Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em

Thứ năm - 12/10/2023 14:29 482 0
Năm 1989, Công ước Liên Hợp quốc về Quyền trẻ em (Công ước) được thông qua. Đến nay, Công ước về Quyền trẻ em được 196 quốc gia phê chuẩn và trở thành một văn kiện về quyền con người rộng rãi nhất trong lịch sử.
Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em

Theo Công ước, trẻ em là những người dưới 18 tuổi, trừ khi luật pháp quốc gia công nhận tuổi thành niên sớm hơn. Cộng đồng quốc tế đã thừa nhận các quyền trẻ em và yêu cầu các quốc gia phải bảo đảm quyền của trẻ em như là quyền của con người chưa phát triển về thể lực, trí tuệ và kêu gọi toàn thể nhân loại hãy bảo đảm cho tất cả trẻ em một tương lai tốt đẹp hơn. Các quyền của trẻ em theo Công ước được phân thành bốn nhóm quyền, cụ thể như sau: 

1. Quyền sống còn của trẻ emQuyền sống còn của trẻ em bao gồm quyền được sinh ra và phát triển bình thường cả về thể chất lẫn tinh thần. Gia đình, Nhà nước và xã hội có nghĩa vụ làm tất cả những gì tốt nhất bảo đảm cho trẻ em được sống, có nơi ở, ăn uống đủ chất, được chăm sóc sức khỏe và giúp đỡ trong trường hợp khẩn cấp… Điều 6 Công ước quy định: Mọi trẻ em đều có quyền cố hữu được sống và nhà nước có nghĩa vụ bảo đảm đến mức tối đa có thể được sự sống còn và phát triển của trẻ em. Trẻ em có quyền được khai sinh, có họ tên và có quốc tịch; các quốc gia thành viên có nghĩa vụ tôn trọng quyền của trẻ em được giữ gìn bản sắc của mình, kể cả quốc tịch, họ tên và các quan hệ gia đình được pháp luật thừa nhận mà không có sự can thiệp phi pháp. Công ước quy định trẻ em có quyền biết cha mẹ mình và được cha mẹ mình chăm sóc sau khi ra đời; được cho, nhận làm con nuôi; được chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ; được hưởng an toàn xã hội và trẻ em dưới 15 tuổi không phải trực tiếp tham gia chiến sự, các quốc gia không tuyển trẻ em dưới 15 tuổi vào lực lượng vũ trang và bảo vệ, chăm sóc những trẻ em bị ảnh hưởng của xung đột vũ trang. 

2. Quyền được bảo vệ: Trẻ em được gia đình, nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự; bảo vệ trẻ em khỏi sự phân biệt, đối xử vô nhân đạo, bóc lột lao động, xâm hại tình dục, lạm dụng ma túy, bị bỏ rơi, bị bắt cóc và buôn bán. Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em đều bị xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Trẻ em có quyền được bảo vệ chống lại sự can thiệp vào đời tư, gia đình, nhà cửa hoặc thư tín của các em, chống lại sự công kích bất hợp pháp vào danh dự và thanh danh của các em; có quyền được bảo vệ chống lại bạo lực, lạm dụng và sao nhãng đối với trẻ em. Các quốc gia phải thực hiện tất cả các biện pháp ở cấp quốc gia, song phương và đa phương để ngăn ngừa việc bắt cóc, buôn bán trẻ em vì bất kỳ mục đích gì hay dưới bất kỳ một hình thức nào. Trẻ em có quyền được nhà nước bảo vệ chống lại tất cả những hình thức bóc lột khác gây phương hại đến bất kỳ phương diện nào của phúc lợi trẻ em. Không một trẻ em nào bị tra tấn hay bị đối xử hoặc trừng phạt tàn tệ, vô nhân đạo hay làm mất phẩm giá. Các quốc gia phải áp dụng tất cả các biện pháp thích hợp để phục hồi về thể chất, tâm lý và tái hoà nhập xã hội của trẻ em là nạn nhân của bất kỳ hình thức đối xử vô nhân đạo nào như bỏ mặc, bóc lột, lạm dụng, tra tấn, trừng phạt độc ác, nhục hình hoặc các cuộc xung đột vũ trang nhằm tăng cường sức khoẻ, lòng tự trọng và phẩm giá của trẻ em.

3. Quyền được phát triển: Trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức. Nhà nước có nghĩa vụ bảo đảm sự sống còn và phát triển của trẻ em; quyền được cha mẹ chăm sóc sau khi ra đời, tạo điều kiện cho trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và đạo đức. Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm và giúp đỡ cha mẹ, người có trách nhiệm nuôi dưỡng thực hiện quyền này. Trong trường hợp cần thiết phải thực hiện chương trình hỗ trợ và giúp đỡ vật chất, đặc biệt về dinh dưỡng, quần áo và nhà ở . Trẻ em có quyền được học tập, nhà nước có trách nhiệm bảo đảm cho trẻ em thực hiện quyền học tập; thi hành giáo dục tiểu học bắt buộc, sẵn có và miễn phí cho tất cả mọi người… Việc giáo dục trẻ em phải nhằm phát triển tối đa nhân cách, tài năng, các khả năng về trí tuệ và thể chất của trẻ em; phát triển sự tôn trọng quyền con người và các quyền tự do cơ bản của công dân; chuẩn bị cho trẻ em sống có trách nhiệm theo tinh thần hiểu biết, hoà bình, khoan dung, bình đẳng nam nữ và hữu nghị giữa tất cả các dân tộc, tôn giáo và những người bản địa.

4.Quyền được tham gia:  Trẻ em có đủ khả năng hình thành quan điểm riêng của mình, có quyền tự do phát biểu ý kiến về tất cả mọi vấn đề có ảnh hưởng đến trẻ em và những ý kiến đó phải được coi trọng một cách thích ứng phù hợp với lứa tuổi và độ trưởng thành của trẻ em. Các quốc gia phải tôn trọng quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo của trẻ em theo sự hướng dẫn thích hợp của cha mẹ, người giám hộ. Trẻ em có quyền tự do kết giao (gặp gỡ những trẻ em khác) và tự do hội họp hoà bình (gia nhập hoặc lập hội), trừ một số hạn chế được pháp luật quy định và cần thiết để bảo vệ an toàn công cộng, trật tự xã hội, bảo vệ sức khoẻ hay đạo đức hoặc bảo vệ quyền và tự do của người khác (Điều 15); có quyền được thu nhận thông tin và tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là những thông tin, tư liệu cổ vũ cho lợi ích xã hội, tinh thần và đạo đức cũng như sức khoẻ, thể chất và tinh thần của trẻ em.

Nhà nước phải khuyến khích các cơ quan thông tin đại chúng truyền bá những thông tin tư liệu có ích lợi về mặt xã hội và văn hoá cho trẻ em; bảo vệ trẻ em chống lại những thông tin và tư liệu có hại cho phúc lợi của trẻ em.

 

Tác giả: BCXB

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục

Hộp thư điện tử Tây Ninh
CÔNG KHAI, MINH BẠCH
Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Tây Ninh lần thứ II - năm 2022
Họp không giấy
Tôn chỉ mục đích các cơ quan báo chí
Công báo tỉnh Tây Ninh
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM
Danh sách người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
Hướng Dẫn Dịch Vụ Công
Danh sách phóng viên thường trú địa bàn Tây Ninh
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập71
  • Máy chủ tìm kiếm36
  • Khách viếng thăm35
  • Hôm nay12,942
  • Tháng hiện tại349,156
  • Tổng lượt truy cập15,047,272
Tra cứu hồ sơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây