường công tác hợp tác quốc tế, nhất là các lực lượng chức năng của Vương quốc Campuchia giáp biên trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm, giữ vững an ninh trật tự trên tuyến biên giới.
UBND tỉnh cũng đã đề ra chỉ tiêu giảm tội phạm về trật tự xã hội ít nhất 05% so với năm 2022; tỷ lệ điều tra, khám phá án đạt trên 75%, các loại tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90%; 100% tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố được tiếp nhận, xử lý đúng theo quy định của pháp luật, trong đó tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Giảm tỷ lệ tái phạm tội trong số người đặc xá, chấp hành xong án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện dưới 15%; bắt giữ, vận động đầu thú 30% số đối tượng truy nã hiện có và 50% số đối tượng truy nã mới phát sinh; chuyển hóa thành công ít nhất 60% tổng số địa bàn trọng điểm phức tạp về trật tự xã hội được lựa chọn thực hiện.
Các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” phải được ít nhất 75% trên tổng số hộ dân trên địa bàn. Đối với cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường tuyên truyền 100% đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên.
Khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”, “An toàn về phòng cháy, chữa cháy”.
Mỗi xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường duy trì, củng cố nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các mô hình phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc hiện có, nhất là mô hình “Tổ Dân cư tự quản”, xây dựng, duy trì 100% các nhóm Zalo phục vụ hoạt động và truyền tải thông tin, tài liệu tuyên truyền về an ninh trật tự đến từng hộ gia đình, từng thành viên mô hình; phấn đấu 100% các tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông nội thị được xây dựng mô hình “Thắp sáng đường quê”, triển khai nhân rộng mô hình “Tổ công nhân tuyên truyền phòng, chống tội phạm”.
Ngoài ra, căn cứ đặc điểm tình hình, điều kiện của mỗi xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường có thể xây dựng mô hình mới đảm bảo thiết thực, hoạt động có hiệu quả.
Các xã, phường, thị trấn phấn đấu duy trì đạt chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em và đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Lực lượng Công an xã, phường, thị trấn; lực lượng Bảo vệ dân phố, Tuần tra nhân dân làm tốt vai trò nòng cốt tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp chỉ đạo, huy động các ngành, tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng và Nhân dân tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, trong phòng ngừa tội phạm, chuyển hóa địa bàn.